Tản mạn về đường trâu gợi miền ký ức!

02:02, 13/02/2021

"Đường Trâu" là tên một con đường chỉ chừng cây số nhưng quá đỗi thân quen với nhiều người quê tôi, nhắc nhớ tuổi thơ chăn trâu, tắm sông. Con đường gợi miền ký ức một thời "mưa bom bão đạn" và sau này đã cõng bước chân nhiều thế hệ học trò trên hành trình đi tìm con chữ. Con đường dành cho sự hoài niệm, cho dù nay… đường đã thay tên!

(VLO) “Đường Trâu” là tên một con đường chỉ chừng cây số nhưng quá đỗi thân quen với nhiều người quê tôi, nhắc nhớ tuổi thơ chăn trâu, tắm sông. Con đường gợi miền ký ức một thời “mưa bom bão đạn” và sau này đã cõng bước chân nhiều thế hệ học trò trên hành trình đi tìm con chữ. Con đường dành cho sự hoài niệm, cho dù nay… đường đã thay tên!

Cầu Đường Trâu khởi công năm 2019, sau hoàn thành đổi tên thành cầu Nhân Ái.
Cầu Đường Trâu khởi công năm 2019, sau hoàn thành đổi tên thành cầu Nhân Ái.

Nhớ lúc còn đi học, ngày hai lần ba lượt, tôi và những người bạn men theo con đường này để tới trường, sau này đàn em và giờ là tốp những đứa cháu. Con đường “nắng bụi, mưa sình” nhưng đã khiến nhiều người thương nhớ. Và có lẽ dễ cười nhất là cái tên làm cho không ít khách phương xa, thậm chí cả người địa phương cũng thắc mắc “ai đặt mà sao tên đường nghe là lạ!”

Hồi còn ba tôi, một lần nghe kể: “Xưa vùng này nuôi trâu nhiều lắm, nhà nào cũng có. Sáng chiều trên đường này, đàn trâu hàng trăm con ra ruộng cày, riết đến nỗi hư cả đường- nên gọi đường trâu, dần dà thành danh”.

Lật giở quyển hồi ký mà ông để lại cũng có nhắc vài dòng về địa danh này: “Giặc tàn phá dữ dội, trâu trong xóm bị bắt, giết sạch. Bà nội may mắn chạy trước dẫn cặp trâu men theo Đường Trâu mà chạy, sau này bán được 1.000 đồng”. Có lẽ cái tên Đường Trâu thành danh đến nay cũng từ sự lý giải đó!

Nhưng trong sâu thẳm, Đường Trâu còn là kỷ niệm một thời của bao thế hệ. Bắt đầu từ buổi “bình minh cha ông đi mở đất” vùng này, đến giặc Pháp, giặc Mỹ tràn vào tàn phá. Về sau này, Đường Trâu là nơi hẹn hò trong những lần tới trường của lũ học trò 8X, 9X chúng tôi.

Chú Nguyễn Trường Sơn (71 tuổi ở ấp Phú Yên) là một trong các lão nông mà gia đình có 3 đời gắn bó nên hiểu đến chân tơ kẽ tóc về tên gọi và vùng đất này, khẳng định chuyện trâu đi riết… hư đường nên gọi Đường Trâu quả không sai.

“Cháu cứ hình dung hồi đó ở đây, nhà nào ít nhất cũng 2 con trâu, còn nhiều lên vài chục con. Một trâu mẹ dẫn theo mấy trâu con nối đuôi dài dằng dặc leo lên đường mà đi- cũng giống như hình ảnh mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam, mà vùng này người ta thường gọi là mùa cầm trâu, riết đường sạt lở hư sạch trọi”- chú Sơn giải thích, rồi chỉ tay về phía từ đầu đường đến cuối con Đường Trâu này cho biết chỉ chừng cây số.

Con đường sình lầy ngày nào, nay xe 4 bánh bon bon chạy.
Con đường sình lầy ngày nào, nay xe 4 bánh bon bon chạy.

Men theo là con sông sẽ có ngã ba, xưa kia có một thời người ta còn gọi “Đường Trâu ông Cửu” nhằm “để nhớ ơn ông Nguyễn Văn Cửu là ông nội chú- một trong những người đầu tiên về khai phá vùng này”.

Đường Trâu xưa kia thuộc làng Phú Yên, sau này thuộc ấp Phú Thọ (xã Tân Phú, huyện Tam Bình). Chú Nguyễn Trường Sơn nhớ lại những buổi đầu, làng Phú Yên còn là rừng rậm hoang vu, trùng trùng lau sậy, đất nhiều nhưng vô chủ. Để khai phá, canh tác được, người ta phụ thuộc hoàn toàn vào sức trâu.

“Ông nội chú từ Tiền Giang về đây từ những ngày đầu cùng bầy trâu hàng trăm con, bắt tay vào phát hoang. Cũng nhờ bầy trâu này mà có điều kiện khai hoang, ruộng đất dần nới rộng, dân tình khắp nơi tụ họp về đây lập làng, lập ấp và ăn nên làm ra”- chú Nguyễn Trường Sơn nhớ lại.

Hàng ngày, cứ mỗi sáng họ lại lần lượt dẫn trâu ra đồng kiếm thức ăn và nằm nước, đến chiều lại kéo nhau về. Hàng chục, thậm chí lên cả trăm năm đi theo một lối, đàn trâu đã để lại dấu tích là một con đường mòn. Nông dân nuôi trâu để làm thay sức người. 

Hồi xưa trong đời sống của người Nam Bộ, vị thế của từng gia đình trong làng xóm, xã hội được tính qua số lượng đàn trâu của họ. Những gia đình khẩn hoang được 30- 40 công đất trở lên đã buộc phải có trâu. Những địa chủ thì có từ vài chục tới vài trăm con trâu.

Con trâu thời ấy không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà người ta còn thương mến con trâu như người bạn đồng cam cộng khổ và là tài sản đắt giá nhất trong nhà. Hẳn thế mà ông bà thời đó xem việc “tậu trâu” vẫn là công việc đầu tiên, tiên quyết quan trọng bậc nhất của một đời nông dân trước cả “cưới vợ, làm nhà”.

Người dân trồng thêm hoa 2 bên đường tạo cảnh đẹp.
Người dân trồng thêm hoa 2 bên đường tạo cảnh đẹp.

Không biết đã bao lâu nhưng tin rằng tên Đường Trâu có rất lâu rồi, từ khi ông cha mới đến đây lập nghiệp. Để rồi sau đó con sông nằm kề cũng có tên là sông Đường Trâu, chắc cũng xuất phát từ khi “trâu lội thành đường” giúp nông dân kéo những lưỡi cày đầu tiên trên đồng rộng, vạch ra sự màu mỡ cho cây lúa nước ngàn đời lên xanh.

Hòa bình lập lại và những năm sau này, với phong trào lao động công ích, hàng trăm người khắp nơi được huy động về đây xẻ kinh xả phèn, dẫn nước. Sông Đường Trâu được nạo vét, mở rộng, từ chỗ chưa thành hình, bề ngang nhỏ “phóng qua được” dần dà tạo thành lối mòn và có hình dáng rõ ràng, mở rộng thẳng tắp và tồn tại cho tới ngày nay.

Nhưng Đường Trâu dần lui về quá khứ, khi gần đây con đường được nâng cấp, mở rộng. Tên Đường Trâu xưa cũ theo đó cũng được đổi tên thành đường Phú Thọ.

Nhà cửa, hàng quán khu vực này ngày càng đông đúc. Năm 2009, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cầu Đường Trâu nằm trên tuyến đường này cũng được xây dựng và hoàn thành, nối liền 2 ấp Phú Yên và Phú Thọ. Những đổi thay này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người lo ngại cho cái tên quê cũ dần biến mất.

Tuy nhiên, trong những cuộc trò chuyện, tôi thấy người quê vẫn gọi “Đường Trâu” một cách thân thương và dành cho nó một ký ức đẹp.

Bởi với họ, ở đó có hình ảnh một thuở đời người và đời trâu bện chặt vất vả trên đồng; hình ảnh con đường trâu gồng gánh “cõng” những con trâu xuôi ngược “mông mạ” vào ruộng, đạp rơm, kéo lúa từ ngoài đồng về sân nhà. Để rồi tin rằng, dù thay đổi đến mấy, mỗi khi nhắc đến “Đường Trâu” sẽ thấy mở ra một khoảng lòng mênh mông và lay động! l

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh