Ngày 8/3 của chị

06:03, 14/03/2021

Trời oi bức, một cô gái dáng người nhỏ nhắn đang kĩu kịt trên đôi vai bé nhỏ, đẫm mồ hôi một gánh tàu hủ, bánh lọt. Tiếng rao của cô lan đi trong nắng làm tôi nhớ đến chị- người chị thân thương mà tôi yêu kính nhất trong đời.

 

(Tặng chị tôi- người chị có “Trái tim người mẹ”)

(VLO) Trời oi bức, một cô gái dáng người nhỏ nhắn đang kĩu kịt trên đôi vai bé nhỏ, đẫm mồ hôi một gánh tàu hủ, bánh lọt. Tiếng rao của cô lan đi trong nắng làm tôi nhớ đến chị- người chị thân thương mà tôi yêu kính nhất trong đời.

Tôi mồ côi lúc mới lên ba, em tôi thì chỉ mới mười tháng tuổi. Chị lúc ấy chưa tròn mười bốn, cái tuổi còn ham chơi chưa biết ưu phiền mà đã phải thôi học, chật vật với đời nuôi năm đứa em thơ dại.

Chị thay đấng sinh thành chăm sóc các em, nhất là bé Út, do nghèo khó, thường phải uống nước cơm khuấy đường thay sữa. Sáu chị em sống nương tựa nhau trong khốn khó, có lúc tưởng chừng phải chết vì đói.

Những ngày tháng ấy, chị đã làm đủ mọi việc để có được hột cơm: bơi xuồng đi cắt lá môn, bán khoai, bán bắp, mót lúa, cắt lúa và làm cỏ mướn,…

Thậm chí chị còn đến cổng trường học năm nào để bán kẹo kéo. Đến cổng trường bán kẹo kéo, chị thấy ngại nhưng lại được bạn học cũ, thậm chí là thầy cô mua ủng hộ. Có lần, được cô chủ nhiệm cũ mua ủng hộ ba cây kẹo, chị cúi đầu, kéo nón lá giấu nước mắt. Cô nghẹn ngào ôm chị vào lòng như đứa con gái nhỏ.

Chắc cô định an ủi, động viên cô học trò nhưng lại vội quay gót để cố kìm những giọt nước đang rưng rức trên đôi mắt. Có tiếng trống trường vang lên, chị nhìn theo cho đến khi dáng cô khuất dần, khuất dần sau cánh cổng.

Một lần, chị cùng với người bạn chèo ghe xuống Trà Ôn rồi vượt sông Hậu, qua Cái Côn chở khoai lang về bán. Trong đêm, chợt sóng to gió lớn nổi lên, chiếc ghe chao đảo, chị và bạn suýt chết ở giữa dòng. Chị còn xuống tận Rạch Giá mua khô cá biển chở về.

Thời “bao cấp”, xe cộ không nhiều, lắm lúc trễ xe, chị phải mướn chiếu ngủ tại bến để chờ sáng hôm sau. Vẫn biết con gái mà ngủ nơi phức tạp như thế không tốt, nhưng chị không chịu mướn nhà trọ, tiết kiệm tiền để mua gạo cho các em.

Năm hai mươi tuổi, một gia đình trong xóm thấy chị hiền lại giỏi giang nên ngỏ lời hỏi cưới cho người cháu trai ở xa. Chị từ chối: “Dạ, con cám ơn chú thím! Nhưng... ba mẹ đã mất rồi, con còn trách nhiệm với các em…”.

Họ thương hoàn cảnh, bảo chị nếu khó khăn thì dắt theo hết các em theo về bên chồng. Nhìn các em, mắt chị ứa nước rồi lắc đầu dù hiện tại và những ngày sau đó là chuỗi ngày đói kém rau cháo thay cơm hoặc phải ăn độn khoai, bắp chuối, đu đủ,…

Dần dần, các em khôn lớn đỡ đần chị ít nhiều. Chị rất thích đàn, hát nên dành dụm mua được một cây ghi-ta cũ. Chú Năm ở xóm đã dạy chị đàn, tập chị hát.

Tiếng đàn của chị nghe sao buồn quá! Đêm thanh vắng, chị ngồi trước sân đàn và hát bài “Bông hồng cài áo”: “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn.

Rủi may này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười...”. Đang ngồi học bài trong nhà, bên ngọn đèn dầu, tôi chợt nghe tiếng con thạch sùng tặc lưỡi. Còn tôi, tôi không tặc lưỡi mà tôi đang khóc.

Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng cho các em đến trường. Chị kế tôi học hết lớp mười hai, tôi được vào đại học. Rồi con Út, con bé ngày nào phải uống nước cơm thay sữa cũng vào đại học, chị mãn nguyện cười ra nước mắt.

Giờ thì tuổi xuân đã qua rồi, chị đã ngoài sáu mươi. Các em đều đã có gia đình, sống gần nhau, chị vẫn còn độc thân. Chị đã cho các em mùa xuân của đời chị.

Hôm rồi, bé Út- em tôi- đề nghị: “Năm nay, anh em mình tổ chức tiệc mừng tuổi sáu mươi hai cho chị”. Anh tôi tán thành: “Đúng rồi, mình tổ chức ngay ngày 8 tháng 3- Quốc tế phụ nữ luôn”.

Tôi cản: “Không, không tổ chức mừng tuổi sáu mươi hai!” Thấy cả nhà ngơ ngác, tôi tiếp: “Chị của mình sáu mươi hai mà còn trẻ, trẻ lắm! Như là... chỉ mới hai mươi sáu mà thôi! Anh em mình tổ chức tiệc nho nhỏ chúc mừng ngày 8 tháng 3 cho chị để mong rằng ngày ngày, tháng tháng trong năm đều là ngày dành cho chị”.

Mấy đứa con tôi, cháu tôi- đều gọi chị là “má”- đồng thanh: “Tụi con ủng hộ! Ngày nào cũng là 8 tháng 3 của má!” Bất chợt đứa cháu ngoại của “bé Út”- em tôi- còn nhỏ xíu, bập bẹ: “Bánh kem! Mua bánh kem cho bà ngoại!” Nhìn các em, các cháu đã “tự ý sắp xếp” hết mọi thứ, chị chỉ biết im lặng, ôm đứa “cháu ngoại” vào lòng, mỉm cười trong niềm vui hạnh phúc.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh