Phim truyền hình Việt năm 2020: Không có "bom tấn" nhưng nhiều "món ngon"

11:01, 01/01/2021

Thiếu vắng "bom tấn", vẫn khan hiếm kịch bản hay, song phim truyền hình Việt có lẽ là một trong những điểm sáng hiếm hoi của đời sống giải trí trong bối cảnh dịch bệnh.

Thiếu vắng “bom tấn”, vẫn khan hiếm kịch bản hay, song phim truyền hình Việt có lẽ là một trong những điểm sáng hiếm hoi của đời sống giải trí trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong năm 2020, “bóng ma” Covid-19 phủ mờ lên mọi lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, du lịch… và văn hoá-giải trí cũng không ngoại lệ.

Các sân khấu kịch, rạp phim… đóng cửa vì lệnh cách ly xã hội, hàng loạt dự án phim điện ảnh rời ngày ra rạp, nghệ sĩ gần như không có nguồn thu nào, thậm chí nhiều người phải chuyển sang làm vlog, bán hàng online, livestream… để có thêm thu nhập.

Phim truyền hình không vì thế mà giảm nhiệt. Không thể di chuyển, hạn chế tiếp xúc, có những thời điểm sống giữa dịch bệnh, để giải trí, người ta chỉ có thể tìm đến Internet và xem tivi.

Bất chấp điều kiện quay thiếu thốn, khó tìm bối cảnh, khó di chuyển, hàng loạt các bộ phim truyền hình nối sóng đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, phản ánh mọi lĩnh vực, vấn đề nóng của đời sống, xã hội. Đây là một nỗ lực đáng khen của nhà sản xuất, đoàn phim và nghệ sĩ.

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim "Những ngày không quên".

Nhạy bén và nắm bắt nhanh thời sự, ngay đầu năm 2020, VFC sản xuất bộ phim “Những ngày không quên” giữa đỉnh dịch Covid-19. Phim kết hợp giữa dàn nhân vật của “Cô gái nhà người ta” và “Về nhà đi con”, tái hiện đời sống hai không gian điển hình thành phố và nông thôn khi dịch bệnh ập đến.

Bên cạnh diễn tiến tình cảm phức tạp của các mối quan hệ trong phim, những vấn đề nhức nhối của xã hội đều được đề cập: đổ xô đi tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tung tin giả, trốn cách ly...

Nhưng quan trọng hơn, "Những ngày không quên" làm nổi lên câu chuyện về tình người, về ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, về sự đoàn kết và chung tay, sự tri ân với những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Mặc dù không tham gia tranh giả Cánh diều 2019 song phim đã nhận được bằng khen đặc biệt của Hội Điện Ảnh.

Ngoài ra, đơn vị sản xuất bộ phim là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cũng nhận được Bằng khen của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Một trong những bộ phim được đánh giá cao trong 2020 là “Sinh tử” – phim màu sắc hình sự, điều tra với chủ đề nóng là tội phạm, tham nhũng và lợi ích nhóm. Cùng màu sắc với “Sinh tử” là “Kẻ sát nhân cô độc” khai thác đề tài tâm lý tội phạm. Tiết tấu nhanh, kịch bản hấp dẫn, nhiều tầng lớp, diễn viên tốt là những ưu điểm của hai bộ phim này.

Chí Nhân và Quỳnh Nga trong
Chí Nhân và Quỳnh Nga trong "Sinh tử".

Góp mặt trong thực đơn giải trí là màu sắc nhẹ nhàng, hài hước của bộ phim “Cô gái nhà người ta” thuộc thể loại tình cảm, hài hước, xoay quanh chuyện tình yêu, lập nghiệp của người trẻ ở nông thôn.

Bộ phim “Đừng bắt em phải quên” khai thác đề tài tình yêu, hôn nhân, chuyện ngoại tình… từng gây nhiều tranh cãi song cũng là tác phẩm nhận được nhiều sự chú ý.

Bộ phim remake “Nhà trọ Balanha” (làm lại từ bộ phim Hàn Quốc “Welcome to Waikiki”) nhận được nhiều yêu mến của khán giả. Mặc dù sức công phá không bằng các “bom tấn” trước đó của VFC như “Về nhà đi con” hay “Quỳnh búp bê” song “Nhà trọ Balanha” được đánh giá cao vì mang đến những phút giây thư giãn, nhẹ nhàng, thoải mái cho khán giả.

Cũng từ bộ phim này, Xuân Nghị thoát mác “Mr Cần Trô”, ngày càng khẳng định được thực lực và trở thành một trong những nam diễn viên đột phá nhất màn ảnh nhỏ.

“Tình yêu và tham vọng” cũng là một bộ phim remake khác của VFC. Theo nhà sản xuất, đây là một trong số những bộ phim có lịch sản xuất trùng với dịch bệnh Covid-19. Chính điều đó khiến bối cảnh phim bị hạn chế, nhiều nơi từ chối ghi hình, nên đoàn phim phải cắt bỏ nhiều cảnh quan trọng.

Phim bị chê dài dòng, lê thê, biên kịch xây dựng nhân vật nhạt nhòa, thiếu cá tính, Việt hoá chưa mềm mại, song với dàn diễn viên đẹp, có thực lực, mô-típ drama cao trào, đây vẫn là một trong những bộ phim nổi bật trong năm 2020.

Phim
Phim "Cát đỏ" của Lưu Trọng Ninh.

Không thể không kể đến “Cát đỏ” của đạo diễn gạo cội Lưu Trọng Ninh với màu sắc khác hẳn các bộ phim còn lại. Phim mang đến câu chuyện về thân phận con người gắn bó với miền cát trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc.

Phim đi thẳng vào góc khuất trong đời sống: chuyện chửa hoang của phụ nữ có phần trần trụi với cách kể chuyện bình dị, gần gũi; cảnh quay đẹp như thơ và dàn diễn viên tươi mới, thực lực.

Ngoài ra còn có “Lửa ấm” nói về ngành y và ngành phòng cháy chữa cháy, “Trói buộc yêu thương” với câu chuyện mâu thuẫn thế hệ và tình cảm gia đình, “Lựa chọn số phận” với đề tài về ngành Toà án nhân dân, “Luật trời” truyền tải thông điệp “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” nói về số phận của những con người trong xã hội xưa…

“Hướng dương ngược nắng” và “Hồ sơ cá sấu” là hai bộ phim chốt sổ năm 2020. Vẫn đang phát sóng song cả hai bộ phim nhận được nhiều phản hồi tốt của khán giả với kịch bản hay, tình tiết nhanh và dàn diễn viên có thực lực.

Năm 2020 cũng đánh dấu những gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ không ngần ngại tự làm mới mình: Thanh Sơn thoát mác “bình hoa di động” với “Đừng bắt em phải quên”, Mạnh Trường không còn nhạt nhoà, lột xác thành giám đốc đa mưu, đầy tham vọng, thủ đoạn trong “Tình yêu và tham vọng”…, hay sự trở lại của NSND Thu Hà trong “Hướng dương ngược nắng”, Kiều Anh, Ngọc Quỳnh trong “Hồ sơ cá sấu”…

Kiều Anh tái xuất sau nhiều năm vắng bóng màn ảnh nhỏ với
Kiều Anh tái xuất sau nhiều năm vắng bóng màn ảnh nhỏ với "Hồ sơ cá sấu".

 

Một cảnh trong
Một cảnh trong "Luật trời".

Mặc dù đề tài phim truyền hình Việt đã nỗ lực để có màu sắc riêng, đề cập đến mọi góc cạnh của đời sống tuy nhiên, đa số các phim vẫn đi theo mô-típ quen thuộc như: trả thù, tranh giành quyền lợi, thủ đoạn đấu đá trong công ty, ngoại tình, tình tay ba…

Nguồn cung kịch bản phim truyền hình tốt vẫn luôn là một áp lực với các đạo diễn, bởi một kịch bản hay chiếm tới 60% sự thành công của phim. Đạo diễn Mai Hiền (phim “Hồ sơ cá sấu") chia sẻ: “Thực ra lực lượng viết kịch bản của VFC rất đa dạng, hùng hậu, số lượng kịch bản cũng rất nhiều, nhưng phải nói rằng để có thể cầm mà đi quay ngay là không có.

Chúng tôi vẫn thường nói riêng với nhau ở VFC: thực ra cái “mùi” phim khá là riêng nên một số tác giả chưa bắt kịp, chưa cập nhật được”.

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim "Đừng bắt em phải quên".

Chất lượng các phim dàn đều, trung bình, một số phim nhận được lời khen như “Nhà trọ Balanha”… song phải nhìn nhận thẳng thắn là chưa có phim nào bật hẳn lên tạo thành “bom tấn” như “Về nhà đi con”, “Quỳnh búp bê” hay “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ 1” như những năm trước đó.

Hạn chế về kịch bản, xây dựng cốt truyền dài dòng, lê thê khiến mạch phim bất hợp lý, rời rạc, lủng củng. Đa số phim hay mắc lỗi đẩy tình huống lên kịch tính, cao trào sau đó giải quyết bằng cái kết hụt hẫng gây nhiều ức chế cho khán giả.

Khép lại một năm 2020 đầy khó khăn song vẫn có những dấu ấn nhất định, phim truyền hình đang tự khẳng định mình là món ăn ngon không thể thiếu trên thực đơn giải trí cạnh tranh với các loại hình khác./.

Tfheo Tố Uyên/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh