Bánh bột lọc thì miền nào cũng có, đều có nét đặc trưng riêng, nhưng đã 1 lần ăn thử bánh bột lọc miền Trung thì chỉ có thèm mãi cái vị là lạ của nó…
(VLO) Bánh bột lọc thì miền nào cũng có, đều có nét đặc trưng riêng, nhưng đã 1 lần ăn thử bánh bột lọc miền Trung thì chỉ có thèm mãi cái vị là lạ của nó…
Bánh bột lọc miền Trung có da dày, màu sắc đậm, vị ngon nhất khi thưởng thức với hành lá xắt nhuyễn và bột ớt. |
Cách chế biến và thành phần bánh bột lọc của 3 miền cũng na ná với nhau, chỉ khác biệt về đồ ăn kèm, cách thưởng thức và nhân bánh vị mặn, lạt hay ngọt…
Bánh bột lọc miền Bắc nhân tôm thịt băm nấm mèo, miền Trung bọc nhân tôm rim thịt mỡ, còn bánh kiểu miền Nam thì có nhân tôm rim ngọt. Vỏ bánh miền Trung không làm từ bột năng mà từ bột khoai mì, còn miền Bắc và miền Nam thì làm từ bột năng.
Hai loại bột này đều dẻo khi được hấp chín, tuy nhiên, bột sắn làm bánh bột lọc ở miền Trung sẽ có da bánh dày, dai và không dính tay khi thưởng thức.
Tình cờ được thưởng thức bánh bột lọc của một người bạn quê miền Trung, cái vị là lạ mà khi ăn, phải chậm rãi mới cảm nhận được trọn vẹn mùi vị.
Có thể nói, miền Trung là quê hương của bánh bột lọc, nơi đây có nhiều biến thể bánh bột lọc nhất như bánh bột lọc trần, bột lọc gói lá, bột lọc chiên hoặc bột lọc chay…
Bánh bột lọc chúng tôi được thưởng thức là bánh bột lọc gói lá. Phần nhân bánh ngoài có tôm, thịt đã rim trước thì người làm đã cho thêm một chút nấm tai mèo.
Đặc biệt là phải thêm nấm hương rừng của Lào Cai! Đây có thể được xem là “bí quyết” để hương vị của bánh bột lọc miền Trung hơi khác so với các vùng miền khác.
Bánh bột lọc chúng tôi được thưởng thức của người con Quảng Trị chính tay xuống bếp, đặc điểm nhận diện là bánh được gói bằng lá chuối.
Tôm và thịt đã rim vừa ăn (vị hơi mặn so với bánh miền Nam), sau khi được gói bằng bột sắn đem đi hấp, màu sắc của da bánh có phần đậm, dày và dễ dàng lột vỏ mà không sợ dính tay.
Bánh ăn với với nước mắm chua ngọt làm sẵn. Tuy nhiên, đối với miền Trung nói chung bánh bột lọc của người Quảng Trị nói riêng thì không thể thiếu hành lá xắt nhuyễn và bột ớt.
Bột ớt của người dân nơi đây cũng được làm theo cách riêng, vừa phải nhuyễn, vừa cay nồng và đặc biệt phải giữ trọn mùi vị của ớt.
Bởi nhiều khi làm món bánh bột lọc mà thiếu hành, thiếu bột ớt thì xem như món ăn chưa hoàn thành. Có thưởng thức cũng chỉ được một nửa. Bột ớt nhất định phải có cay, có nồng mới chính gốc miền Trung…
Ở miền Trung, bánh bột lọc cũng có nhiều cách gọi, hầu hết đều gọi là bánh bột lọc, nhưng người Nghệ An thì gọi bánh bèo, người Bình Thuận, Bình Định gọi là bánh vạc hay tai vạc, quai vạc…
Cũng được gói trần hay bằng lá. Mỗi miền, mỗi địa phương sẽ có cách thưởng thức riêng, tùy theo sở thích.
Riêng với chúng tôi, thưởng thức bánh bột lọc với nhiều hành lá xắt nhỏ và đặc biệt bột ớt cay nồng hòa quyện với da bánh dày, nhân hơi mằn mặn để cảm nhận một hương vị độc đáo, đánh thức dường như tất cả các vị trong một lần đưa đũa…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin