Năm cắc hay năm đồng

06:04, 03/04/2021

Ngày 25 tháng 6 năm 1975, dân ấp Mò Ò loan tin rầm trời. Ông Hưng đi tập kết hồi 1954 đã về. Ổng vận đồ giải phóng, đội nón tai bèo, đi dép râu; đeo xà cột bằng da màu nâu, đeo súng sáu, quảy cái bồng bằng vải dù. 

Kính tặng bác sĩ Quân y Nguyễn Thanh Hùng

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

1. Ngày 25 tháng 6 năm 1975, dân ấp Mò Ò loan tin rầm trời. Ông Hưng đi tập kết hồi 1954 đã về. Ổng vận đồ giải phóng, đội nón tai bèo, đi dép râu; đeo xà cột bằng da màu nâu, đeo súng sáu, quảy cái bồng bằng vải dù.

Oách lắm. Làm như ổng là tướng là tá hay sao đó, thấy ngồi xe jeep về làng; anh tài xế cũng đeo súng sáu, đeo xà cột, hình như là gạc đờ co của ổng. Giáp vòng trong xóm, người già, người trẻ, con nít, đờn ông, đờn bà, kéo tới xem rần ì như xem hội.

Tui nghe nói ông Hưng về tới, cũng xấp xởi chạy ù từ ngoài giồng dưa gang về, hổng kịp thay cái áo bà ba đen vá chằng vá đụp, hổng kịp thay cái quần vải xô ống thấp ống cao.

Ổng ngồi với tía má và chú em kế một bên cái bàn gỗ thao lao đã cũ, đối diện với ông bác, ông chú và mợ Năm của ổng. Người đờn ông đi cùng xe jeep kéo cái ghế đôn ngồi đầu bàn, cũng quay tới quay lui chào hỏi người này người khác.

Trên bàn có cái bình tích vẽ hình ông Thọ với hai cô tiên cùng hai chú tiểu đồng, một dĩa kẹo thèo lèo, một dĩa bánh ống, một nải chuối xiêm đen, một bịch thuốc giồng, một gói Cotab đã bóc, khui thòi ra hai cái đầu lọc màu vàng, điếu cao điếu thấp thập thò.

Hổng thấy ai rớ tới bánh kẹo, rớ tới nải chuối, rớ tới gói Cotab, chỉ thấy ai cũng cầm ly trà hết nâng lên lại đặt xuống.

Tía má ổng, chú em kế của ổng, mợ Năm, bác Hai, chú Tư, ai nấy mặt mày rạng rỡ; còn ổng cứ liên tục chắp hai tay trước ngực, xoay mặt bên này bên kia, liên tục cúi đầu chào người này người nọ.

Tui đến trễ, nhưng cũng được mọi người nhường cho vô đứng ôm cái cột nhà sau lưng ổng. Lúc ổng day mặt cúi đầu chào tui, tui muốn lọt tim ra ngoài, muốn òa ra khóc, muốn nhào tới ôm chầm lấy ổng; nhưng tui không dám, còn ổng thì hổng nhận ra tui. Hai mốt năm rồi, cực khổ làm lụng nuôi bốn con, khiến tui thay đổi nhiều quá.

Tui đâu còn là vợ ổng. Tui đã là vợ người ta, có với người ta hai mặt con. Người ta với bốn đứa con của tui cũng được mọi người nhường chỗ cho lọt vô đứng trong nhà.

Coi bộ chồng sau của tui cũng khép nép, ngồi ghé trên bộ ván ngựa, ôm đứa cháu ngoại tên Phượng Nhỏ là con của con Phượng trong lòng. Ông ấy ôm cháu ngoại của ông Hưng mà ông Hưng đâu có biết.

Tía má ổng lớp mừng con trai trở về, lớp lo chào cám ơn hết người này tới người kia, đâu có thời gian nói cho ổng biết mọi chuyện đã xảy ra suốt hai mốt năm trời đăng đẵng; với nữa vui quá, đâu có ai để ý tới đứa con nít lên bốn lên năm mà kể cho ổng biết.

Con Phượng là con gái riêng của tui với ổng, bấy giờ cũng nín khe, hết nhìn chăm chắm ông Hưng lại lén nhìn tui, nhìn ba dượng của nó; chính con Phượng cũng đâu có biết ông Hưng chính là ba ruột của nó.

Nào tới giờ nó với thằng Quân anh ruột nó, chỉ biết có ba dượng; mà thằng Quân, cũng có thể nó nhớ mài mại, cũng có thể nó quên, bởi ba nó đi xa lúc nó còn quá nhỏ.

Chánh quyền tề ngụy ấp và xã o bế gia đình có người theo đằng mình, làm khó làm dễ mọi bề, ai dám hở cho hai đứa nó biết chúng là con ai. Chỉ có con Phượng Nhỏ, hổng biết bằng cách nào, nó len được vào đứng kế ổng, được ổng nhắc lên ẵm ngồi vào lòng.

Tui nghe nó hỏi: “Ông ơi, ông là Cộng sản à?” Tui thấy ổng xoa đầu nó trả lời: “Ông là quân Giải phóng. Ông cũng quê Huyền Hội như con vầy nè!” Tui thấy ổng với tay bẻ cho nó trái chuối xiêm.

Nó lắc đầu nói: “Con hổng ăn chuối. Con thích ăn kẹo thèo lèo với bánh ống hà”. Ổng bốc cho nó vốc kẹo. Nó lí nhí cám ơn rồi nhỏn nhoẻn ăn ngon lành. Vừa ăn nó vừa hỏi: “Ông ơi, Cộng sản với quân Giải phóng khác nhau không ông?”

Ổng khen nó ngoan rồi hỏi: “Mà con là con ai? Nhà ở đâu lận?” Tui nghe con Phượng Nhỏ trả lời nó là con má nó, cháu ngoại ông Ba Đức, nhà ở bến cây cồng, ngay chỗ có con kinh dừa nước nhập vào sông Càng Long.

Lúc đó tui muốn ná thở, sợ con Phượng Nhỏ nó nói tên tui với ổng. Nhưng con Phượng Nhỏ nó lại nói: “Ông ơi, chiều ông tới nhà ngoại con ăn cơm nha. Nhà con bữa nay có cá bống dừa kho tiêu, để con nói mẹ nấu thêm cá lóc canh bầu cho ông ăn.

Ông ngoại con vừa cặm câu dính hai con cá lóc ế cum vầy nè”. Mẹ chồng cũ của tui, day người nhìn thấy tui liền nói: “Nó là con Phượng Nhỏ, cháu ngoại bây chứ con ai.

Bà ngoại nó đứng ôm cột sau lưng bây cà”. Bấy giờ ổng mới day người lại, ngớ người ra như mất hồn, rồi nhìn thẳng vào mắt tui, nói với tui một câu mà tui nhớ đời: “Má con Phượng khỏe không?

Má con Phượng cũng đến thăm tui à?” Mới nghe ổng hỏi chừng đó, tui đã òa ra khóc nức nở, bưng mặt chạy ra ngoài. Ba Đức chồng tui với thằng Quân và con Phượng đã ra đứng ngoài góc sân từ lúc nào, chạy tới dìu tui về nhà.

Tui không khóc thành tiếng nữa, nhưng hai hàng nước mắt cứ tứa ra ròng ròng. Còn Ba Đức thì nói tới nói lui chỉ một câu: “Chiến tranh mà bà ui! Ổng còn sống trở về là phước lớn rồi! Chiến tranh mà bà ui!”

Con Phượng vừa ôm ngang lưng dìu tui đi, vừa thảng thốt hỏi như hỏi ai ở nơi nào: “Thiệt ông Hưng là ba ruột con với anh Quân à má?” Tui nghe đất trời muốn sụp xuống, hai ống chân nặng chình chịch như đổ chì.

Vịn được vào một gốc mù u mọc sát bên đường, mặt mày tui xây xẩm. Tui chới với, chới với ngồi sụm xuống rồi bất tỉnh.

2. Bà Ba Lành nhớ như in buổi sáng ngày 12 tháng 8 năm 1954 ở Vàm Cá Hóp. Bà với nhiều người vợ, người mẹ ra đi lúc chưa bửng mặt người từ Huyền Hội.

Họ ra tới Vàm Cá Hóp thì mặt trời đã gần đứng bóng. Bộ đội Tiểu đoàn 331 đã ba lô súng ống chỉnh tề, đã đội hình theo từng trung đội đại đội ngồi im lặng trên bờ sông, chờ xuống tàu đò đi Chắc Băng để tập kết ra Bắc. Làm như nỗi ly hương đang đè xuống trĩu nặng trong lòng họ.

Làm như ai cũng đang có những nỗi niềm giằng xé trong con tim. Biết bao nhiêu con người ta trên bến sông lộng gió mà không gian im lặng như tờ.

Chừng bà con từ các nơi kéo tới, cả bến sông ngay Vàm Cá Hóp ồn ã hẳn lên. Mẹ ôm con. Chồng ôm vợ. Hỏi thăm. Dặn dò. Tiếng khóc thút thít và nước mắt đầm đìa. Còi tàu thổi súp-lê dưới bến sông tới mấy lần, cảnh mẹ con chồng vợ vẫn bịn rịn không dứt ra được.

Chừng tiếng tu huýt của các cấp chỉ huy rít lên từng hồi thúc giục, mọi người mới buông được nhau. Bộ đội xấp xưởi nối nhau xuống tàu, ai nấy đều ngoái đầu nhìn lên bờ, một bàn tay nắm chặt quai súng, một bàn tay giơ cao vẫy chào.

Ba Lành cuống cuồng dúi cho chồng mo cơm nếp thịt gà, vắt lên vai chồng cái khăn rằn màu nâu đất, nước mắt giàn giụa, thổn thức nói: “Anh Hưng… anh đi mạnh giỏi. Hai.. hai năm sau gặp… gặp lại nha… anh Hưng!”

Hưng đội nón ca lô, đeo tòn ten khẩu tôm-xông báng gập trước ngực; ngoài cái ba lô sau lưng, còn túi thuốc cứu thương to đùng bên hông.

Anh quấn chặt cái khăn rằn màu nâu đất thêm một vòng, ôm siết lưng vợ, hôn vội lên mái tóc xức dầu dừa óng mướt của vợ, vỗ vỗ bàn tay lên lưng vợ, nói thì thào: “Má thằng Quân với con Phượng ở lại, ráng lo sức khỏe, tui đi hai năm rồi tui về”.

Nói xong, Hưng vừa buông lưng vợ dợm chân bước xuống cây cầu ván bắc lên tàu đò, đã nghe tiếng thằng Quân kêu mếu máo: “Ba ơi! Hức hức… Ba Hưng ơi! Con nè ba Hưng ơi!” Bà nội nó nắm tay nó, chạy xấp xải từ mí vườn ra. Thằng bé mới lên năm.

Nó quýnh quáng chạy theo nội, vấp vào mô đất, ngã lăn cù; bà nội cúi xuống cõng nó lên, hai bà cháu hớt hải chạy lao tới. Bàn tay phải nhỏ như lá mít của thằng Quân nắm chặt con tò he bằng đất sét quơ quơ lên trên trời chấp chới. “Ba ơi! Ba Hưng ơi!...

Con nắn cho ba con trâu đất sét nè ba Hưng ơi!” Cả bến sông Vàm Cá Hóp lúc đó, ai cũng như chết lặng. Mọi người giãn ra, nhường chỗ cho bà cháu thằng Quân chạy xuống chỗ cầu ván. Hưng lật đật xốc ba lô chạy ngược lên bờ, vòng tay ôm cả mẹ và con trai.

Nhòa trong nước mắt trào ra giàn giụa, Ba Lành thấy con trai dúi con trâu đất nhỏ như hộp quẹt cho ba nó. Nhòa trong nước mắt ứa ra giọt giọt, Ba Lành thấy chồng hôn mái tóc vàng chạch của thằng con, nói như gởi lại cả tấm lòng thăm thẳm.

“Về với mẹ và ông bà nội nghen con! Ba đi vài năm rồi ba về. Hổng lâu đâu con! Ở nhà đợi ba về nghen con!”

Tàu thổi súp-lê giục giã liên hồi. Hưng vừa xuống tàu, người ta đã vội vã rút cây cầu ván. Cả đoàn bốn năm chiếc tàu đò bằng cây từ từ tách bến.

Khói đen phun lên trời cuồn cuộn. Chân vịt khuấy nước sôi ùng ục. Sóng đánh vào bờ oàm oạp. Cả bốn năm chiếc tàu đò nối nhau đi hút trên dòng Cổ Chiên. Chắc Băng ở đâu Ba Lành không biết. Chỉ biết mơ hồ là chồng đã đi và sẽ đi xa lắm, xa lắm; biết bao giờ mới trở lại.

(Còn tiếp)

HỒ TĨNH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh