Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân nổi tiếng khắp cả nước bởi đôi tay tài hoa của người làng đẽo đá ra tiền. Dịch Covid-19 khiến nghề chậm việc thợ đá chỗ "ngồi chơi xơi nước", có nơi làm không hết việc.
Nghề thợ đá mỹ nghệ làng Ninh Vân làm ra các sản phẩm mỹ nghệ từ những khối đá vô tri. |
Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân nổi tiếng khắp cả nước bởi đôi tay tài hoa của người làng đẽo đá ra tiền. Dịch Covid-19 khiến nghề chậm việc thợ đá chỗ "ngồi chơi xơi nước", có nơi làm không hết việc.
Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã hình thành từ hàng trăm năm qua.
Từ những khối đá vô tri, qua bàn tay khéo léo tài hoa, người Ninh Vân biến thành những sản phẩm mỹ nghệ như: Đồ thờ, lăng mộ, đền chùa, miếu mạo, đình làng, tượng đài có giá trị lớn. Có những dự án, công trình làm bằng đá do người làng Ninh Vân làm lên đến cả chục tỷ đồng hoặc xuất khẩu đi nước ngoài.
"Ngồi chơi xơi nước" vì Covid-19
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm tiêu thụ chậm khiến công việc ở nhiều xưởng sản xuất đá mỹ nghệ ở Ninh Vân phải tạm đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Việc các xưởng sản xuất ngưng hoạt động dẫn đến lượng lớn số lao động cũng không có việc làm.
Theo anh Nguyễn Văn Yên (SN 1985), thợ đá lành nghề, cứ vào dịp đầu năm những người làm thợ đá như anh lại "ngồi chơi xơi nước" dài ngày bởi không có việc làm. Anh cùng một nhóm thợ trong làng chuyên sản xuất lăng mộ, đồ thờ làm từ đá các loại, đầu năm mặt hàng này ít có người cần đến nên hầu như xưởng sản xuất không bán được hàng.
"Trong tháng Giêng, hầu hết thợ làm đá đều nhàn rỗi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay đã giữa tháng hai âm lịch nhưng xưởng tôi cũng như nhiều hộ làm nghề đá quanh đây vẫn chưa có hàng làm. Đầu năm bình thường việc rất chậm, giờ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên càng chậm hơn. Nghề đá hiện cũng bấp bênh, không khéo thất nghiệp dài dài", anh Yên tâm sự.
Theo anh Cao Tiến Mạnh, xưởng sản xuất của gia đình chuyên làm ra các mặt hàng phục vụ xây dựng, sửa chữa lăng mộ, đền chùa, miếu mạo, nhà thờ họ. Công việc bận rộn nhất vào dịp cuối năm. Bởi thời điểm này, người dân thường cải táng, tu sửa lăng mộ, nhà thờ, đền chùa, miếu mạo nhiều hơn những tháng đầu năm.
"Những tháng cuối năm, vợ chồng tôi cùng hơn chục thợ "vắt chân lên cổ" chạy may ra mới kịp được các đơn hàng cho khách. Cuối năm bận rộn là thế, nhưng từ sau Tết đến giờ hàng hóa quá chậm. Tôi phải cho anh em thợ nghỉ việc luân phiên, chỉ duy trì sản xuất ít hàng trưng bày", anh Mạnh nói.
Anh Nguyễn Văn Sanh thợ làm đá chia sẻ, cả làng đá Ninh Vân khi có hàng làm thì nhộn nhịp khắp nơi, ai cũng có đơn hàng. Nhưng khi chậm việc, ít đơn thì hầu như đa số thợ đá, chủ xưởng cũng ngồi chơi chờ việc như nhau. Có người phải tìm việc khác làm tạm để duy trì cuộc sống.
Theo anh Sanh, thợ đá lành nghề nếu không mở xưởng thì có 2 hình thức kiếm tiền từ đẽo đá là làm công ngày cho chủ xưởng, hoặc nhận khoán sản phẩm về làm. Dù ở hình thức nào thì mỗi tháng cũng cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Diệu, toàn xã hiện có 2.000 người làm chuyên và hơn 1.000 người làm bán chuyên với nghề chế tác đá mỹ nghệ. Ngoài ra, còn có khoảng 2.000 người từ nơi khác đến Ninh Vân làm nghề chế tác đá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Diệu, trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm các hộ dân, các doanh nghiệp chế tác đá công việc, các đơn hàng có chậm hơn.
Đa số hiện nay các xưởng sản xuất duy trì hàng trưng bày, số ít thì hoàn thành nốt hợp đồng từ trong Tết. Ít đơn hàng nên nhiều lao động làm nghề cũng bị ảnh hưởng đến thu nhập.
"Đầu tắt mặt tối" vẫn không kịp đơn hàng
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xưởng chuyên chế tác tượng Phật bằng đá của anh Bùi Công Việt (42 tuổi), thợ làm không hết việc. Cả chục pho tượng Phật bằng đá to lớn, thợ cứ làm xong đến đâu anh Việt lại cho xe tải cỡ lớn đến cẩu đưa đi giao cho khách. Gần chục thợ làm từ sáng đến tối, không có ngày nghỉ trong tháng nhưng anh Việt vẫn không kịp giao các đơn hàng.
Anh Việt cho hay, nghề làm đá mỹ nghệ ở Ninh Bình hiện nay rất nhiều người theo. Tuy nhiên, thợ đá biết trạm khắc tượng thờ, tượng đài, tượng Phật thì không phải ai cũng làm được. Không chỉ cần đôi tay khéo léo, người thợ còn phải học, được đào tạo bài bản mất nhiều thời gian thì mới làm ra được bức tượng có hồn, khách mới ưng ý.
Xưởng của anh Việt đang thực hiện đơn hàng 60 pho tượng Phật xuất đi Mỹ. Đơn hàng này anh nhận từ trong năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa làm xong. Ngoài ra, một số ngôi chùa ở Kiên Giang, Lào Cai hiện cũng đã đặt làm các pho tượng Phật cỡ lớn, các bức phù điêu "khủng" nên anh Việt cùng tốp thợ chục người bận rộn suốt nhiều ngày qua đến nay vẫn chưa giãn việc.
Thợ điêu khắc đá thành tượng Phật tại xưởng của gia đình anh Bùi Công Việt từ cuối năm 2020 đến nay làm không hết việc. |
Anh Nguyễn Trường Giang, thợ cả tại xưởng điêu khắc đá Việt Minh (do anh Bùi Công Việt làm chủ) chia sẻ: "Nghề trạm, điêu khắc tượng cần có sự tỉ mỉ, tay nghề cao hơn so với thợ đá làm các mặt hàng khác. Người nhanh nhẹn thông minh, đôi tay khéo léo, cũng phải học nghề trên 5 năm mới ra làm được việc. Đổi lại, khi làm lành nghề thì lương đục đẽo đá thành tượng cũng cao hơn nhiều so với các thợ đá khác".
Lương tháng hiện nay anh Giang đang được chủ xưởng trả là trên 15 triệu đồng và có nuôi cơm trưa. Không chỉ anh Giang, một số thợ đá khác tại xưởng này như anh Nguyễn Vĩnh Hảo, Đào Bá Quyết mỗi tháng lương từ nghề làm đá cũng được số tiền trên 10 triệu đồng.
Với đồng lương này, các thợ đá ở đây không chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học mà còn có tiền tích cóp, để dành lỡ khi đau ốm, bệnh tật, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Ngoài xưởng sản xuất đá của anh Bùi Công Việc, một số xưởng chuyên sản xuất tượng Phật, tượng thờ, tượng đài bằng đá khác ở Ninh Vân hiện nhiều tốp thợ cũng đang tất bật với các đơn hàng cho khách.
So với việc chế tác đá làm ra các mặt hàng dân dụng, nghề chế tác đá làm tượng đài, tượng thờ, tượng Phật công việc vẫn đều đều các tháng trong năm vì thế, những lao động làm việc này ít chịu tác động hơn bởi các yếu tố khách quan bên ngoài.
Qua tâm sự, nhiều thợ đá ở Ninh Vân luôn hy vọng và mong rằng, dịch bệnh Covid-19 sớm được dập tắt để đời sống cũng như công việc sớm được ổn định bình thường trở lại.
Theo Dân Trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin