(VLO) Nhà hai anh em, một trai, một gái. Tôi con gái mà chẳng được di truyền vẻ đẹp của song thân, ai cũng trêu "con ông hàng xóm". Còn Hai, chẳng những giống mà còn giống khôn, giống nhân đôi vẻ đẹp của ba mẹ.
Minh họa: TRẦN THẮNG |
(VLO) Nhà hai anh em, một trai, một gái. Tôi con gái mà chẳng được di truyền vẻ đẹp của song thân, ai cũng trêu “con ông hàng xóm”. Còn Hai, chẳng những giống mà còn giống khôn, giống nhân đôi vẻ đẹp của ba mẹ.
Để cuối cùng, anh có nét đẹp phi phàm của một vị thần. Tướng tá cao lớn. Đôi chân mày dài, rậm làm tăng sự cuốn hút chứ không có biểu hiện dữ dằn.
Đẹp nhức nhối là sóng mũi cao ngất và đôi mắt tròn to, đen tuyền. Nhưng đặc biệt ấn tượng là hàm râu quai nón. Kỳ lạ. Đẹp dã man. Nó khiến khuôn mặt anh rất manly và mê hoặc. Mấy nàng lớp tôi lần nào vô nhà chơi cũng “đặt hàng”: “Anh mày “chất” quá, làm mai tao nghen!”
Đã kể thì kể thiệt luôn. Hai đẹp trai, khéo tay nhưng nhược điểm chết người là học “cũng thường thường bậc trung” thôi. Đã không giỏi lại nghịch.
Hôm đó ngồi trong lớp, đang tiết Toán của thầy giáo nổi tiếng nghiêm khắc, ngồi học mà mồm như tép nhảy nên bị đuổi ra. Ma xui quỷ khiến, hổng đi ra không mà vừa đi vừa lải nhải “đuổi thì ra, làm gì dữ!” Thầy chỉ nghiêm mặt nhìn, vậy mà bỏ học chứ “không dám vác mặt tới trường nữa”.
Bỏ học nửa năm lớp 9, chơi ớn rồi khăn gói ra phố học may. Học ra nghề, ba xây căn phòng nhỏ trước cửa nhà, treo cái biển “Nhận may âu phục nam”.
Tiệm may nằm sâu trong hẻm nhưng vải cũng đủ may. Thì tại thợ khéo tay, may đồ rất đẹp, đúng “phọt” đúng người. Mấy ông bụng to chân ngắn, vác cái bụng lặc lè, đi may khắp nơi nhưng về tiệm Hai là cứ chậc chậc, nhỏ giờ mới có cái quần ưng ý.
May đẹp, may nhiều nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho anh tự lo bản thân và duy trì các mối quan hệ, cho em gái ăn bánh mì, uống nước mía hay nhận bao lì xì tết… mỏng mỏng.
Không thể làm giàu bằng nghề này được. Nhà nông bận rộn lại nghèo, lâu lâu bóp họng bóp hầu may đồ đẹp để lên khuôn những dịp hiếu hỉ, con cái cũng vào năm học hoặc tết nhứt mới may mà mình lấy đắt thì họ mặc đồ nát quanh năm luôn á. Hai nói vậy thì mẹ than: “Thợ may ăn giẻ (vải rẻo) thợ vẽ ăn hồ”…
Dù thu nhập bọt bèo nhưng mẹ cũng an tâm, con trai cưng không phải dầm mưa dãi nắng, bươn bả đồng cạn đồng sâu. Vừa may vừa mở đài nghe, cứ cành cạnh trong mát, sướng ru.
Nghề này nhàn nhã thiệt. Nhưng ngày thường túc tắc, vừa làm vừa chơi chớ cuối năm quáng quàng, không dám ăn không dám ngủ. Ngày xưa, thời điểm “hot” nhất của thợ may là tết mà.
Mùa tết khổ, bù lại được nhiều tiền. Nhưng để giữ uy tín, Hai không ham nhận ẩu. Thường thì đến đầu tháng Chạp, Hai sẽ treo trước cửa tiệm thông báo không nhận vải nữa.
“Không nhận vải nữa” cũng đồng nghĩa chồng vải đã ngất như… núi, hết cõng nổi. Nói không nhưng khách “ruột” tới năn nỉ thì cũng cười như mếu nhận.
Giới hạn một tháng, phải “cày” hết núi vải. Một mình, Hai đảm đương tất tật các công đoạn. Cắt may không cực, mất thời gian nhất vẫn khâu làm nguội (làm phuy, đơm nút, ủi). Mẹ xung phong giúp nhưng Hai không cho, anh chỉn chu nên sản phẩm nào cũng muốn tự tay làm, phải đẹp từ A tới Z. Tôi sảnh sẹ “công kích”:
- Bày đặt khó khăn! Mẹ cũng biết may sơ sơ mà!
- Nhưng mẹ không có “nghề”. Công tình may sắc sảo mà làm cái phuy, đơm hạt nút bị thô thì mất đẹp!
- Ối giời! Tham công tiếc việc, khổ cho chừa!
Là tôi thấy ông anh điển trai cực quá nên “gắt” chớ tôi còn xót ruột hơn anh. Ngày nào tôi cũng lật chồng vải đếm ngược, lưng được xấp nào mừng xấp ấy. Thức đêm nhiều quá, thanh niên vai năm tấc rộng nhưng Hai xọp đi ngó thấy. Nhìn bộ dạng của người thiếu ngủ thấy tội lắm.
Hồi đó may máy còn đạp bằng chân. Anh tôi lạch cạch sáng đêm. Có đêm cắt vải mà buồn ngủ quá rồi mớ, cắt to cắt nhỏ hết xấp vải, phải mướt mồ hôi tìm miếng vải y chang đền cho khách. Tái mặt luôn!
“Dừng tay ăn tất niên nè, không kịp cũng bỏ xuống”- mẹ chỉ thị vậy nhưng Hai vẫn cành cạch, miệng nói đợi chút. Mẹ xót quá than: May một vụ tết sắm được hai chỉ vàng nhưng hai mắt sâu hơn lòng giếng.
Khi người khách cuối cùng tới lấy đồ thì cũng vừa tới giao thừa. Nhưng Hai vẫn chưa được nghỉ. Hết khách tới em- đồ tết của tôi hồi đó là quần xanh áo trắng, mẹ khoán cho Hai luôn. Thấy tôi cử cẳn, mẹ nói mặc tạm đồ cũ, để Hai ăn tết rồi may cũng kịp vô học. Không được, tôi nhảy nhồng, tết không được mặc áo mới thì làm con nít chi cho khổ, tôi rên rỉ bi thiết. Hai kêu, yên tâm đi “bà cô”.
Sáng mùng một, ngoài đường ríu ran tiếng trẻ nhỏ khoe đồ mới, Hai ngồi trong bàn máy nhìn ra:
- Chậc chậc! Trẻ nhỏ lên khuôn thấy bảnh ra liền…
- Mùng hai mà em không được lên khuôn như tụi nó là em đập đầu chết luôn!- tôi nói trong trạng thái sắp khóc.
Anh dỗ:
- Ráng thêm buổi nữa! Tối xong…
Mùng hai, tinh mơ tôi mặc đồ mới đi chơi thì Hai lăn ra ngủ như chết. Ngủ liên tục hai, ba ngày- ngủ bù. Ngủ đã thì dậy ăn cơm rồi cười hề hề: tới lượt mình chơi tết, thiên hạ đã ra đồng. Nói vậy nhưng Hai vui, nhìn đôi mắt long lanh thì biết.
***
Hồi đó, tôi ở tiệm may của Hai nhiều hơn ở trong nhà. Tại ngoài đó có máy quạt, có đài để nghe, hấp dẫn nhất là được Hai bao chè, nước mía và bánh mì mới ra lò.
Vui nhất là dịp cuối năm, cứ lăng xăng đếm vải, dọn rẻo và đợi cúng Tổ để được gặm đùi gà, ních chè. Tôi không liên quan đến nghề may vá nhưng ngày cúng Tổ nghề may là ngày được tôi trông đợi nhất. Chắc tại thấy mùa xuân đã về bên lưng.
Khi tôi xuống phố học Sư phạm thì lìa xa cái tiệm may bằng chỗ ngồi con cóc đó. Tôi nhớ tiếng cọc cạch, mỗi lần về thăm nhà đều qua tiệm may ngồi. Tháng Chạp về, học gì học, ngày giỗ Tổ tôi cũng về với anh Hai, với ba mẹ.
Tôi đi học, thảng mới về, chắc Hai cũng nhớ cái “đài phát thanh” nên mỗi lần qua phố lấy phụ liệu may mặc, anh thường tranh thủ ghé nội trú thăm em. Giờ thì mấy con bạn cũng trầm trồ anh mầy quá đỉnh nhưng chúng không “đặt hàng” nữa- khi nghe tôi giới thiệu anh là thợ may. Đó là lúc tôi bắt đầu thấy thương anh mình. Thương thật sự khi người ta đánh giá con người qua công việc và thu nhập.
Học ra trường, mẹ không cho nhưng Hai vẫn chở tôi đi nộp hồ sơ trên núi. Hai nói còn trẻ, thích thì cứ thử nghiệm. Được anh ủng hộ, tôi rất vững vàng. Nhưng cũng chỉ nghĩ lên núi dạy với ý niệm đi cống hiến tuổi trẻ vài năm rồi về, ai dè làm dâu đất khách. Chồng xa nhưng năm nào Hai cúng máy, cả nhà tôi cũng tề tựu đông đủ.
Đùng một cái chồng đâm đơn ly hôn. Lỏng lẻo quá tình cảnh mẹ bệnh, con thơ nơi đất khách. Không còn cách nào, tôi ôm con về mẹ.
Hai mẹ con tá túc trong căn phòng chật chội của mẹ. Hàng ngày tôi chênh chao trên xe buýt gần 80km đi- về. Cực. Lại đem quần ra tiệm nhờ anh bóp eo. Hai hỏi:
- Mấy năm ở ké rồi, mẹ con tính chừng nào xây nhà?
- Chừng nào em vay mượn đủ mới tính.
- Dạy mười lăm năm mà lương tháng nào phủi lủm tháng đó, tiêu gì mà dữ?
- Lương em có sáu triệu hơn. Đi dạy xe buýt, tiền cơm áo phấn son, tiền điện tiền nước, tiền học cho con, tiền chợ búa và vv…
- Hay mẹ con chịu khó ở trong cái tiệm này cho riêng tư, mai mốt có tiền thì sửa sang lại chút cho bóng bẩy.
- Rồi Hai may ở đâu?
- Sắp đóng cửa rồi!
-??
- Có vải đâu mà may!
Vâng. Cuộc sống đổi thay từng ngày. Thời buổi của công nghiệp may mặc, tiệm may của anh những ngày cuối năm chỉ còn những vị khách bụng phệ nệ, lưng còm, chân cong… và một vài người trẻ cầm đồ mua sẵn tới cắt lai, chít eo.
Mấy năm liền, không phải thức đêm để cành cạch nữa nhưng tết về, đôi mắt Hai vẫn trũng như lòng giếng, “không cầm kéo buồn tay, rảnh quá cũng không ngủ được”.
Nhưng cuộc sống đâu thể rảnh dài, vậy là Hai- thợ may hơn hai mươi năm tuổi nghề- vào phố học làm thợ hồ.
Làm thợ hồ nhưng Hai vẫn không bỏ nghề may. Làm xa nhưng dặn ở nhà cứ nhận đồ tết của khách, tháng Chạp sẽ về may. Tôi nói làm vậy bất tiện, thu nhập không hơn mà cực thì Hai bảo: cầm kéo quen tay rồi, không bỏ được.
***
Lận đận một thời gian rồi hai mẹ con cũng tậu được miếng đất. Hai chủ công kêu bạn bè thợ hồ, xây cho em gái căn nhà nhỏ nhỏ xinh xinh.
Năm nay, mới mùng mười tháng Chạp, Hai lại gọi điện bảo mẹ con tôi thu xếp công việc về ăn chè cúng máy. Tôi “dạ” rồi cười hi hi. Thế là mùa xuân đã về.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin