Phim hoạt hình "Raya và rồng thần cuối cùng" (tựa gốc "Raya and the Last Dragon") của hãng Disney đang được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao về hình thức lẫn nội dung. Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV.
Công chúa Raya và rồng thần trong phim. |
Phim hoạt hình “Raya và rồng thần cuối cùng” (tựa gốc “Raya and the Last Dragon”) của hãng Disney đang được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao về hình thức lẫn nội dung. Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV.
Chuyện phim có bối cảnh tại vương quốc Kumandra - nơi loài người và loài rồng chung sống. 500 năm trước, nơi đây bị loài Druun - với khả năng biến vạn vật thành đá - tấn công. Các rồng thần cuối cùng hợp lực tạo nên một viên ngọc thần và giao trọng trách cho rồng thần Sisu sử dụng nó để phong ấn lũ quái vật. Còn loài người dần mất đoàn kết và chia thành 5 bộ tộc: Long Tâm, Long Nha, Long Trảo, Long Cốt, Long Vĩ. Vì tranh quyền sở hữu ngọc rồng, các bộ tộc đã làm vỡ viên ngọc, khiến loài Drunn thoát ra, Kumandra một lần nữa rơi vào thảm họa diệt vong. Raya - nàng công chúa của bộ tộc Long Tâm - lên đường tìm kiếm vị rồng thần cuối cùng để hồi sinh người cha bị hóa đá, cũng như đoàn kết các bộ tộc để chiến đấu với lũ Drunn.
Hành trình tìm kiếm ngọc rồng suốt 6 năm của nàng công chúa và các cuộc chiến của cô mang tính phiêu lưu Hollywood. Điều thú vị là phim được khoác lên một chiếc áo văn hóa đặc trưng của vùng Đông Nam Á, tạo nên nét cuốn hút mới lạ. Có thể nhận biết văn hóa các quốc gia hiện diện trong phim: Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Lào, Brunei, Singapore...
Trong phim, Raya nói tiếng Anh nhưng gọi cha mình là “ba” - một từ thân thương của rất nhiều người Việt. Vùng đất Long Tâm với những hòn đảo nổi trên mặt nước được lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long. Các vùng đất khác cũng mang nét kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng của Đông Nam Á. Xuyên suốt phim, khán giả bắt gặp những hình ảnh tiêu biểu của văn hóa bản địa như bánh tét, sầu riêng, thanh long, chợ nổi, chợ đêm, đèn hoa đăng, sông Mekong, tre nứa... Rồng thần Sisu với thân dài, không có cánh để bay như rồng phương Tây cũng là hình tượng rồng quen thuộc của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Võ thuật trong phim có sự phối hợp của các môn Pencak Silat, Muay Thái, võ gậy Arnis, Vovinam…
Đặc biệt, công chúa Raya là một nữ chiến binh mạnh mẽ, độc lập. Thay vì trông chờ hoàng tử và phép mầu của truyện cổ tích, cô lại dựa vào sức mình để đạt được mục tiêu. Đồng hành cùng cô là những người bạn có sở trường khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng. Rồng thần Sisu chiếm cảm tình khán giả bởi sự hài hước, dễ thương lẫn khả năng ứng phó linh hoạt. Các nhân vật có tạo hình đáng yêu cùng những câu thoại hài hước, nhí nhảnh, mang lại tiếng cười và sự lôi cuốn của phim. Đồ họa và kỹ xảo đỉnh cao tạo ra những hình ảnh sắc nét, lung linh về thiên nhiên và mãn nhãn ở các pha hành động, biến hóa huyền ảo.
Phim cũng đặt ra câu hỏi về lòng tin của con người: Thế giới này quá tàn nhẫn nên ta không thể tin ai, hay là do chúng ta quá đa nghi mà khiến mọi thứ sụp đổ? Ngay cả Raya vì bị phản bội từ nhỏ nên lớn lên cũng khó đặt lòng tin với người. Chính vì thế, việc tạo lòng tin, giúp 5 bộ tộc đoàn kết để chiến thắng kẻ thù là thách thức lớn nhất. Phim có một cái kết hướng thiện và nhân văn, đề cao sức mạnh tập thể chứ không phải chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Đó cũng là một nét đẹp của văn hóa Á Đông mà phim truyền tải khá trọn vẹn.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin