Chúng tôi đến nhà Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang, Cụm trưởng Cụm Tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) trong con hẻm nhỏ của Phường 25 (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh), theo lời hẹn trước, để được nghe ông kể chuyện trong ngày giải phóng 30/4/1975 ở miền Nam.
(VLO) Chúng tôi đến nhà Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang, Cụm trưởng Cụm Tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) trong con hẻm nhỏ của Phường 25 (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh), theo lời hẹn trước, để được nghe ông kể chuyện trong ngày giải phóng 30/4/1975 ở miền Nam. Khi đó, đơn vị ông đang nằm sát nách cơ quan đầu não Tổng chỉ huy Chính quyền Sài Gòn.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu. |
Những chiến sĩ tình báo năm xưa và sự kiện 30/4
Trong sân nhà vắng lặng, vị đại tá hơi buồn, vì người vợ cùng ông trong khói lửa, đã ra đi 2 năm nay. Rót từ từ chén nước cho khách, Đại tá Nguyễn Văn Tàu cho biết: “Trong giờ phút chót vào sáng 30/4/1975, Sài Gòn đã bị vây chặt từ 5 hướng.
Không phải là không có những cố gắng từ phía đối phương, mong làm chậm bước tiến quân của ta, hòng xoay chuyển tình thế, khi đã gần kết thúc “cơ nghiệp” của những ông chủ dinh Độc Lập”- đại tá nhấn mạnh.
Khi đó, anh em tình báo ở ngay sát dinh Độc Lập còn nghe rất rõ, đúng 9 giờ 30 phút, tiếng nói của Tổng thống Dương Văn Minh được lặp đi lặp lại nhiều lần trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Tướng Dương Văn Minh yêu cầu anh em binh sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy lập tức ngưng bắn. Ai ở đâu thì ở đó.
Ông ta cũng yêu cầu “anh em binh sĩ bên phía Chính phủ Cách mạng lâm thời ngưng bắn, chúng tôi ở tại đây chờ bàn giao chính quyền”- Trưởng cụm tình báo H63 vẫn hóm hỉnh, cười nhẹ: “Ông ta có biết đâu, tình báo ta đã nắm chắc các hoạt động trong nội các Sài Gòn từ nhiều ngày trước”.
Vào lúc này, quân đội Sài Gòn mất tinh thần, chính quyền tan rã trước sức tấn công vũ bão của 5 quân đoàn quân giải phóng trên 5 hướng tiến vào.
Đó là Quân đoàn 1 từ hướng Thủ Dầu Một (Bình Dương) tiến xuống; Quân đoàn 3 từ hướng Củ Chi, Quân đoàn 4 từ hướng Biên Hòa, Quân đoàn 2 từ hướng Long Thành- Đồng Nai lên ngã ba Long Bình rẽ trái qua cầu Đồng Nai tiến về Sài Gòn, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) từ hướng Đức Hòa- Long An tiến lên; Trung đoàn 88 từ Cần Giuộc- Long An hành quân qua cầu chữ Y (Quận 8) vào Quận 5.
Còn bên phía trong Sài Gòn và các cửa tiến về Sài Gòn thì các phân đội thuộc Lữ đoàn Biệt động đặc công 316 (tạm gọi Lữ đoàn 316) đã bám sát các mục tiêu do Bộ Tham mưu Miền B2 phân công và thực hiện đúng giờ giấc đã bố trí của Bộ Tham mưu Miền B2.
Từ mệnh lệnh thống nhất đó, tất cả các chiến sĩ Lữ đoàn 316 bằng mọi cách nhanh chóng ép sát nội ô Sài Gòn, giữ an toàn cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn và đi ngay vào nhiệm vụ dẫn đường hành quân trước thời điểm trưa 30/4/1975.
Liền ngay sau đó, các quan thầy đế quốc Mỹ đã cử tướng Vanuxeal tới dinh Độc Lập nhằm thuyết phục Dương Văn Minh cầm cự càng lâu càng tốt, cùng lắm thì rút về cố thủ tại ĐBSCL.
Dương Văn Minh nói trong tình hình này, không cầm cự nổi, Vanuxeal nói cần thì Mỹ huy động mọi khả năng kéo dài cho được 48 tiếng đồng hồ. Lúc này, đã có tác động từ bên ngoài, hòng làm biến chuyển về tình hình Nam Bộ. Dương Văn Minh từ chối, Vanuxeal bực dọc và bỏ ra khỏi dinh Độc Lập.
Nên biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Vanuxeal là đại tá chỉ huy Phân khu (secteur) chỉ huy Trung đoàn Bộ binh thuộc địa số 22 (22e RIC), là cấp chỉ huy trực tiếp của tướng Dương Văn Minh, nên đế quốc Mỹ chọn Vanuxeal trong giờ phút nước sôi, lửa bỏng này thuyết phục tướng Dương Văn Minh, để chỉ đạo quân đội Sài Gòn.
Tuy nhiên, mọi cố gắng của kẻ địch đều vô vọng trước sức tiến quân của đại quân ta từ khắp 5 hướng, nhằm về dinh lũy, sào huyệt cuối cùng của địch là trung tâm Sài Gòn và dinh Độc Lập theo chỉ thị của Bộ Chính trị vừa điện vào cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch bất kể là lực lượng nào mà chúng hòng chống cự”.
Nhận mệnh lệnh đó, tất cả các đoàn quân ta hành quân với ý chí thần tốc, táo bạo nhất, để nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu.
Đúng 11 giờ 30 trưa 30/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân giải phóng sau khi 2 xe tăng của Lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2 tiến vào húc đổ 2 cổng sắt dinh Độc lập.
Những ngày theo sát sự kiện 30/4
Vào chiều 29/4, Sở chỉ huy Lữ đoàn 316 đóng trên bờ rạch xã Trung An (phía Nam Củ Chi), lúc đó Đại tá Nguyễn Văn Tàu là Chính ủy. Vào sáng 30/4, theo lệnh, Lữ đoàn 316 đã di chuyển nhanh đến ấp Thới Tứ (xã Thới Tam Thôn) sát thị trấn Hóc Môn về phía Đông bây giờ.
Vào lúc 10 giờ sáng 30/4, tại địa bàn này, có một cán bộ pháo binh của Quân đoàn 3 đến gặp Chỉ huy Lữ đoàn 316 để thảo luận về các vị trí đặt pháo trong nội ô Sài Gòn, yểm trợ bộ binh tác chiến trên đường phố- Đại tá Nguyễn Văn Tàu nói chính xác như vừa mới diễn ra- ông ra lệnh tuyệt đối phải an toàn cho nhân dân, không được nổ súng khi chưa có lệnh.
Sau khi thống nhất các vị trí đặt pháo trong thành phố, đại tá Nguyễn Văn Tàu liền phân công 3 nữ chiến sĩ biệt động của đơn vị dẫn đường cho các cụm pháo binh ta đi vào nội ô Sài Gòn.
Trong lúc Sở Chỉ huy Lữ đoàn 316 vừa bàn xong kế hoạch đưa đoàn xe tăng, pháo binh ta vào trấn ngữ đề phòng, thì vừa đúng lúc ấy tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Đồng chí cán bộ quân đoàn cử đến gặp ấy vui vẻ từ giã chúng tôi.
Cảnh đánh chiếm từng đường phố trong Sài Gòn, hy sinh, chết chóc… đã khép lại. Ai cũng mừng đến chảy nước mắt”- Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ rõ.
Trưa 30/4, ngay lập tức Sở Chỉ huy Lữ đoàn 316 di chuyển ngay vào nội ô Sài Gòn. Buổi chiều và đêm ấy diễn ra một điều kỳ diệu: ta chiếm TP Sài Gòn vẹn nguyên, từ nhà cửa, kho tàng, nhà máy đến từng phố xá, công sở…
Đêm đó để lại một ấn tượng không bao giờ quên của người làm tình báo, khi nhìn thấy đồng bào đổ ra đường đón đoàn quân giải phóng như con em đi xa về, mừng mừng, tủi tủi ôm hôn nhau. Chiều và tối đó, hàng triệu lá cờ giải phóng, cờ Tổ quốc rợp trời. Cờ to được treo khắp đường phố, cờ nhỏ trên tay mỗi đồng bào.
Họ vẫy không ngừng tay và đổ ra mọi tuyến đường: “Thời điểm cuối tháng 4, trời nắng to ban ngày, ban đêm mát mẻ, nam nữ thanh niên các quận trung tâm Sài Gòn đeo băng đỏ trên khuỷu tay, tự giác ra đường điều khiển giao thông, không có cảnh ùn tắc ở các giao lộ, như đã được dự báo tình hình trước. Tối đó, đèn điện vẫn sáng choang choang cả TP Sài Gòn.
Điều mà những người tình báo đã tiên lượng, phải chỉ đạo cho các mũi canh phòng rất chặt chẽ các nhà máy điện, nước, không để cho nhân dân ta trong ngày giải phóng phải chịu cảnh cúp điện, nước máy,… Mọi nhu cầu cho nhân dân vẫn được cung cấp đầy đủ như cuộc chuyển giao êm đẹp”.
Đại tá Tư Cang vội gạt dòng nước mắt khi nhắc đến những người lính của ông đã chiến đấu anh dũng, ra đi mãi mãi không về trong giờ phút sắp tới giờ giải phóng.
Năm nay, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu đã qua tuổi 89 với hơn 65 năm tuổi Đảng. Những lần nhắc đến các chiến tích đầy tự hào của Cụm Tình báo anh hùng H63, ông càng nhớ những người lính của đơn vị ông đã nằm lại, mà có chiến sĩ còn không có thông tin về nơi các anh nằm xuống; nhớ những bà con ta đã che chở cho Cụm Tình báo H63 và Lữ đoàn 316; nhớ mãi hình bóng những người lính vào sinh, ra tử cùng ông trong hàng chục năm liền khói lửa, để có những tin tức tình báo phục vụ chiến trường, góp phần đi tới chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc ta vào hôm nay.
ThS. PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin