Ngày 5/6/1911- 5/6/2021, tròn 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Thuở đó, chúng ta chưa ra đời, có thể là hạt bụi bay trong cõi hư vô, vậy nên hơn thế kỷ sau, hậu thế không thể nào hiểu hết được một hành trình vĩ đại của một lãnh tụ thiên tài của dân tộc.
(VLO) Ngày 5/6/1911- 5/6/2021, tròn 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Thuở đó, chúng ta chưa ra đời, có thể là hạt bụi bay trong cõi hư vô, vậy nên hơn thế kỷ sau, hậu thế không thể nào hiểu hết được một hành trình vĩ đại của một lãnh tụ thiên tài của dân tộc.
Trong ngày lịch sử này, chỉ muốn làm một đứa học trò nhỏ, đọc và cảm về một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ; để thêm một lần rung cảm và thêm ngàn lần yêu kính, biết ơn Người. Bài thơ của Chế Lan Viên: “Người đi tìm hình của nước”.
Tìm hiểu qua sách báo, thơ văn, phim ảnh… là cách để hậu thế hôm nay tiếp cận được hình ảnh của Bác kính yêu. Đó là một thôi thúc tự thân của mỗi người dân Việt Nam để có thể phần nào hiểu về Người, càng đọc càng thấm và càng thấy thương Bác vô cùng.
Với Chế Lan Viên được gọi là nhà thơ trí tuệ, mà trong bài thơ này ông đã đẩy cảm xúc, tình cảm lan tỏa, bàng bạc trong từng câu chữ đã làm cho chất chính luận cũng trở nên đầy những rung động chân thành.
Khi hình ảnh Bác xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước đã được khắc họa một cách sáng tạo vừa đời thường, nhưng cũng rất phi thường:
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre”
Vẫn là những cảm giác cô đơn khắc khoải rất đời thường của một con người lần đầu tiên bắt đầu hành trình về một vùng đất hoàn toàn xa lạ và giữa biển cả mênh mông, sao tránh khỏi được:
“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở”
Nhưng Bác Hồ là bậc vĩ nhân, Người có cái nhìn khác hơn tất cả vì mục đích cao cả của sự ra đi, cũng bởi Người nhìn ra vấn đề lớn của đất nước:“Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.
Chính câu thơ cuối cùng đã “gánh” cả phần đầu của bài thơ, để chúng ta nhận ra tấm lòng yêu nước thương dân của Bác; đất nước đau thương cũng chính là nỗi đau lớn lao trong trái tim Người, đó cũng là nguyên nhân duy nhất và lớn nhất để Người bắt đầu hành trình vĩ đại trong suốt cả cuộc đời mình.
Một hành trình được bắt đầu đơn độc và cao cả như thế, thật lặng lẽ giữa đất nước, giữa triệu dân lúc bấy giờ, chỉ rất ít những nhân sĩ, trí thức yêu nước lớn mới có thể nhận ra thực tế và đủ trí tuệ lớn để nuôi chí lớn. Còn phần đông:
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn
Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây”
Giữa cảnh lầm than của đất nước, những con người bình thường vẫn cuộc sống đời thường, cũng chẳng ai đủ tầm nhìn để tìm ra một lối đi của dân tộc. Cuộc sống an phận và nhỏ nhoi, nên cũng chẳng thể nào: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ.
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi. Hiểu sao hết Người đi tìm hình của nước”. Người ra đi tìm một lối đi cho cả dân tộc bước ra khỏi lầm than, bước qua nỗi nhục mất nước; cũng là tìm lại trọn vẹn hình dáng đất nước độc lập, thống nhất cho muôn đời sau.
Vẫn tiếp tục dòng chủ đạo cảm xúc về chặng đường mấy mươi năm Bác đã đi khắp năm châu bốn bể, trải mấy gian nan, trải mấy nhọc nhằn. Thương sao những gì Bác nếm trải nhưng vượt lên trên tất cả, nặng trĩu hơn cả trong lòng Người vẫn chỉ là nỗi đau lớn mỗi khi nghĩ về dân tộc:
“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.
Cảm hứng về hình tượng lãnh tụ xúc động nhất, cao đẹp nhất và cũng là những vần thơ hay nhất viết về Bác, đó chính là phút giây Người rớt những giọt nước mắt và reo lên một mình sung sướng một nụ cười khi nhìn thấy con đường đi cho dân tộc Việt Nam:
“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”
Tác giả sử dụng thể thức trường ca mới đủ sức chứa đựng cảm hứng lớn về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về hành trình vĩ đại 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước.
Nhưng, bài thơ đã được nhiều thế hệ học sinh- sinh viên thuộc lòng nhiều đoạn, trước hết chính là bởi một cảm xúc mãnh liệt từ tình cảm kính yêu chân thành của Chế Lan Viên đối với Bác đã được trải ra trên từng chữ, từng câu thơ vừa rất đời thường, vừa rất khái quát đầy sức nặng khi chuyển tải một đề tài lớn về lãnh tụ.
Hình ảnh Bác hiện ra trong thơ vừa rất gần gũi, vừa rất dung dị đời thường, lại vừa rất cao lớn, vĩ đại, phi thường của bậc vĩ nhân. Đây cũng là một trong những cách để mãi mãi những thế hệ mai sau hiểu về Bác và thêm muôn phần yêu thương, tôn kính Bác.
Đất nước này từ hôm qua đến hôm nay có được cơ đồ huy hoàng lộng lẫy như thế này đây và tiếp tục những thế hệ tiếp nối mai sau, sẽ luôn tự hào hai tiếng Việt Nam, chính là bắt đầu từ hành trình vĩ đại vào ngày 5/6/1911, thời khắc lịch sử Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã lặng lẽ bước xuống tàu ra đi “tìm hình của nước”:
“Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin