Là người sinh ra thuộc thế hệ đầu 9x (thế hệ sinh năm 1990- 1999), mà giờ đây khi "lướt web" tôi phải… lật đật lên "Google" tìm nghĩa của những từ mà các bạn trẻ ngày nay dùng trên mạng xã hội. Không phải một vài em mà có rất nhiều bạn trẻ sử dụng từ ngữ "tự chế" đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Cụm từ “còn cái nịt” được bạn trẻ sử dụng phổ biến và tùy tiện trên Facebook (Ảnh chụp từ Facebook). |
(VLO) Là người sinh ra thuộc thế hệ đầu 9x (thế hệ sinh năm 1990- 1999), mà giờ đây khi “lướt web” tôi phải… lật đật lên “Google” tìm nghĩa của những từ mà các bạn trẻ ngày nay dùng trên mạng xã hội. Không phải một vài em mà có rất nhiều bạn trẻ sử dụng từ ngữ “tự chế” đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Thời gian trước, nhiều bạn trẻ, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu tự chế để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội, kể cả trong tập vở cũng xuất hiện kiểu chữ viết tắt nửa Tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số...
Hiện nay với sự phổ biến của mạng xã hội, nhiều từ ngữ, là tiếng Việt hẳn hoi, không có sự lẫn lộn chữ hay số mà người đọc nếu không dùng mạng xã hội sẽ không hiểu.
Mới đây, các bạn trẻ nói câu cửa miệng “còn cái nịt”, khi tìm hiểu tôi mới biết nó xuất phát từ một đoạn clip trên trang Tiktok.
Trong đoạn clip, T.B kể chuyện phản ứng khi nhặt được tiền. T.B cho biết số tiền đó sẽ vào túi người nhặt, chỉ còn lại “cái nịt” mà thôi.
Giải thích thêm nữa thì “cái nịt” không phải thắt lưng mà là dây thun màu vàng để buộc tiền. Đoạn clip được các bạn trẻ chia sẻ chóng mặt và gọi từ “còn cái nịt” là phản ứng khi không còn gì trong tay, mất hết mọi thứ.
Cùng với từ “còn cái nịt”, vài cụm từ khác như “khum”, “xu cà na”… đang được các bạn trẻ sử dụng tràn lan trên mạng xã hội. Internet đã mang đến thay đổi lớn trong cuộc sống con người ở nhiều mặt: việc học, bán hàng, mua sắm từ quần áo đến cọng rau… và Internet còn làm thay đổi cả ngôn ngữ của chúng ta.
Ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Sử dụng thường xuyên ngôn ngữ “tự chế” này, không chỉ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc.
Trong bài viết Ngôn ngữ của giới trẻ trên Internet, ThS.Thân Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển tri thức (TP Hồ Chí Minh) đã nói: “Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để chúng ta học tập, giao tiếp, biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển khả năng tư duy, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách con người cũng như khả năng thành công trong cuộc sống.
Sử dụng ngôn ngữ chuẩn, giàu biểu cảm và hàm xúc sẽ tạo tiền đề cho những sáng tạo. Bạn trẻ không nên lạm dụng ngôn ngữ... “lẩu”.
Cho dù xã hội có phát triển như thế nào, khoa học kỹ thuật có hiện đại đến đâu thì người trẻ cũng có gìn giữ và làm giàu tiếng Việt, không làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có.
Một vài bạn trẻ cũng đang lan tỏa tinh thần giữ gìn tiếng dân tộc qua những trang mạng xã hội. Trên Facebook có khá nhiều hội nhóm chia sẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của từ vựng trong tiếng Việt.
Trang “Tiếng Việt giàu đẹp” đi vào hoạt động năm 2019. Người sáng lập là anh Lê Trọng Nghĩa, đang sống và làm việc tại Nhật nhưng vẫn một lòng mong muốn phát huy nét đẹp của tiếng Việt.
Anh Lê Trọng Nghĩa chia sẻ: “Trang được lập ra với góc nhìn mới trẻ trung hơn để ai đọc vào cũng có thể hiểu và thấy rằng tiếng Việt mình rất thú vị. Và từ việc thấy tiếng Việt hay, người ta sẽ thêm yêu và giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình”.
Trang fanpage “Ngày ngày viết chữ” thì tập trung phân tích sâu về ý nghĩa của từ giúp cho người có thắc mắc được giải đáp, đặc biệt là phương pháp chiết tự, tách nghĩa từng từ để phân tích…
Việt Nam là một dân tộc có chữ viết riêng và tiếng Việt được đánh giá là ngôn ngữ đẹp, giàu âm sắc, không thiếu từ để diễn tả mọi ý tưởng, cảm xúc của người nói.
Không có lý do gì phải dùng ngôn ngữ “tự chế” để thay thế. Mỗi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ phải yêu tiếng dân tộc mình và có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin