Thời kháng chiến chống Mỹ có những thứ được coi là vật bất ly thân. Đó là chiếc khăn rằn mà từ anh bộ đội, cô du kích đến những chiến sĩ giao liên... đều không thể thiếu.
Thời kháng chiến chống Mỹ có những thứ được coi là vật bất ly thân. Đó là chiếc khăn rằn mà từ anh bộ đội, cô du kích đến những chiến sĩ giao liên... đều không thể thiếu.
Thật ra chiếc khăn rằn đã có từ lâu, là chiếc khăn đặc trưng của người dân Nam Bộ nói chung hay nói riêng ở miền Tây, nó đã đi vào ca dao:
“Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái / Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba/ Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ/ Thấy cô em Ba Xuyên ngồ ngộ/ Nên muốn cùng ai thố lộ đôi lời... “
Hình ảnh cô du kích áo bà ba khăn rằn quấn tóc vừa thể hiện sự hiên ngang khí phách vừa dịu dàng của nữ chiến sĩ. Chiếc khăn rằn cũng gắn bó với các cô giao liên trên mọi nẻo đường kháng chiến:
“Em ra đi khi gà chưa gọi sáng/ Trăng mùng mười còn giỡn nước giữa đầm sen/ Vẫn chiếc xuồng con cây sào nạng thân quen/ Vẫn cơm gói mo cau khăn rằn quấn cổ...”
Đối với anh bộ đội giải phóng, chiếc khăn rằn càng trở nên thân thiết, không thể thiếu được. Nó theo anh trên khắp nẻo đường, ngày đêm, mưa nắng.
Khăn quấn ấm cổ những đêm hành quân mưa lạnh, khăn lau sau khi tắm, khăn choàng ngang lưng khi thay quần rất tiện lợi.
Tôi nhớ thời đơn vị vận tải của quân khu đưa vũ khí từ rừng đước Cà Mau về các tỉnh đồng bằng phục vụ cho chiến đấu. Đơn vị có một tiểu đội bảo vệ bám đường cảnh giới cho đơn vị vượt sông hoặc qua những nơi gần đồn bót địch. Anh em trong đội rất dũng cảm, bất kể tình huống nào cũng không để vũ khí lọt vào tay giặc. Đặc điểm của đội là anh em quấn khăn rằn ngang đầu (còn gọi là bịt khăn khất) vừa là thói quen cũng vừa là ám hiệu nhận ra nhau ban đêm. Lần đó, địch phục kích khi đơn vị vừa vượt sông. Chúng nổ súng trước, anh em bắn trả quyết liệt và truy đuổi chúng về gần tới đồn. Từ đó về sau, khi nghe nói bộ đội khăn khất là bọn chúng không dám mò ra.
Chiếc khăn rằn còn là hình ảnh thân thương của đội quân tóc dài đấu tranh trực diện với địch: “Thấy bóng khăn rằn, anh biết là em đó, màu khăn Đồng Khởi của phụ nữ Bến Tre...” Tiêu biểu cho người phụ nữ Nam Bộ thời chiến là hình ảnh bà Nguyễn Thị Định với bộ bà ba đen và khăn rằn quấn cổ.
Chiếc khăn rằn còn là kỷ vật của những mối tình: “Khăn rằn nhúng nước ướt mem/ Tại anh chậm bước nên em có chồng”.
Xin kết thúc câu chuyện bằng mấy câu thơ hoàn cảnh thực tại của mình: “Còn đây một chiếc khăn rằn/ Chỉ thêu kỷ niệm còn hằn vết tay/ Đi qua mười mấy ngàn ngày/ Mà như mới đó của ngày hôm qua/ Em vào kết một nụ hoa/ Ướp hương khoe sắc thành ngà ngọc say/ Khăn rằn kỷ niệm còn đây/ Người xưa đã khuất bóng mây mịt mờ”.
GIANG LÊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin