Bấc thổi chiều quê

02:01, 11/01/2021

"Mấy bữa nay trời trở gió. Gió bấc về, gió gì đâu mà lạnh thấu xương luôn hà!" Nghe khách qua đường than mấy câu bâng quơ, Hiền thảng thốt: Ờ, ờ, bấc về thiệt rồi! Nhưng… trời ơi, gió gì mà nhẹ hều như bông gòn bay, vậy mà hơi lạnh lại cứa vào lòng khiến con người ta nhớ ngơ nhớ ngẩn nơi oe oe cất tiếng khóc đầu đời.

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

(VLO) “Mấy bữa nay trời trở gió. Gió bấc về, gió gì đâu mà lạnh thấu xương luôn hà!”

Nghe khách qua đường than mấy câu bâng quơ, Hiền thảng thốt: Ờ, ờ, bấc về thiệt rồi! Nhưng… trời ơi, gió gì mà nhẹ hều như bông gòn bay, vậy mà hơi lạnh lại cứa vào lòng khiến con người ta nhớ ngơ nhớ ngẩn nơi oe oe cất tiếng khóc đầu đời.

Cũng chính vì vậy mà Hiền đã vượt gần trăm cây số lặn lội về đây, khi bầu trời chỉ còn sót lại một vài vệt buồn, ngoằn ngoèo trên dạt tràm. Về để làm gì? Để… nghe gió thổi! Mắc cười, gió thì ở đâu cũng có, cũng như nhau. Nhưng… Hiền chỉ muốn ngồi bên bờ kinh này để nhớ về những mùa gió ngày xưa đã qua trong cuộc đời.

Không biết đã bao chiều nắng tắt như vầy, Hiền đã ngồi đây, âm thầm nhìn ngôi nhà cũ dưới bóng mù u, nơi có người đàn bà cô độc mà mỗi mùa gió thổi thốc qua tóc lại điểm thêm nhiều sợi bạc.

Hiền muốn lẩn trốn, để quên nhưng gió cứ vô tình chạm vào thế giới riêng, đã lâu rồi, tưởng ngủ, không ngờ còn nghe buốt.

- Chị Tư nghĩ gì mà tối nay nằm ngoài võng mặt mày buồn hiu vậy?

- Nghĩ gì chị Bảy ơi, một thân một mình thì có gì để nghĩ!- dì Tư nói mà mắt thì khắc khoải nhìn những con gió đang rượt nhau trên mặt sông căng nước.

- Tui biết chị nhớ con Hiền. Mọi chuyện… kể ra cũng tại chị, con cái làm đúng thì không nói gì, đằng này nó sai, trăm bề sai, vậy mà chuyện gì chị cũng cam chịu.

Dì Tư nín thinh. Biết bà bạn hàng xóm đang buồn, đang nhớ đứa con gái xa nhà nên dì Bảy đánh lảng:

- Để kể chuyện này chị nghe, hồi sáng tui ra chợ thấy đám tang bà Tư tiệm vàng. Gia đình giàu có nên con cháu tổ chức rình rang, lớn chưa từng thấy luôn.

Người ta tổ chức ba, bốn ngày, đãi tiệc toàn những món ăn ngon, mua quan tài đắt tiền, mướn thợ khâm liệm, trang điểm, thuê đội kèn Tây có nhóm phục vụ ca nhạc, nhảy múa, ảo thuật. Sáng này là đưa tang, theo sau quan tài là cả đoàn xe mười mấy chiếc chạy vòng quanh thị xã để bả “chia tay” lần cuối với láng giềng.

Bà Tư tiệm vàng thiệt là có phước, hồi còn sống thì con cháu hòa thuận, hiếu thảo, ngày qua đời… được như vậy… Đúng là con người ta có số!

Dì Tư tặc lưỡi một hồi dài:

- Con người ta có số! Đúng rồi chị Bảy! Người ta là bà Tư tiệm vàng, còn tui… cũng thứ Tư- Tư bánh bò- khác nhau một trời một vực. Nói thiệt, bây giờ biểu tui chết, được chết y chang như vậy thì tui cũng cam lòng.

- Í, đừng nói gỡ bậy bạ không nên đâu chị Tư.

- Thiệt tình, bây giờ tui chỉ cầu mong tới ngày nhắm mắt, con Hiền ẵm con nó về đây, hai má con bịt cho tui miếng tang rồi đưa tui ra gò, vậy là mãn nguyện rồi.

- Bữa nay chắc chị bị sốt cao hay sao mà nãy giờ nói hoài, nói hủy mấy chuyện bậy bạ đâu đâu không hà!

- Có bệnh gì đâu. Hồi hôm tui nằm chiêm bao thấy con Hiền lúc còn nhỏ. Tui thấy rõ ràng nó mặc bộ đồ bông bi màu xanh đọt chuối, xách xô nước cốt dừa phụ tui đi bán bánh bò.

Nghe tui rao hàng, nó cũng bắt chước rao theo: “Ai… mua bánh bò, bánh cuối… nước cốt gừa khơm ngon… hông!…”, giọng của nó ngọng nghịu, đớt đát nghe dễ cưng lắm.

- Ừ, nó bắt chước chị vì giọng rao bánh của chị hồi trẻ nghe ngọt lịm như đường phèn vậy. Chị rao bằng giọng thiệt, không phát băng, đĩa như một số người bán hàng bây giờ. Mà… chị nhớ chi hoài mấy chuyện hồi đó, hồi con Hiền còn nhỏ. Nói chị đừng buồn, hơi đâu mà nhớ con nhỏ vô tình, vô nghĩa đó!

Nuôi con khôn lớn, cho trắng da dài tóc rồi đang tâm bỏ má ruột đi theo người cha nhiều tiền mà vô lương tâm của nó. Ngày lấy chồng giàu có, nó có nhìn chị không? Chị có được dự đám cưới, có uống được chung rượu và thằng rể kêu tiếng má bao giờ chưa? Không, không nghen chị!

- Thì… tại…

- Tại nó chê chị nghèo, chị đi bán bánh bò. Nó sĩ diện nên giới thiệu với nhà chồng má nó là bà chủ cửa hàng trang trí nội thất, nhưng nó lại quên người đàn bà đó chính là kẻ thứ ba, mười mấy năm trước đã nhẫn tâm cướp mất người cha tham tiền của nó. Mà... ủa, bán bánh bò thì có gì đáng xấu hổ?

- Thôi đi chị Bảy! Tui biết chị thương cho hoàn cảnh của tui nên mới nói vậy. Dù sao… nó cũng là đứa con mà tui đã rứt ruột đẻ đau. Mẹ già con mọn, tui thương nó hơn bất cứ thứ gì trên đời.

Chuyện nhà người ta, dì Bảy biết mình nói hơi nhiều nhưng xem chừng không nuốt nổi cục tức này nên tiếp luôn:

- Sẵn bữa nay nhắc chuyện con Hiền, chị để tui nói hết cho hả hơi. Tháng trước, tui đi thăm đứa cháu ở Mỹ Tho, vừa bước xuống bến xe thì gặp con Hiền.

Mắt dì Tư chợt sáng long lanh:

- Thiệt vậy hả chị? Con Hiền… nó… nó có khỏe không? Nó… nó mập hay ốm vậy chị?

- Đó, đó, nhắc tới con nhỏ mắc ghét đó là mắt chị sáng hơn đèn xe hơi luôn. Lấy chồng giàu, sức khỏe của nó chị không cần phải lo.

Đáng nói là khi nghe tui hỏi sao mầy không ẵm con về quê chơi một bữa để bà ngoại biết mặt thằng cháu, con Hiền nói tỉnh queo: “Chiều tối ở dưới quê muỗi mòng không hà, với lại má hay đốt mẻ un con sợ thằng nhỏ bị viêm mũi”.

Không dằn được, tui chửi: “Chê muỗi nhiều, hồi nhỏ mầy sống ở đâu? Hồi đó, mầy ngửi mùi mẻ un mỗi ngày mà lớn khôn bằng này
đó con!”

Dì Tư im lặng, có tiếng con chim trên dạt tràm kêu lẻ loi, cô độc.

Ngồi núp ở bụi bình bát bên hè, nghe trọn vẹn lời tâm tình của hai bà bạn hàng xóm, Hiền nghẹn ngào kìm những giọt nước mắt.

Má ơi, sự thể đã như vầy sao má vẫn còn thương và lo lắng cho con. Chẳng thà má cứ chửi, cứ trách mắng đứa con gái hư đốn này đi, để má nguôi giận, để con còn có thể thở được, nếu không con sẽ chết mất. Con sai, đã biết mình trăm vạn lần sai rồi.

Nhiều lần con muốn quay đầu, nhưng sẽ quay lại bằng cách nào đây má? Viện cớ với dì Bảy là vậy nhưng làm sao con có thể quên được mùi vỏ quýt, vỏ bưởi từ mẻ un của má. Muốn đưa cháu ngoại về thăm má không chỉ một lần để nó được bà ngoại bồng ẵm, nựng nịu, nhưng… con sợ mọi chuyện sẽ đổ bể.

Từ khi biết mang nặng đẻ đau, lúc bé ấm đầu, khóc đêm rồi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên trong đời, con mới hiểu hết tình mẫu tử. Nhiều đêm, nhìn đứa con bé bỏng đang ngon giấc, con thấy nó hồn nhiên, đáng yêu như một thiên thần nhỏ.

Có lẽ con cũng từng là thiên thần dễ thương trong lòng má, nhưng giờ đây… con thấy mình không khác gì ác quỷ. Bây giờ con đã lấy chồng giàu, giàu thì được gì hở má khi phải dối lòng để quên đi người thân, quên, quên tất cả những gì thuộc về quá khứ.

Nhưng có những chuyện không bao giờ Hiền quên, nhất là vào những đêm gió ngoài kinh cứ thao thức hoài như vầy, giống hệt những đêm dài hai má con thao thức cùng gió chờ ba quay về.

Và có những đêm khuya gió bấc lạnh đến cắt da, Hiền trở mình nghe tiếng nạo dừa cồm cộp của má, rồi không bao lâu mùi thơm của những ổ bánh bò, bánh chuối bắt đầu lan tỏa đến phát thèm.

Sáng sớm, má chèo ghe chở Hiền ra chợ bán bánh, dọc bờ kinh bông tràm nở từng chùm trắng phau. Gió thổi ngược, nhìn má nhọc nhằn đẩy mái chèo, dáng liêu xiêu như hàng cau trước nhà, Hiền chợt nhận ra mái tóc đã trộn muối tiêu của má. Má già rồi sao? Cũng phải, lúc Hiền chỉ mới lên chín, lên mười thì má đã bước qua tuổi năm mươi.

Vì vậy, có những hôm hai má con bán bánh ngoài chợ, mấy bà khách dẻo miệng hay hỏi thăm nghe trớt quớt: “Sáng giờ hai bà cháu bán được hông?”, “Con nhỏ nhìn dễ cưng quá! Là cháu nội hay cháu ngoại vậy dì?”,…

Những đêm mưa dầm, gió từ kinh thổi thốc lên, bao kèo cột trong mái lá liêu xiêu vặn mình nghe ken két. Dì Tư ngồi ở bộ ván, không ngủ được, lưng chùn xuống, vai run nhẹ.

Hiền vén mùng bước đến bên bóp nhẹ vào đôi vai gầy gò: “Sao má khóc vậy? Lớn lên con sẽ cố gắng kiếm thiệt nhiều tiền xây căn nhà đẹp để má không phải thức khuya dậy sớm làm bánh bò, bánh chuối, má hen!”

Người mẹ vỗ nhẹ vào đầu đứa con gái: “Thôi, tui hổng cần tiền đâu cô ơi! Mới chừng tuổi này, lo học hành cho đàng hoàng sau này có công việc ổn định, không phải chật vật như đời má là được, là má vui rồi!”

Hai mươi bốn tuổi, Hiền lấy chồng cũng ngay mùa gió bấc năm ấy không cắt da nhưng lại cứa vào lòng người nỗi xốn xang. Đám cưới, cái đám cưới đãi tiệc ở nhà hàng sang trọng nhưng Hiền thấy nó lạt nhách lạt nhiễu vì chủ hôn nhà gái không phải là người đàn bà đã tần tảo nuôi cô nên vóc nên người. Biết buồn ai và trách ai vì đây là con đường mà chính cô đã chọn.

Và… kể từ mùa gió bấc năm ấy, có người đàn bà cứ chiều chiều lại ra bến ngóng trông đến mỏi mòn. Ông bà thường bảo: “Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quện nó đi”, dì Tư không nuôi nhện, Hiền là đứa con gái mà dì đã rứt ruột sinh ra.

Con lấy chồng đặng chỗ giàu sang, nhiều lần nó âm thầm gởi tiền về cho dì. Tiền của nó, dù cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng dì vẫn giữ vẹn nguyên trong tủ, chắc đứa con gái không biết rằng thứ dì đang cần không phải là tiền.

Nhiều lần dì cầm xấp tiền trên tay mà lẩm bẩm: “Con gái à, tiền đâu phải là trên hết, là tất cả đâu con!” Dì nghe đắng đót trong lòng nên cứ nói hoài, lẩm bẩm hoài như kẻ tâm thần.

Dì Bảy bỏ thêm miếng vỏ quýt vô mẻ un:

- Bữa nay… hình như chị Tư không được khỏe? Nếu thấy không ổn thì sáng mai tui biểu thằng Bé Ba lấy vỏ lãi chở chị ra chợ, tới bác sĩ chớ đừng có ráng. Bây giờ tui về bển, kêu con Bé Năm qua ngủ với chị, dì cháu có nhau. Già rồi, đêm hôm ngủ một mình lỡ có bề gì…

Dì Tư cười gượng:

- Cảm ơn chị! Đừng biểu con Năm qua đây, tui… hổng sao đâu.

Dì Bảy bước ra sân, tặc lưỡi, lắc đầu:

- Ây da, thiệt là... tui rầu cho chị muốn chết! Thôi thì thôi! Chị thì cứ vậy hoài, chỗ láng giềng mà khách sáo chi hổng biết!

Tấm lòng của bà dì hàng xóm, không ruột rà làm Hiền thấy hổ thẹn trong lòng. Má ơi, mấy năm nay con sống bên chồng mà lòng có được vui, được thanh thản chút nào đâu.

Sống mà cứ phải thấp thỏm che giấu thân phận, cội nguồn, phải để chồng gọi người dưng là má vợ, để con mình kêu người dưng nước lã là bà ngoại. Mỗi năm đến ngày tết, vợ chồng con về quê, không phải nơi con được sinh ra và lớn lên, cúi đầu làm lễ với ông bà, cũng không phải trước bàn thờ của ngoại.

Buồn cười đến rơi nước mắt phải không má? Chưa hết, mỗi lần muốn về thăm má, con phải lừa chồng, dối con, khi thì đám cưới nhỏ bạn ở quê, khi thì sinh nhật con của đứa bạn thân,…

Biết là nhà của mình, má của mình mà chỉ dám đứng từ xa hoặc rình rập bên hè như kẻ trộm, căng mắt trong màn đêm để nhìn rồi âm thầm ra chợ kiếm nhà trọ ngủ qua đêm trong nghẹn ngào đau xót.

Chiếc võng ngừng đưa. Biết dì Tư đã ngủ quên ngoài võng, Hiền rón rén bước đến cạnh bên nhìn gương mặt, mái tóc và thân thể gầy gò của đấng sinh thành bằng đôi mắt ướt đẫm.

Năm nay, người mẹ đã già đi rất nhiều. Những vết nhăn sâu hoắm của cuộc đời chật vật, đau khổ vì chồng con như những nhát dao cứa vào lòng cô con gái đến rỉ máu. Đêm nay, bấc không nhiều mà nghe rát tận xương.

Trong phút chốc không kìm được lòng, cô gạt nước mắt ngồi xuống cạnh võng, tay run run sờ nhẹ vào người mẹ già.

Đôi tay người mẹ lạnh buốt nhưng lòng Hiền chợt nghe ấm tựa hồ hồi cái tuổi lên chín, lên mười của hai mươi năm về trước. Má ơi, cáo chết ba năm còn quay đầu về núi. Con cũng vậy, sẽ quay đầu khi chưa quá muộn.

Hiền giật thót tim vì một đôi tay gầy guộc chợt ôm chặt lấy cô, mạnh mẽ đến độ dù cố giãy giụa, phản kháng vẫn không sao thoát được.

- Hiền! Con là Hiền? Đúng là con Hiền của má đây rồi!

Nghe tiếng kêu thảng thốt bằng giọng nức nở, lòng Hiền chợt mềm nhũn như không còn sức lực. Cô gục đầu vào lòng người đàn bà, nức nở:

- Ngày mai con sẽ ẵm bé về đây, trong vòng tay yêu thương của bà ngoại. Má ơi, hãy tha thứ, tha thứ cho con, nghen má!

Dì Tư nới lỏng vòng tay, nghẹn ngào:

- Đừng, đừng con ơi! Còn hạnh phúc của con, gia đình của con... Với má, như vầy là quá đủ rồi.

- Má ơi, con phải sống thật với lòng mình, phải thú thật tất cả với chồng dù sự việc có ra sao.

Ngoài kinh, gió bấc lại thổi, thổn thức cùng tiếng nức nở của hai mẹ con sau bao năm xa cách.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh