Thế rồi cô tôi lại đi! Lúc cô đi rồi, mấy lần bên chồng của cô có đến đòi lại những đứa con, nhưng vì nể ông tôi giỏi võ nên họ không dám làm mạnh.
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
[links()]
(VLO) Thế rồi cô tôi lại đi! Lúc cô đi rồi, mấy lần bên chồng của cô có đến đòi lại những đứa con, nhưng vì nể ông tôi giỏi võ nên họ không dám làm mạnh.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Còn cô tôi thì ra đi biền biệt. Cũng do điều kiện bí mật, cô không có lần nào về thăm con của cô được. Chừng nào nhớ con, cô thường nhắn với má tôi, chở con tới điểm hẹn sẵn, để cô gặp mặt. Trong những phút giây gặp con ngắn ngủi, cô ôm chặt những đứa con vào lòng thổn thức.
Rồi hôn lên trán, lên cằm, lên khắp người tụi nó. Cô nhắm mắt để tận hưởng hạnh phúc, ghi lại từng mùi mồ hôi trên quần áo của mỗi đứa. Cô dặn dò đủ điều:
- Ở nhà nhớ nghe lời ông bà ngoại nghe con!
Chúng nó thỏ thẻ, xen với sự nũng nịu rất đáng yêu:
- Sao mẹ cứ đi hoài không chịu về với chúng con? Chừng nào mẹ về hở mẹ?
Cô không dám trả lời thật với bọn chúng, sợ trẻ con vô tình tiết lộ tin tức, rồi liên lụy đến gia đình nên cô trả lời cho qua:
- Chừng nào mẹ học nghề thành thạo rồi mẹ về!
Lúc chuẩn bị chia tay, cô không quên dặn lại con An:
- Ở nhà trông em tiếp mợ, nhớ tắm rửa và ru em ngủ nghe con.
Má tôi bảo:
- Thôi! Chuyện ấy em đừng lo, chị sắp xếp được mọi việc.
Cô hôn lấy, hôn để các đứa con một lần nữa, rồi đặt cây súng lên gói đồ, lội đi giữa đồng bông súng. Má tôi chờ khi bóng cô mất hút giữa đồng bưng mênh mông rồi mới cho xuồng quay trở về.
Từ đó nỗi nhớ con, khát khao muốn sum họp đã làm động lực chiến đấu, để cô chống lại kẻ thù. Nhưng trong trận chống càn năm ấy, cô đã bị bắt và phải bị tù đày. Ông tôi mất liên lạc với cô từ ấy.
Ai cũng ngỡ rằng, cô tôi đã hy sinh. Vì thế ai trong gia đình coi việc chăm lo mấy đứa cháu thay cô là một bổn phận. Nhưng sự đời lại trớ trêu, nhà ông tôi túng quẫn, nay lại càng thêm túng quẫn thêm.
Chỉ ăn toàn là cháo độn với khoai lang. Có khi ông bà tôi chỉ ăn một bữa cháo trong ngày, còn một bữa nhường cho các đứa cháu. Hai đứa lớn đã biết chuyện thì không hề gì.
Còn đứa nhỏ cứ khóc hoài, ông tôi tìm đến nhà dượng dự định nhờ họ nuôi tiếp em Nở của tôi. Nhưng nghe người ta nói nhà ấy đã dọn đi nơi khác từ lâu rồi. Dường như tận đến Sài thành thì phải. Ông tôi bất đắc dĩ phải đem nó cho người khác.
Đất nước giải phóng, cánh cửa tù giam đã mở toang. Cuộc đời của cô đã sang một trang mới như ước nguyện của cô. Lúc cô tôi trở về, ông tôi đã mất, chỉ còn lại bà tôi thôi.
Ai nấy ôm chầm lấy nhau nước mắt giàn giụa, kể lể nhiều điều. Nhà tôi ai cũng tưởng cuộc gặp mặt này là một giấc mơ chứ không hề có sự thật.
Mấy đứa con của cô tới ôm mẹ nó với nỗi vui mừng không kể hết. Bỗng cô ngó quanh tìm một đứa nữa. Không thấy nó đâu, cô liền hỏi:
- Má, con Nở đâu rồi má? An, Khánh gọi em về cho má coi nó bây lớn, mặt mũi nó như thế nào rồi?
Nghe nói như thế ai cũng nhìn nhau im lặng, không nói được lời nào. Cô nhìn một lượt và lạ lùng trước sự im lặng của mọi người, đoán biết có chuyện không lành xảy ra. Cô tất tả chạy đến bên bà tôi, vịn vào vai gầy của bà lắc lắc vài cái. Cô hỏi liên tục:
- Má, má nói cho con biết, con Nở đâu rồi má? Có phải, chuyện gì lại xảy ra với nó rồi không?
Hồi lâu, nội tôi kéo cái khăn rằn lau vội nước mắt, rồi mới trả lời cô tôi:
- Thôi, phải tội với con, với cháu má chịu, vì gia đình quá túng thiếu má không nuôi nổi hết tụi nó, nên má đưa nó cho người khác nuôi từ lúc ấy rồi.
Nghe bà nội tôi nói vậy, cô tôi quá đau khổ, nhưng không dám trách móc bà tôi lời nào. Cô ngồi thụp xuống hàng ba nhà, vật vã trên đất, nước mắt giàn giụa nhưng không dám thốt ra thành tiếng vì sợ bà nội tôi buồn rồi sinh bệnh. Sau ngày ấy, cô không ngừng hỏi thăm hàng xóm về em Nở tôi.
Cuối cùng rồi cũng có tin tức là ông tôi đã trao em ấy cho một nông dân ở xóm trên. Vì vậy cô xuống xuồng làm người bán hàng rong trên sông để hỏi thăm tin tức về em tôi, ngày ngày tìm con khắp nẻo, nhưng lại bặt tăm hơi.
Có những buổi chiều, một mình cô trên chiếc xuồng nhỏ giữa con sông rộng. Nghe tiếng chim kêu trên những rặng bần cao chót vót, đua nhau mừng mẹ về, lòng cô tôi không nén được những cơn đau.
Cô nhớ đến em tôi, nhớ những đứa con ở nhà rồi tưởng tượng lại mùi mồ hôi thời thơ bé của mỗi đứa mà cô cất giữ từ sâu thẳm của trái tim.
Cô mong một ngày tìm được em Nở tôi, cô sẽ cố dang cánh tay nhỏ bé của mình, cố nối cho nó dài ra ôm hết bọn chúng vào lòng cho thỏa lòng mong nhớ. Những điều ước của cô tôi tưởng chừng xa xôi lắm.
Nhưng thật lạ, có một ngày, khi tuổi cô bước sang những lúc hoàng hôn của cuộc đời, thì không biết ai nói cho em tôi nghe, mà em ấy tìm về. Vừa để nhận lại cô Út tôi, vừa nói lời hờn trách rất là nhiều, cho hả cơn uất ức. Em ấy bảo với cô tôi:
- Hùm dữ không nở ăn thịt con, sao má lại nhẫn tâm đưa con cho người khác?
Cô tôi cứ khóc rưng rức, không biết tại vì vui sướng khi gặp lại đứa con đã thất lạc hay khóc vì cố nén nỗi đau oan ức ở trong lòng. Cô tôi chẳng nỡ đổ thừa lỗi đó là của ông bà tôi, nên nhận hết lỗi lầm về mình.
Có một điều là mặc cho nó trách móc cô những gì, ngay bây giờ cô muốn chạy tới ôm chúng vào lòng. Hôn lên trán, lêm cằm, nựng nịu chúng với những lời yêu thương đớt đát từ miệng của người mẹ.
Nhưng những điều thiên chức của người mẹ đó, lại vô cùng xa vời đối với cô trong khi em Nở tôi đang đứng trước mặt cô. Bởi em đang nhìn cô, nói chuyện với cô bằng thái độ hết sức lạnh lùng. Cô tôi nói với đứa con như một lời hối lỗi thực sự:
- Đưa con cho người khác là lỗi của mẹ, mong con tha thứ cho mẹ. Đó chỉ là hoàn cảnh bất đắc dĩ mà thôi.
Em tôi lại bảo:
- Nếu là hoàn cảnh bất đắc dĩ sao không phải là chị An và anh Khánh mà lại là con?
Từ đó về sau, vào những ngày lễ tết, em ấy vẫn về thăm cô tôi, nhưng lúc nào trong lòng cũng mang nặng sự hờn trách. Em ấy về giây lát, rồi lại đi, với vẻ mặt lạnh lùng.
Những lúc như vậy, cô vô cùng đau khổ. Cứ mỗi tối, cô vào mùng ôm những tấm ảnh của từng đứa chụp từ thuở ấu thơ vào lòng, rồi cô như muốn cất tiếng ru cho những đứa con bé thơ của mình ngủ, mà một thời cô không làm được cho bọn chúng. Nhìn thấy cảnh ấy nhà tôi ai cũng đau lòng.
Tôi dự định ngày nào gặp riêng em và nói rõ ràng mọi chuyện để em hiểu về cô, thông cảm hoặc tha thứ cho cô. Nhưng một hôm, người ta phát hiện cô đã nằm chết bên căn bếp nhà mình, trên tay vẫn còn cầm những tấm ảnh của ba đứa con.
Lúc tiễn cô đi ra nơi yên nghỉ cuối cùng, tôi gửi theo cô một nắm đất và lòng nghĩ rằng “Thôi nói chuyện ấy nữa làm gì nữa, hãy để nó theo cô như nắm đất này vậy”. Lúc tiếng trống đánh liên hồi để hạ huyệt, tôi có thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má em tôi.
MINH ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin