"Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng"

07:02, 14/02/2021

Thế hệ 8X chúng tôi chỉ quen "mạ ngoài đồng, em cấy lúa ba trăng", với hình ảnh máy cày, máy xới dần thay thế con trâu trong việc đồng áng. Cả thế hệ cha chú cũng "hổng nhớ nhiều", nên để kể câu chuyện "Ầu ơ! Ví dầu, ví dẫu, ví dâu/ Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng" chúng tôi phải cậy đến các cụ ngoại bát tuần mới rành rẽ.

 

Một số “đồng sâu” vẫn cần sức trâu để cộ lúa. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Một số “đồng sâu” vẫn cần sức trâu để cộ lúa. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN

(VLO) Thế hệ 8X chúng tôi chỉ quen “mạ ngoài đồng, em cấy lúa ba trăng”, với hình ảnh máy cày, máy xới dần thay thế con trâu trong việc đồng áng. Cả thế hệ cha chú cũng “hổng nhớ nhiều”, nên để kể câu chuyện “Ầu ơ! Ví dầu, ví dẫu, ví dâu/ Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng” chúng tôi phải cậy đến các cụ ngoại bát tuần mới rành rẽ.

Trâu ơi, ta bảo trâu này

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với dấu chân khai hoang mở đất thì con trâu cũng gắn liền với cây lúa nước, tham gia vào đời sống lao động của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng. “Hồi tui biết thì ông nội với tía tui mần ruộng hông hà”- cụ Nguyễn Thành Lân (95 tuổi, ở ấp Hiếu Thủ, xã Hiếu Nhơn-Vũng Liêm) “mở kho” ký ức kể chúng tôi nghe.

“Hồi 15 tuổi, tui đã ra đồng mần lúa mùa. Đất này xưa sình lầy, cỏ mọc mịt mù... Không có trâu, đâu ai phá nổi”- cụ Lân nói làm ruộng thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước “con trâu đi trước cái cày theo sau” đã là “tiến bộ lắm”.

Nhưng “hồi đó, con trâu là cả gia tài, dễ gì mua nổi. Mua con trâu phải tốn 300 giạ lúa, mần lúa thất lùn, công chỉ vài ba giạ, lấy đâu lúa đổi trâu”- cụ Lân bảo rằng làm lúa nước phải dọn đất cần có sức trâu để cày bừa.

Nhưng dân nghèo không nuôi nổi con trâu, chục nhà mới có một nhà nuôi cặp trâu, cần công cày bừa thì mướn trâu và đong lúa trả công cho chủ. Hồi ấy, vợ chồng ra riêng được cha mẹ cho cặp trâu coi như “con nhà giàu”, khởi đầu cơ nghiệp rất thuận lợi bởi cho trâu thì phải cho ruộng.

Vì con trâu “cái gì mần cũng được, sức trâu làm quần quật kéo cày- bừa- trục dọn đất cấy lúa”. “Tới mùa gặt lại cộ lúa từ đồng về cho chủ chất đống “cà lang” trên sân.

Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN

Những con trâu to khỏe được giao nhiệm vụ đi vòng tròn cà lang đạp cho hột lúa rơi khỏi bông, đạp từ ngoài vào trong. Khi thấy lúa không còn dính vào rơm thì coi như hết “hiệp 1”, trâu được thả ra ngoài giải lao; nhảy vô trở bề bả lúa rồi lại cho trâu vào đạp tiếp “hiệp 2”.

Khi hết mẻ lúa, trâu được nghỉ ngơi thì nông dân giũ rơm hốt lúa vào bao, chuyền rơm chất thành cây rơm cao nghệu để dành cho trâu ăn dần”- chú Nguyễn Thành Chính (con trai út của cụ Lân) nói- “Hồi nhỏ tui nhớ mại mại vậy thôi. Nhớ nhứt là khi con trâu đạp lúa mà lừng khừng là ai nấy la rần “lấy thúng hứng phân trâu”.

Cụ Nguyễn Thành Lân: “Hồi tui biết, con trâu là cả gia tài, dễ gì mua nổi”.
Cụ Nguyễn Văn Bá: “Xứ tui hồi đó ít ai bạc đãi và mần thịt trâu ăn. Trâu chỉ để cày bừa”.

Được việc, thân thiện nên con trâu chính là bạn của nhà nông “trâu ơi, ta bảo trâu này...” Trong trí nhớ của cụ Nguyễn Văn Bá (84 tuổi, ở ấp Nhơn Ngãi, xã Nhơn Bình- Vũng Liêm), con trâu không chỉ là bạn mà còn là “cục cưng”.

Đơn giản, “vì nó mần ra hột lúa cho mình ăn”- cụ Bá nói đặc tính con trâu ngoài siêng năng, còn dễ thương, hiền lành, khôn lắm và biết nghe lời: “Chiều chiều ra đồng nắm dây mũi la “tối rồi dìa” thì nó lẽo đẽo theo về chuồng. Con trâu kéo cày, hễ nó đi trật đường cày, người điều khiển cầm roi phía sau chỉ la ví là nó vô, phá là nó biết ra”.

Hình ảnh con trâu ngày nay còn rất ít và càng hiếm hoi “con trâu đi trước cái cày đi sau” trên đồng ruộng.
Hình ảnh con trâu ngày nay còn rất ít và càng hiếm hoi “con trâu đi trước cái cày đi sau” trên đồng ruộng.

Là bạn nhà nông, nên trâu được cưng, không chỉ luôn “còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, mà như cụ Bá tâm tình: “Xứ tui hồi đó ít ai bạc đãi và mần thịt trâu ăn. Trâu chỉ để cày bừa. Tui chỉ thấy trâu chết già hoặc bị lươn cắn chết thôi”.

“Cưng” vậy nên nhà nuôi trâu lúc nào cũng chất cây rơm cao nghệu bắc thang mới lên tới đọt để dành cho trâu ăn, mà cưng hơn thì cho nó ăn cỏ. Tối tối, vấn rơm ông cúi, đốt đống un đuổi muỗi cho trâu. Có nhà còn đào hầm, lùa cả bầy trâu xuống đó cho muỗi không cắn trâu và khi khá giả thì trâu còn được giăng mùng ngủ ngon lành.

Tháng tư đi tậu trâu bò

Từ chuyện “ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng”, không khí “tháng tư đi tậu trâu bò/ để ta sắm sửa làm mùa tháng năm” còn nguyên trong trí nhớ cụ Bá.

“Xưa vùng này đất sình lầy, chỉ cấy một vụ lúa mùa trong năm. Bắt đầu từ tháng 5 âm lịch gieo mạ, thời gian này ra đồng phát cỏ, cào rê, kéo trâu cày bừa, dọn đất.

Tháng 7 nhổ mạ, đàn ông gánh mạ, đàn bà cấy. Mùa cấy vui lắm, tui nhớ hồi nhỏ theo tía má ra đồng bắt con nhái cắm câu dính con cá bự chảng. Chục công đất phải gieo một công mạ. Những đêm sáng trăng ra đồng từ lúc gà gáy, chừng nóng lưng ăn cơm nếp mới về”- cụ Bá bảo thường chủ ruộng nấu cơm nếp đãi người mần vần công, cấy mướn ăn. Hồi ấy đồng ruộng nhiều đỉa, vắt, mà cá tôm cũng nhiều vô kể.

Con trâu là bạn nhà nông bởi nó giúp làm ra hột lúa.
Con trâu là bạn nhà nông bởi nó giúp làm ra hột lúa.

Còn nữa, “nhiều giống lúa mùa nấu cơm rất ngon”- cụ Bá liệt kê cả chục giống lúa mùa như: Lem lùn- hột gạo trắng, mềm cơm; Nàng Chệt- hột lúa dài; Tào hương là giống gạo thơm; Ba túc- hạt gạo tròn tròn. Đặc biệt giống lúa có tên rất ấn tượng: Gãy xe- “vì nó trúng mùa, nặng cân, khiêng lên gãy cộ... nên kêu là gãy xe”- cụ Bá giải thích và nói tiếp- “Tháng 11 nước còn nổi linh binh. Chừng đã dứt hạt mưa, người trong xóm bắt đầu quết bánh phồng, tráng bánh, xào chuối, sên mứt dừa... chuẩn bị ăn tết”.

Cụ Nguyễn Thành Lân: “Hồi tui biết, con trâu là cả gia tài, dễ gì mua nổi”.
Cụ Nguyễn Thành Lân: “Hồi tui biết, con trâu là cả gia tài, dễ gì mua nổi”.

Tiếp quãng ký ức tháng 11, cụ Lân bảo: “Tháng này bụi lúa nở bằng cườm chưn, qua tháng Chạp là trổ đòng đòng và ra Giêng tới mùa gặt lúa. Lúa mùa cao lắm, thanh niên trai tráng đi trong ruộng còn hông thấy đầu”. Mùa gặt lúa là mùa vui như tết, công lao vất vả làm lụng “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”- được chờ đợi nhất trong năm đã đến mùa thu hoạch!

Nhưng trong mùa vui cộ lúa về, cụ Lân bỗng trầm ngâm: “Mỗi năm mần một vụ lúa, tới mùa chủ điền tới đong lúa hết. Hồi tui biết thì chục nhà đong nợ lúa hết sáu nhà.

Mần ra 10 giạ lúa, đong cho chủ nợ hết 15 giạ, mần đằng trước tiêu hết đằng sau. Hồi đó ruộng đất minh mông, dân mình tới khai hoang phải xin chủ điền cho mướn, tới mùa phải đong lúa cho người ta. Dân nghèo khổ lắm”.

Thế nên hồi đó, “cả xã kiếm cái nhà ngói không ra, bây giờ đường sá thông thương, ruộng vườn mình tự do canh tác”- cụ Lân so sánh.

Còn cụ Bá cũng không quên những ngày nông dân bắt đầu được tự do “mần ruộng”: “Sau năm 1975 giải phóng đất nước, Đảng và nhân dân ta bắt tay kiến thiết xây dựng quê hương. Đê bao thủy lợi, xả phèn mần lúa trúng mùa, từ một vụ lên 2-3 vụ, đồng ruộng bắt đầu có máy cày, máy xới thay thế con trâu”.

Rồi những năm sau đó, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu đói, nước ta đã làm ra hạt gạo dư ăn và còn xuất khẩu. Lúc đó, không ai ngờ, những nông dân tay lấm chân bùn lại có thể làm nên kỳ tích đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới như hôm nay. 

Cùng dòng chảy ký ức “trong gian khó nở hoa anh hùng”, ông Nguyễn Văn Đời (Nguyễn Dân, Năm Dân) kinh qua nhiều cương vị (Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ty Canh nông Cửu Long, rồi quyền Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long từ năm 1992- 1994) cho biết, tỉnh ta định hướng khai hoang, cải tạo đồng ruộng để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Đảng bộ Vĩnh Long đã xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm.

Từ năm 1976-1978, diện tích trồng lúa liên tục tăng. Một mặt, việc khai hoang phục hóa đã đưa thêm diện tích vào sản xuất. Mặt khác, do thay đổi biện pháp canh tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và thủy lợi tác động lớn đến sản xuất. Đến giai đoạn 1981-1985, tổng sản lượng lúa đã đạt trên 2 triệu tấn. Đây thực sự là bước ngoặt có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế đối với một tỉnh thuần nông như Vĩnh Long.

Bài, ảnh: AN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh