Văn hóa, văn nghệ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh nhà vừa bước qua một năm đầy khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng điều này lại thôi thúc những văn nghệ sĩ nhanh chóng có những chuyển động mới, bước lên không gian mạng, tạo nên những sân khấu, sân chơi "không biên giới" chuyển dịch theo từng hơi thở cuộc sống.
(VLO) Văn hóa, văn nghệ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh nhà vừa bước qua một năm đầy khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng điều này lại thôi thúc những văn nghệ sĩ nhanh chóng có những chuyển động mới, bước lên không gian mạng, tạo nên những sân khấu, sân chơi “không biên giới” chuyển dịch theo từng hơi thở cuộc sống.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ văn nghệ sĩ ngày đầu xuân 2021. |
Không chùn bước trước khó khăn
Theo ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Vĩnh Long, năm 2020 dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kinh phí, nguồn lực tác giả nhưng hoạt động của hội đã đạt được nhiều thành tựu.
Đội ngũ văn nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; tổ chức nhiều cuộc triển lãm tuyên truyền chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Long…
Hội VHNT đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công cuộc vận động sáng tác ca khúc “Vĩnh Long, Tình đất- Tình người” và xét chọn Giải thưởng Văn học nghệ thuật Văn Xương Các, thu hút đông đảo các tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia, hưởng ứng.
Qua đó, đã góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và quê hương Vĩnh Long đến với công chúng trong cả nước... “Các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã bám sát cuộc sống, bám sát nhiệm vụ chính trị tạo được dấu ấn tốt trong đời sống xã hội.
Đó là nỗ lực của cả tập thể, quyết tâm đưa VHNT đến với đời sống, định hướng cho đời sống như lời Bác Hồ dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”- ông Trần Thanh Sơn chia sẻ.
Các hội thi sáng tác văn thơ và viết về Đại sứ văn hóa đọc khuyến khích người trẻ sáng tác. |
Trong không khí vui tươi, ấm áp của những ngày đầu xuân mới, tại buổi họp mặt cùng các nhà trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- đã nói, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, công tác văn hóa, văn nghệ luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng.
Đảng ta luôn khẳng định văn hóa, văn nghệ là bộ phận khăng khít của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu sắc với đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, các chương trình biểu diễn, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện... ứng dụng công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số để tạo nên các sản phẩm nghệ thuật đặc sắc trên không gian mạng.
Các đơn vị xuất bản- phát hành ứng dụng công nghệ đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến để phát triển văn hóa đọc, tiếp cận gần hơn với độc giả.
Sự thay đổi trong phương thức hoạt động xuất bản- phát hành thể hiện rất rõ tại Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên do Bộ Thông tin- Truyền thông tổ chức nhân ngày Sách Việt Nam 2020.
Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng hội sách đã thu hút sự tham gia của hàng chục đơn vị xuất bản trên cả nước với hơn 8.000 đầu sách in các loại được giới thiệu tại các gian hàng và kho sách điện tử có trên 10.000 đầu sách…
Những thay đổi để thích nghi là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, thể hiện sự nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo, sự nhiệt huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Nỗ lực thích ứng để phát triển
Ông Lê Hoàng Nam- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Vừa qua, tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc “Vĩnh Long, Tình đất- Tình người” nhưng do dịch bệnh nên chưa thể biểu diễn giới thiệu các ca khúc được.
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật cho anh em tập luyện và tổ chức buổi livestream số đầu tiên chia sẻ với người dân những ca khúc được BTC đánh giá cao.
Số phát livestream đầu tiên được hàng ngàn khán giả gần xa đón nhận. Đây cũng là động lực để anh em nghệ sĩ thực hiện số tiếp theo với mong muốn đưa nghệ thuật đến với mọi người trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp”.
Văn học nghệ thuật góp phần tuyên truyền tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. |
Chị Đoàn Thị Diễm Linh là một trong những thành viên trẻ nhất vừa được kết nạp vào Phân hội Văn học- Hội VHNT. Theo chị, việc đọc và sáng tác có thể diễn ra mọi lúc: “Cụ Phạm Thị Thưởng trên 80 tuổi, ở phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) có thể đọc thơ Lục Vân Tiên hàng giờ đồng hồ.
Em Nguyễn Dương Hồng- học sinh lớp 10 chuyên Hóa- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- thuộc nhiều thơ ngoài chương trình học tại nhà trường và có thể sáng tác thơ để đăng Tạp chí Văn nghệ của tỉnh, mà gần đây nhất là bài thơ “Đêm bão Rào Trăng”.
Hay em Phan Phương Bảo Vy- học sinh lớp 3- Trường Tiểu học Cái Ngang (Tam Bình) là một hiện tượng sáng tác rất trẻ. Chúng ta có quyền tự hào vì tình yêu thơ ca ở các em học sinh, sinh viên vẫn còn nồng nàn lắm. Các em say mê đọc sách, yêu thích, nghiền ngẫm thơ ca và tập tành sáng tác” .
Năm qua, Thư viện tỉnh phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hội thi sáng tác văn thơ và viết về Đại sứ văn hóa đọc. Nhiều em học sinh đã tích cực tham gia, trong đó có nhiều bài thơ khá hay, có giá trị nghệ thuật và đạt giải cao.
Để người trẻ có thể tiếp cận VHNT, chị Diễm Linh mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều chuyến giao lưu sáng tác với các tỉnh bạn để phát huy sở trường của các tác giả, đồng thời giúp các tác giả giao lưu, học tập, đúc kết kinh nghiệm nhằm làm phong phú thêm đề tài sáng tác; có chính sách khen thưởng kịp thời đến những cá nhân có những sáng tác có giá trị.
Đồng thời, củng cố và nâng cao vai trò của Ban Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ. CLB hiện có gần 30 thành viên, nếu được vun bồi, tạo điều kiện phát huy sở trường thì sẽ trở thành đội ngũ sáng tác của tỉnh trong tương lai.
Với những nỗ lực và tình yêu nghệ thuật của những nghệ sĩ, những tác phẩm nghệ thuật đồng hành cùng cuộc sống, chung tay xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời, chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục khuyến khích hoạt động sáng tác, biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hoạt động văn hóa, văn nghệ cần tập trung tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI và các chương trình hành động, kế hoạch, đề án lớn của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin