Chuyện quẩn quanh con trâu

09:02, 21/02/2021

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, bà con vùng giải phóng hầu hết là nông dân, đời sống gắn liền với cây lúa mùa rất cần sức kéo của con trâu trong sản xuất, lắm gia đình đã coi "Con trâu là đầu cơ nghiệp", không thiếu chuyện vui quẩn quanh con trâu của họ.

 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, bà con vùng giải phóng hầu hết là nông dân, đời sống gắn liền với cây lúa mùa rất cần sức kéo của con trâu trong sản xuất, lắm gia đình đã coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, không thiếu chuyện vui quẩn quanh con trâu của họ.

Trong kháng chiến, con trâu cũng góp nhiều chiến công.  Ảnh: Intrenet
Trong kháng chiến, con trâu cũng góp nhiều chiến công. Ảnh: Intrenet

“Con trâu là đầu cơ nghiệp” là thế, song từ truyền thống lâu đời một khi cần một lượng thịt lớn để khao quân sau những chiến công to của lực lượng vũ trang ta thì bà con lại nghĩ ngay đến việc giết trâu để làm cỗ!

Trong Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968, bà con nông dân trong tỉnh đã hiến 515 con trâu bò và heo để ăn mừng, trong đó có gia đình hiến một lần đến một cặp trâu như gia đình bà Trần Thị Đẹp (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn), gia đình ông Dương Văn Son (xã Nhơn Phú- Mang Thít), nhiều gia đình khác ngoài hiến trâu khao quân còn đóng góp thêm tài sản khác phục vụ cuộc tiến công…

Nuôi trâu ở đồng bằng phải có người giữ trâu để chúng không phá phách ruộng vườn và việc này thường giao cho các thiếu niên. Lắm em thấy “bộ đội Cụ Hồ” được người dân rất mực yêu thương, không đợi cha mẹ cho phép vì còn nhỏ đã cột trâu lại rồi theo một đơn vị nào đó và cương quyết không về nhà dù được các chỉ huy dùng nhiều lý lẽ thuyết phục. Trường hợp em Lo ở xã Hòa Bình (Trà Ôn) có khác hơn một chút. Em cùng cha làm mướn cho một điền chủ, nhiệm vụ nhà chủ giao cho em là giữ bầy trâu.

Có lần một đơn vị bộ đội của trên về đóng quân gần xã, em lân la tìm đến xin theo. Người chỉ huy đơn vị thấy em còn nhỏ không muốn nhận nên viện cớ đơn vị chỉ nhận người đã lập công. Nài nỉ một lát, em nói biết “lập công” như lấy được vũ khí của địch chẳng hạn. Trong đầu em nghĩ ngay đến một kế hoạch lập công.

Số là nhà ông chủ của em giàu có nên bọn lính đồn hay kiếm cớ ghé lại để được no nê rượu thịt. Việc lấy súng của một tên lính hớ hênh nào đó là có thể. Mấy hôm sau, một buổi trưa khi trở về nhà ông chủ em gặp một toán lính đã no say nằm ngủ trên mấy bộ ngựa ở nhà trên.

Không bỏ lỡ cơ hội, đối tượng em chọn là một tên lính có khẩu tiểu liên để bên cạnh. Hắn có vẻ đã uống nhiều rượu đang ngáy pho pho. Em nhẹ nhàng lấy khẩu súng cùng mấy băng đạn rồi chạy vọt ra cửa băng đồng đến nơi đóng quân của đơn vị bộ đội. V

iên chỉ huy không còn lý do từ chối liền nhận em, hơn nữa em đâu còn nơi nào để đi! Chuyện lập công của em Nguyễn Văn Quang ở xã Chánh Hội (Cái Nhum nay là Mang Thít) trong kháng chiến chống Mỹ thì dữ dội hơn.

Sáng sáng lùa trâu ra đồng ăn cỏ, đồn Cầu Bò kế bên như cái gai trong mắt em. Mới 13 tuổi, nhưng Quang tỏ ra là một cậu bé lanh lợi nên các chú trong Ban Binh vận huyện dạy cho em cách nắm tình hình, việc bố phòng và quy luật hoạt động của bọn lính đồn Cầu Bò để có thời cơ là tiêu diệt.

Với lý do có nhiều cỏ non quanh đồn, không khó để nhóm trẻ cùng giữ trâu như Quang làm quen với bọn lính vốn bị tù túng trong đồn lâu ngày. Từ đùa giỡn bình thường đến việc được bọn lính cho vào đồn chơi, các việc được các chú giao đều được em báo cáo cụ thể.

Bước đột biến mối quan hệ này bắt đầu khi Quang phát hiện một anh lính trong đồn đang mê mệt một thiếu nữ ở chợ xã là người quen. Được các chú bày vẽ, em trở thành “ông mai” cho anh lính và họ mau chóng trở thành “đôi bạn thân”! Ngày 24/4/1972, thời cơ đến. Hầu hết lính trong đồn đã ra xã lãnh lương, chỉ để lại 2 người giữ đồn, trong đó có anh “bạn” của Quang.

Quang mau chóng báo cáo sự việc cho các chú, một kế hoạch lấy đồn được Huyện đội cấp tốc vạch ra và khẩn trương thực hiện trước khi số lính đồn từ xã trở về. Đang buồn vì đồn vắng vẻ thì được bạn đến chơi, anh “bạn” của Quang và tên lính còn lại trong đồn vồn vã ra đón Quang và một người bạn giữ trâu ở tận cửa đồn.

Sau một lúc bông đùa vui vẻ, Quang gợi ý “anh bạn” chỉ cho bí quyết bắn súng “bách phát bách trúng” như từng khoe. Anh ta không chút nghi ngờ trao súng cho Quang rồi tỉ mỉ chỉ cách lên đạn và cách ngắm bắn… Khi Quang lùi lại mấy bước đưa mũi súng về phía họ, anh ta mới hoảng hốt la lên: “Ê, đừng giỡn!”

Quang đanh giọng: “Không giỡn, ai bước tới tôi bắn!” Để đảm bảo an toàn, em lệnh cho 2 người tuột xuống mương nước kế bên và đầu họ phải kề sát bên nhau trên bờ mương rồi nói: “Các anh còn nhớ đã dạy tôi cách bắn xuyên táo? Nằm yên các anh sẽ an toàn…”.

Sau khi được nhóm của Quang ra ám hiệu, du kích ta tràn vào đồn bắt tù binh thu dọn vũ khí. Thấy mọi việc quá thuận lợi, ta làm tiếp kế hoạch phục kích bắt được thêm 3 tên lính khác từ xã trở về. Trận này, ta bắt 5 tù binh, thu 7 súng và 12.000 viên đạn các loại không tốn một viên đạn. Thắng lợi lớn nhất là khí thế quần chúng cách mạng trong vùng tăng lên và kẻ địch thêm hoang mang…

Con trâu là đầu cơ nghiệp.
Con trâu là đầu cơ nghiệp.

Có một chuyện xảy ra ở ấp Rạch Sâu vào cuối năm 1968 mà dân cù lao Dài (xã Quới Thiện cũ- Vũng Liêm) rất khoái kể cho nhau nghe. Lúc đó, du kích xã đã dồn ép địch lùi về vài đồn còn lại ở đuôi cù lao và giải phóng gần hết xã. Để hỗ trợ cho nhóm địch còn trụ lại trên cù lao, thỉnh thoảng quân Mỹ dùng tàu nhỏ bí mật thả những toán biệt kích cỡ tiểu đội vào vùng ta để gây rối.

Hôm ấy, sau khi lọ mọ trườn lếch băng qua cánh đồng lúa ấp Rạch Sâu ở đầu cù lao, toán biệt kích Mỹ gặp một con đường đất có nhiều cây hai bên. Vừa mới đặt chân lên mặt đường, cả bọn vô cùng hoảng hốt khi nghe rùng rùng tiếng bước chân chạy trên đất cùng với tiếng kim loại va chạm nhau dữ dội. Thế là không cần đợi lệnh tất cả các loại súng của chúng đồng loạt nổ ran rồi cũng đồng loạt tháo chạy…

Có lẽ khi về đến tàu hoàn hồn lại cả bọn cũng chẳng biết kẻ địch mình vừa chạm là loại binh chủng nào, đang ở thế thượng phong như thế sao họ không nổ súng và truy kích… Thật ra, nếu có mở đến trang cuối cùng các sách về kỹ thuật quân sự của chúng, có lẽ chẳng có trang nào có ghi là hành quân phải né các… bầy trâu!

Và chính một bầy trâu của dân Quới Thiện đã làm cả toán biệt kích Mỹ “chạy tét ghèn” như vậy, bởi bầy trâu bất ngờ phát hiện toán lính Mỹ nên nhất loạt đứng lên đối phó. Ác liệt hơn là những con trâu này đang bị chủ xích lại bằng dây lòi tói lớn, nên chúng gần như chỉ ở tại chỗ mà đổi tư thế nên tiếng kim loại va chạm nhau nghe mới kinh như thế...

Chuyện này sau đó được Báo Anh Dũng của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đăng với tựa đề “Mỹ sợ trâu cột” khác với tựa đề nguyên tác mà người cộng tác ở xã Quới Thiện vốn là một ông già rất thích đọc truyện Tàu gửi cho tòa soạn là “Mỹ sợ Ngưu Ma vương”!

Nếu có “Ngưu Ma vương” thiệt như trong truyện “Tây Du ký” thì ai không sợ, nhưng có những con trâu viết trên giấy cũng làm khổ một con người thật. Đó là một ông giáo góa vợ ở huyện Vũng Liêm tham gia kháng chiến ở một cơ quan cấp huyện.

Hoàn cảnh neo đơn nên ông này phải vừa công tác vừa tranh thủ những lúc rỗi rảnh đan thúng bán gửi chút tiền chu cấp cho các con. Khách hàng của ông khá đông, ngoài hàng vừa tốt vừa rẻ còn có căn nguyên họ là thính giả nhiệt tình nhất trong các lần nghe ông kể chuyện lúc đan đát.

Ông có khá nhiều câu chuyện trong kháng chiến như chuyện con trâu kéo khẩu pháo lớn chiến lợi phẩm trong trận Tầm Vu của quân ta hồi đánh Pháp ở Nam Bộ đã ráng sức đến… đứt ruột mà chết (?). Lúc cao hứng ông cũng kể các chuyện quẩn quanh con trâu vốn rất quen thuộc với họ hồi xưa hay trâu ở tận bên... Tàu.

Hay chuyện chọi trâu của Trạng Quỳnh, trâu nghé đói sữa của Trạng cứ chạy theo tìm vú mẹ ở hạ bộ con trâu cổ của sứ Tàu khiến nó nhột mà chạy tét; chuyện “cờ lau lập trận” của Đinh Bộ Lĩnh; chuyện Lê Đại Hành dùng trâu dọa quân Tống ở bờ sông Hoàng Long hay các chuyện bên Tàu: Ngưu Ma vương trong “Tây Du ký”, chuyện quân nước Tề chiến thắng quân nước Yên bằng “Hỏa ngưu trận” thời chiến quốc…

Lối kể chuyện dân dã thêm thắt chút đỉnh pha chút hài hước của ông khiến nhiều bà góa chồng nghe quên cả… nấu cơm, kéo theo các phiền phức khiến ông bị tổ chức phải nhắc nhở. Lắm lúc ông than thỉ với bè bạn: đàn ông có số đào hoa là lâm vào số khổ!

Có một anh chiến sĩ ở Trung đoàn 3 của Quân khu cũng lâm vào số khổ vì một con trâu thiệt nhưng với cách khác hơn, bởi nhiệm vụ của anh là vệ sĩ cho một ông cán bộ. Vốn là con nhà nông nên anh biết rõ trâu rất ghét người lạ mang súng ống nên luôn đề phòng khi gặp chúng và anh cứ nghĩ ông ấy cũng biết.

Trong một lần anh theo ông này công tác, đang đi trên đường 2 người bỗng bị con trâu đực cổ từ trong bụi cây xông ra rượt họ. Anh ta biết tỏng nên chạy thoát, còn ông ấy bị trâu quật bị thương!

Về cơ quan, anh bị kiểm điểm về vai trò người bảo vệ, đau lòng nhất là nghe ông ấy trách: “Nó bảo vệ tui, trâu rượt nồ nó có súng AK mà chạy để tui bị trâu quật…” Còn anh than với bạn bè: “Cây kim sợi chỉ của dân không dám đụng đến, con trâu là tài sản to quá chừng, biết xử lý sao đây”…

TRUNG TÍN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh