Gặp cao nhân cuối cùng lưu giữ tinh hoa của làng nghề "se chỉ luồn kim"

10:03, 16/03/2021

Làng Nguyên Bì vốn nổi tiếng với nghề thêu tay cổ truyền. Tuy nhiên khi thêu máy "nhanh nhiều tốt rẻ" lên ngôi, thì những nét văn hóa truyền thống độc đáo ấy cũng dần bị mai một. Chúng ta cùng về làng Nguyên Bì, để gặp lại và thưởng thức tay nghề của một trong những cao nhân cuối cùng trong nghề "se chỉ luồn kim" này.

 

 Nghệ nhân Thái Đức Duy vẫn miệt mài gắn bó với nghề thêu tay truyền thống.
Nghệ nhân Thái Đức Duy vẫn miệt mài gắn bó với nghề thêu tay truyền thống.

Làng Nguyên Bì vốn nổi tiếng với nghề thêu tay cổ truyền. Tuy nhiên khi thêu máy "nhanh nhiều tốt rẻ" lên ngôi, thì những nét văn hóa truyền thống độc đáo ấy cũng dần bị mai một. Chúng ta cùng về làng Nguyên Bì, để gặp lại và thưởng thức tay nghề của một trong những cao nhân cuối cùng trong nghề "se chỉ luồn kim" này.

Nghệ nhân tranh thêu tay cao tuổi nhất tại làng Nguyên Bì

Làng nghề thêu tay Nguyên Bì thuộc Quất Động – Thường Tín – Hà Nội từ lâu đã nổi danh. Từng có thời điểm vàng son, phát triển mạnh mẽ, sản phẩm thêu tay của làng đã đi khắp thế giới, thậm chí "hãnh diện" đứng trong những phòng khách, phòng tiếp tân sang trọng bậc nhất. 

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, làng nghề truyền thống này bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi tranh thêu công nghiệp. Với tiêu chí "nhanh nhiều tốt rẻ", tranh thêu công nghiệp đã lấn át và khiến cho tranh thêu thủ công lụi tàn dần. Hiện nay tại làng, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Thái Đức Duy vẫn miệt mài gắn bó, lưu giữ nghề suốt hơn 50 năm qua.

Ông Thái Đức Duy năm nay 68 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm làm nghề thêu tay thủ công. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề thêu lâu năm. Ông Duy học nghề từ chính ông nội của mình, về sau thì dạy lại cho con cái trong nhà tiếp nối.

Ông cho biết: Mỗi bức tranh thêu mất vài ngày, vài tuần, có khi đến cả tháng chỉ bán được từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. Chính vì thế, nhiều nhà trong làng đã bỏ nghề thêu tay để chuyển sang mua máy thêu cho hiệu quả hơn. 

Thế nhưng, với tình yêu cái nghề được mệnh danh là "se chỉ luồn kim", ông vẫn cặm cụi thêu, vẫn đam mê với những bức họa đặc sắc của mình. 

 Thêu tranh thủ công mất nhiều thời gian nhưng tiền công lại chẳng đủ đáp ứng cuộc sống của mỗi người thợ làm nghề.
Thêu tranh thủ công mất nhiều thời gian nhưng tiền công lại chẳng đủ đáp ứng cuộc sống của mỗi người thợ làm nghề.

Làm tranh thêu tay chưa bao giờ là dễ dàng

Làm nghề tranh thêu tay không những cần có sự kiên trì, tỉ mỉ mà cần cả sự sáng tạo và năng khiếu hội họa. Tùy từng bộ tranh mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau. Nhanh thì vài tháng, nhưng cũng có bức phải thêu mấy năm, do có nhiều chi tiết và kỹ thuật khó. Ngày nay, tại làng thêu ren truyền thống Nguyên Bì chỉ còn lại 3 hộ tiếp tục với nghề thêu.

Thêu tay truyền thống của Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Làm thế nào để lưu truyền và gìn giữ nghề thêu tay là điều mà những thế hệ gạo cội trong nghề như ông Thái Đức Duy trăn trở mỗi ngày. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông vẫn luôn canh cánh một nỗi buồn về sự lụi tàn của một nghề thủ công rất đặc sắc của cha ông để lại…

Theo Dân Việt

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh