Là dân Việt Nam, có lẽ không ai quên lời ca của Trịnh Công Sơn "Thác là thể phách, còn là tinh anh"… Nay đúng 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ, mọi người nhắc nhớ đến ông và những ca khúc tuyệt vời ông để lại cho đời, cho người Nam Bộ cũng như cả nước.
(VLO) Là dân Việt Nam, có lẽ không ai quên lời ca của Trịnh Công Sơn “Thác là thể phách, còn là tinh anh”… Nay đúng 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ, mọi người nhắc nhớ đến ông và những ca khúc tuyệt vời ông để lại cho đời, cho người Nam Bộ cũng như cả nước.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cây đàn quen thuộc luôn hát vì đời, vì người. |
Một đời đau đáu nỗi đau về tình đời, tình người
Người nhạc sĩ gốc Huế sinh ngày 28/2/1939 và mất vào lúc 12h 45 ngày 1/4/2001 tại TP Hồ Chí Minh, vì bệnh tiểu đường. Lễ tang của Trịnh Công Sơn đã được cử hành trọng thể tại TP Hồ Chí Minh với dòng người đưa tiễn dài như một dòng sông lặng lẽ.
Bài điếu văn của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh trưa đó có những câu không ngăn được dòng nước mắt muôn nơi đổ về: “Dù có bay vào cõi vĩnh hằng, anh vẫn để lại bóng dáng như một ngọn núi lớn. Ở đó có mây trời, có gió, có suối reo, có chim hót và ngọn núi ấy không bao giờ mất”.
Trong đám tang trang trọng này, có nhiều phóng viên các đài như BBC, VOA… dự và sau đó bình luận là sau năm 1975, cố nhạc sĩ Trịnh phải đi học tập cải tạo 4 năm ròng.
Song ai đã ở Huế hay Sài Gòn từ sau năm 1975 đến nay, đều biết Trịnh Công Sơn không hề bị bắt đi học tập cải tạo ngày nào, giờ nào cả.
Trịnh hay đi thực tế và hay tìm nguồn cảm hứng cho sáng tác. Và chuyến thực tế có lẽ đầu tiên của Trịnh Công Sơn sau ngày giải phóng năm 1975, là tại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn (Quảng Trị).
Báo Văn nghệ Bình- Trị- Thiên số 9, ra tháng 7/1976, trong bút ký “Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba” của Trịnh, có đoạn: “Một rừng cờ đỏ rực trên một rừng người đã xếp thành đội ngũ chỉnh tề như một khối bê tông vững chắc. Rồi dầm đơn dầm đôi nhịp nhàng nện chặt bờ đập mới nhú. Màu non tươi của đất đỏ đã về đậu trên môi, trên má đội nữ gánh đất...
Đoàn quân chân đất khuôn mặt hiền từ như thách đố. Mỗi bàn chân có 5 ngón. Mười ngón chân bám chặt mặt đất như những móc câu bằng thép nguội.
Không gì gỡ ra nổi. Những bàn chân bỗng chốc dạy cho tôi biết vì sao mặt đất quê hương này không bao giờ mất được. Những ngón chân rễ cây đại ngàn đã cắm sâu vào lòng đất nước...”.
Nếu Trịnh Công Sơn mà cảm thấy mình là người lao động khổ sai trên nông trường này, thì không thể có nhận thức sâu sắc và cảm xúc chân thật viết được những câu văn xuôi hay và đẹp đẽ đến như thế.
Hay đầu năm 1981, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh tổ chức cho Trịnh Công Sơn cùng một số nhạc sĩ đi thực tế ở nông trường Nhị Xuân thuộc huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), sinh hoạt văn nghệ cùng các bạn thanh niên xung phong đang làm việc ở đây.
2 tháng sau khi về thành phố, Trịnh Công Sơn được tin là tất cả 20 cô thanh niên xung phong mà các anh đã gặp trên nông trường này đều bị bọn Pol Pot thảm sát trong một chuyến công tác của họ tại mặt trận biên giới phía Tây Nam.
Anh bàng hoàng, xúc động, rơm rớm nước mắt nghẹn ngào than với các nhạc sĩ bạn: “Mới ngồi xoay vòng hát với mấy cô đây, mà chừ bỗng hy sinh hết!” Ca khúc “Em ở nông trường, em ra biên giới” của Trịnh chính là tác phẩm chia sẻ và tôn vinh một nỗi đau của các nữ thanh niên xung phong.
Người nào không hiểu được nỗi đau này thì có thể nghĩ rằng đây là một ca khúc tuyên truyền cổ động phong trào, nhưng trong dịp tham gia Gala “Giai điệu tự hào” tháng 11/2015, ca khúc “Em ở nông trường, em ra biên giới” được giới thiệu ngắn ngủi với câu chuyện hy sinh của 20 cô thanh niên xung phong và qua thể hiện của ca sĩ Trung Quân Idol đã làm khán, thính giả tràn nước mắt.
Năm 1984, trong dịp được về thăm miền Trung, Trịnh Công Sơn đến thăm nhà Bảo tàng tỉnh Quảng Bình. Anh rất xúc động khi thấy hình ảnh mẹ Suốt tóc bay trong gió, che cả một khoảng trời gió lộng sông Nhật Lệ.
Mẹ Suốt từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ trong những năm chiến tranh rồi hy sinh vì bom bi của máy bay Mỹ vào năm 1968.
Tấm gương anh hùng của mẹ Suốt làm Trịnh Công Sơn khóc, nghẹn ngào anh đã khái quát hóa để vẽ nên hình tượng bà mẹ Việt Nam một đời vì chồng vì con, vì dân vì nước thầm lặng hy sinh. Điều đó đã thôi thúc anh viết tặng các mẹ ca khúc “Huyền thoại mẹ” đầy trữ tình sâu lắng trong lòng người.
Đến với bà con miền Nam ngay trong ngày giải phóng
Đó là vào trưa 30/4/1975. Đài phát thanh nước ngoài đưa tin 5 cánh quân Giải phóng đang tiến nhanh vào Sài Gòn. Lúc này, thủ đô của Việt Nam Cộng hòa là Sài Gòn đang nằm trong tầm ngắm của hàng ngàn cỗ đại pháo và tên lửa Kachiusa.
Hơn 5 triệu người dân nội thành đang rất ngột ngạt, vừa mừng, vừa lo sợ. Đến 11g30, Tổng thống Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Như thế là đã phải chấm dứt chiến tranh. Tuy vậy, tiếng súng giao tranh vẫn vang ở nhiều nơi. Nhân dân Sài Gòn thực sự đang còn hoảng loạn.
Bỗng tiếp theo sau lời tuyên bố của tướng Minh cao lớn là tiếng nói nhè nhẹ giọng xứ Huế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giọng nói rất nhỏ nhẹ nhưng sâu lắng, chất giọng xứ Huế thanh thanh dễ nghe kỳ lạ:“Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta...
Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó...
Hôm nay, tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước...
Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay”.
Rồi ngay trong buổi trưa 30/4/1975 đó, Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát về ca khúc của mình vừa ra đời “Nối vòng tay lớn” để kêu gọi các bạn trẻ xuống đường đón chào quân Giải phóng miền Nam và đón mừng ngày vui nhất của đất nước: Rừng núi giang tay nối lại biển xa / Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà / Mặt đất bao la, anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng / Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…
Lúc đó, ai là người dân Việt Nam ở Sài Gòn mà không xúc động và tràn nước mắt trước hạnh phúc bao la ngay ngày chiến thắng? Chỉ có lời ca của Trịnh Công Sơn đã nói thay cho dân chúng.
Trong di sản đồ sộ của mình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho đời hơn 600 ca khúc nổi tiếng. Có lẽ ai yêu hay không yêu cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thấy không có bài nào hay hơn hoặc dở hơn bài nào, tất cả đều quyến rũ người nghe, nhất là lớp trẻ.
Nhiều người đã yêu ông, thích ông, mà muốn được nghe những ca khúc của ông được tận mắt thấy các ca sĩ nổi tiếng hát, như nhân 7 ngày mất của ông (tháng 4/2001), hàng trăm cô, chú quận Bình Thạnh tuy đã 60- 70 tuổi nhưng vẫn đi trước cả 3- 4 tiếng đồng hồ vào sân Công viên Bình Quới, chờ được nghe các ca sĩ hát những bài của ông.
Và trong đêm diễn về nhạc Trịnh 7 ngày, sau khi ông mất, bài “Ướt mi” có lẽ là một trong các ca khúc đầu tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lại được bao nhiêu cô, chú tuổi cao rưng rưng nước mắt. Sau bài “Ướt my”, đến bài Hoa buồn với điệu slow-rock và cái “hơi ai oán” & quen thuộc, mọi lứa tuổi:
“Từ khi bước vào cuộc đời mưa nắng /Nắng mưa không ngừng kết thêm hoa buồn;
Mộng xưa đã tàn, người đi xa vắng/ Thời gian nào quên, bước chân triền miên...
Với bao nỗi buồn...Ngoài kia gió lộng đời lên câu hát/ Ngày sau còn ai nhắc tên mình không...”
Để thay lời thắp nén nhang trên mộ ông, xin dẫn lời nhạc sĩ tài ba Văn Cao khi ông nói: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.
PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin