Thơ thiếu nhi Liên Xô và nhạc thiếu nhi Liên Xô có giai điệu vui tươi, hồn nhiên, khiến người nghe cảm thấy yêu đời. Bởi thế, những vần thơ và giai điệu này không có biên giới.
(VLO) Thơ thiếu nhi Liên Xô và nhạc thiếu nhi Liên Xô có giai điệu vui tươi, hồn nhiên, khiến người nghe cảm thấy yêu đời. Bởi thế, những vần thơ và giai điệu này không có biên giới.
Nhà thơ Samuil Yakovlevich Marshak với thiếu nhi Liên Xô. Ảnh: Tư liệu lịch sử |
Những vần thơ không biên giới
Maksim Gorky (1868-1936)- người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn chương Nga- đã gọi nhà thơ Samuil Yakovlevich Marshak (1887-1964) là “ông tổ của văn học thiếu nhi Nga”.
Từ những năm đầu của những năm 1920, nhà thơ Marshak tham gia vào việc tổ chức các nhà trẻ ở Krasnodar, thành lập nhà hát thiếu nhi và tại đây bắt đầu sự nghiệp sáng tạo của một nhà thơ thiếu nhi.
Năm 1923, tại Leningrad, nhà thơ Marshak bắt tay viết những câu chuyện đặc sắc đầu tiên của mình bằng thơ, như “Câu chuyện về con chuột ngu ngốc”, “Anh em sư tử”, “Bài học lễ phép”, “Bé sư tử”, “Bầy lợn con”, “Cái ngủ và cái ngáp”, “Chiếc bàn đến từ đâu”, “Chim chiền chiện”, “Con mèo và hai anh lười”, “Nhà trường trên bánh xe quay”, “Sẻ ăn trưa ở đâu”…
Thời gian này, ông đồng thời là người lãnh đạo một tạp chí dành cho thiếu nhi Xô Viết vừa là người cộng tác cho Nhà xuất bản Văn học thiếu nhi Xô Viết.
Thơ của nhà thơ Marshak viết cho thiếu nhi cùng những bài hát của ông, các câu đố, những mẩu chuyện và những lời mào đầu cho các truyện cổ tích, những vở kịch cho nhà hát thiếu nhi sau đó đã được tập hợp thành tuyển “Truyện cổ tích, bài hát, câu đố” được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Với những đóng góp của mình, ông đã 4 lần được tặng Giải thưởng Stalin (1942, 1946, 1949, 1951), 2 lần được tặng Huân chương Lenin và nhiều huân- huy chương các loại.
Nhiều thế hệ học sinh tiểu học Việt Nam đến nay vẫn nhớ đến bài thơ “Nói với sông Dniepr” của nhà thơ Marshak: “Con người nói với sông Dniepr/ Ta sẽ chắn ngươi bằng tường thép/ Để từ trên cao/ Ngươi chảy xuống/ băng băng/ Cho tàu chạy/ nhanh hơn/ Cho máy chạy/ không ngừng/ Để từ nay/ Nước dòng sông/ không còn trôi/ vô ích/ Mà sẽ mang/ bánh mì, điện, than/ Cho dân ta dùng thỏa thích/ Để trên đồng/ vang xa/ tiếng máy cày, máy nổ/ Để điện sáng suốt đêm/ trong nhà/ và ngoài phố…”.
Những giai điệu không biên giới
Bài hát “Ở trường cô dạy em thế” là một bài hát của thiếu nhi Liên Xô thường hát trong ngày khai trường và được nhạc sĩ Phạm Tuyên dịch ra tiếng Việt trong thập niên 80 của thế kỷ XX.
Lời bài hát thật dễ thương: “Từng nét chữ xinh xinh thẳng hàng/ Ngòi bút viết theo tay nhịp nhàng/ Điều hay ấy chúng em được biết chính cô dạy em thế/… Học phép tính em quen dần dần/ Đọc ghép chữ xinh xinh thành vần/ Điều hay ấy chúng em được biết chính cô dạy em thế/ Học những cuốn sách quý thân thương/ Thành những thiếu nhi rất chăm ngoan/ Điều hay ấy chính cô dạy em ở mái trường mến yêu… Đoàn kết tốt gắn bó keo sơn/ Từ tấm bé đã biết yêu thương/ Điều hay ấy chính cô dạy em ở mái trường mến yêu”.
Bài hát “Nụ cuời” là nhạc phim hoạt hình “Gấu mèo con” của Liên Xô được phát hành năm 1974. Bài hát có giai điệu vui vẻ, tinh nghịch, xem lẫn tiếng cười hồn nhiên làm người nghe cảm thấy yêu đời: “Cho trời sáng lên và áng mây tươi hồng/ Cầu vồng lên lung linh bao ánh sáng lên ở khắp trời/ Nụ cười tươi, chúng ta cùng chung niềm vui/ Trong cuộc sống đầm ấm yên vui ta cùng cất tiếng cười/ Để làn mây không bay đi xa, những giọt mưa bay bay quanh ta/ Để dòng sông thành con suối xinh thành dòng sông sóng xô/ Tiếng cười vui luôn luôn bên ta/ Tiếng cười sẽ luôn luôn vang xa/ Tiếng cười là bạn thân mến yêu của thời niên thiếu ta/ Tiếng cười vui luôn luôn bên ta/ Tiếng cười sẽ luôn luôn vang xa/ Tiếng cười là bạn thân không thể nào xóa nhòa”.
Do đó, bài hát không những được ưa chuộng tại Liên Xô mà còn được nhiều thiếu nhi khắp nơi trên thế giới ưa thích. Tại Việt Nam, bài hát đã được đưa vào chương trình dạy Âm nhạc cho
học sinh.
Cả hai bài hát “Ở trường cô dạy em thế” và “Nụ cười” đều là của nhạc sĩ Liên Xô Vladimir Yakovlevich Shainsky (1925-2017). Ông từng học cách sáng tác âm nhạc tại một trường âm nhạc ở Kiev, Nhạc viện Tashkent, Nhạc viện Moscow, Học viện Âm nhạc Baku.
Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, ông viết rất nhiều bài hát thiếu nhi. Ông đã được trao nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1981), Nghệ sĩ Nhân dân Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga (1986).
Bài hát “Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng” do nhạc sĩ Liên Xô Arkady Il’ich Ostrovsky (1914-1967) sáng tác phần nhạc vào năm 1962, đoạt giải nhất Liên hoan Âm nhạc Quốc tế ở Sopot (Ba Lan) và đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức.
Tại Việt Nam, lời tiếng Việt do nhạc sĩ Phạm Tuyên dịch. Năm 1977, bài hát nổi tiếng đến mức được lấy làm tên cho Đại hội liên hoan thiếu nhi thế giới lần thứ nhất tổ chức ở Moscow.
Lời bát hát như thúc giục của thiếu nhi về nền hòa bình trên thế giới: “Một vòng tròn xoe, xoay giữa bầu trời/ Họa sĩ bé xíu vẽ ông mặt trời/ Dào dạt niềm vui, khoái chí tuyệt vời/ Bạn đề trên tranh bài thơ mới/ Mặt trời lên mãi mãi sáng tươi bầu trời xanh/ Vĩnh viễn ngát xanh toàn trẻ em/ Vui sống giữa mẹ hiền yêu dấu, thật êm ấm/ Mặt trời lên mãi mãi sáng tươi/ Bầu trời xanh, vĩnh viễn ngát xanh toàn trẻ em/ Trên thế giới nguyện cùng nhau tiến... đến chân trời”.
Bên cạnh bài hát “Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng”, nhạc sĩ Ostrovsky còn sáng tác nhiều nhạc thiếu nhi. Một trong số đó là bài “Đồ chơi mệt rồi, ngủ thôi” được dùng là nhạc hiệu chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi Liên Xô mang tên “Chúc ngủ ngon, các em bé!”.
Năm 1965, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Danh dự Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin