Để che chắn cho con gái khỏi những ánh mắt si mê của những đàn ông khác, các gia đình thuộc bộ lạc Ndebele ở Nam Phi phải giữ cô dâu ở ẩn trong nhà hai tuần trước khi gả đi.
Để che chắn cho con gái khỏi những ánh mắt si mê của những đàn ông khác, các gia đình thuộc bộ lạc Ndebele ở Nam Phi phải giữ cô dâu ở ẩn trong nhà hai tuần trước khi gả đi.
Cô dâu ở ẩn Ndebele vẫn nổi bật trong trang phục và trang sức bắt mắt. (Ảnh: Ibiene) |
Cô dâu ở ẩn để tránh lộ sắc đẹp khiến đàn ông khác si mê
Điều khiến người Ndebele nổi bật nhất trong các bộ lạc ở châu Phi là nghi thức đám cưới độc đáo và rực rỡ sắc màu. Theo truyền thống, nghi thức hôn lễ của các cặp đôi Ndebele thường diễn ra theo 3 giai đoạn vì thế đôi khi có thể kéo dài tới vài năm với điểm nhấn là cô dâu ở ẩn, bao gồm:
Trước hết là Labola (có thể hiểu nôm na là… trả giá cô dâu), khoản này được nhà trai trả dần bằng cả tiền bạc và gia súc.
Tiếp đó là giai đoạn cô dâu ở ẩn tại một góc kín đáo trong nhà cha mẹ đẻ suốt hai tuần trước đám cưới, để tránh có thể bị xiêu lòng vì sự si mê của các chàng trai khác, đồng thời được những người phụ nữ khác trong nhà dạy dỗ thêm cách trở thành một nàng dâu tốt khi về nhà chống.
Giai đoạn ba chỉ hoàn tất khi cô dâu ở ẩn ngày nào đã trở thành mẹ sau khi sinh con đầu lòng.
Cô dâu xinh đẹp trong trang phục truyền thống Ndebele. (Ảnh: Clipculture) |
Về Labola, chú rể sẽ gửi thư trước tới gia đình cô dâu để thương lượng… giá cả. Sau đó anh ta mua một con cừu, một số chăn và vài bộ quần áo mang tới tặng nhà gái. Rồi tới nghi thức cha của chú rể tới gặp cha mẹ cô dâu để trả khoản tiền Labola, trước khi đưa cô dâu sang nhà chú rể làm quen với nhà trai.
Cô dâu ở ẩn đủ hai tuần sẽ được quấn kín bằng chăn, che mặt và che đầu, rồi được một bé gái (kiểu như phù dâu "nhí") dẫn ra để tham dự hôn lễ của mình. Tại đây cô dâu được chú rể trao tặng tấm khoác cầu hôn được gọi là Jololo, để bày tỏ tình yêu thương và sự tôn trọng người phụ nữ sẽ sống với anh ta suốt cuộc đời.
Jololo do mẹ chú rể chuẩn bị, được làm bằng da dê và có đính cườm, sẽ góp phần giúp cô dâu ở ẩn trở thành người phụ nữ đẹp nhất trong hôn lễ. Sau đó cô con dâu mới sẽ dành thời gian tiếp tục đính thêm cườm hoặc biến tấu Jololo thành kiểu trang phục độc đáo hơn.
Cô dâu ở ẩn đã được đưa ra ngoài và trao cho chú rể. (Ảnh: Ibiene) |
Nhiều tấm Jololo rực rỡ cũng được những người phụ nữ đã có chồng khoác khi tham dự hôn lễ, vì nó tượng trưng cho hình ảnh người mẹ được đàn con vây quanh.
Một nghi thức khác cũng khá độc đáo là việc chàng trai lớn nhất trong gia đình sẽ ở lại cùng các ông bà, cha mẹ sau hôn lễ để đặt cho cô dâu một cái tên Ndebele cổ theo truyền thống.
Cô dâu ở ẩn góp phần cùng các nghệ sĩ "chân đất" tô điểm thôn làng
Ndebele là nhánh cổ của các dân tộc nói tiếng Nguni chính, họ bắt đầu di cư đến vùng Transvaal từ thế kỷ 17. Transvaal là một quốc gia độc lập được quốc tế công nhận (từ 1852 đến 1902), nằm ở nơi là Nam Phi hiện nay.
Từ thế kỷ 18, người Ndebele đã tạo ra được phong cách truyền thống riêng sơn nhà của họ. (Ảnh: juliocesarroman.com) |
Phụ nữ Ndebele được ví như những nghệ sĩ dân gian "chân đất" bởi họ có truyền thống tạo ra các loại hạt trang sức tinh xảo, có năng khiếu vẽ và sơn phết nhà cửa rực rỡ, cũng như tự làm cho mình và chồng con nổi bật hơn bởi những bộ trang phục và trang sức truyền thống nhiều màu sắc được cắt may, đính cườm… khéo léo.
Bên cạnh sự tôn vinh vai trò của phụ nữ, bao gồm cả những cô dâu ở ẩn trong vai trò mới của người vợ, người mẹ… xã hội Ndebele truyền thống tin rằng bệnh tật là do tác động ngoại lực gây ra như do bùa ngải, lời nguyền… Bởi vậy họ rất sùng kính các thầy thuốc dân gian (được gọi là Izangoma) gồm cả nam và nữ, cũng là những người kiêm luôn việc bói toán, chỉ dẫn các nghi lễ, giao tiếp với thế giới tâm linh…
Các thầy thuốc dân gian không chỉ trị bệnh bằng thảo dược, mà còn bằng cả cách… rải xương chẩn bệnh. Đó là xương của những con vật được cúng tế hoặc cũng có thể là đá, vỏ sò… Qua đó các thầy thuốc dân gian được tin là có thể kết nối với anh linh tổ tiên, nghe họ truyền cho cách trị bệnh cũng như giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cộng đồng.
Theo Dân Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin