"Láng" là từ Nôm, chỉ vùng địa hình trũng tự nhiên không sâu nhưng khá rộng, có nước đọng, nước không chảy, có những thực vật hoang dại đua nhau mọc, có nhiều tôm cá, cua tép tụ về sinh sôi nẩy nở, sát bên đường nước chảy nên do nước tràn lên làm ngập nước hoặc ẩm thấp quanh năm.
(VLO) “Láng” là từ Nôm, chỉ vùng địa hình trũng tự nhiên không sâu nhưng khá rộng, có nước đọng, nước không chảy, có những thực vật hoang dại đua nhau mọc, có nhiều tôm cá, cua tép tụ về sinh sôi nẩy nở, sát bên đường nước chảy nên do nước tràn lên làm ngập nước hoặc ẩm thấp quanh năm. Về chữ viết gồm chữ “Lãng” (chữ Hán) có nghĩa là “sáng”, bộ “thủy”.
Phần lớn làng xã ở Nam Bộ đều nằm hai bên bờ sông rạch. Từ đây dẫn đến một đặc điểm là đặt tên địa danh gắn liền với sông nước, thể hiện tính dân dã, trong đó địa danh có từ ngữ sông nước kết hợp với danh từ chỉ động vật như địa danh Láng Le ở Đức Hòa (Long An) trước đây là căn cứ kháng chiến, nay được công nhận khu di tích lịch sử, là địa chỉ tham quan du lịch, được gọi như vậy vì ở láng này có nhiều chim le le, loài chim “lưỡng năng” vừa bay vừa lội tìm đến trú ngụ, kiếm tìm nguồn thủy sản làm thức ăn và đẻ.
Le le một dạng vịt trời, nhỏ con, lông có màu tối. Vùng Khánh Hội (Quận 4- TP Hồ Chí Minh) xưa kia được gọi là “Láng Thọ” vì có những chỗ ngập nước do sông Sài Gòn tràn lên. Người Pháp phát âm Láng Thọ thành “Lăng Tô”, một địa danh rất phổ biến thời Pháp thuộc.
“Láng Linh” vừa là một cụm từ, lại có nghĩa như một từ láy, đồng thời cũng một danh từ định danh của phương ngữ Nam Bộ.
“Linh” có nghĩa là “linh láng”, ý chỉ một vùng ruộng trũng bao la có nước ngập linh láng, không còn thấy gò nổng, bờ bãi, bao gồm nhiều xã: Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú thuộc huyện Châu Phú (An Giang).
“Linh” còn có nghĩa “linh thiêng”, ý chỉ vùng đất linh thiêng được nghĩa quân chọn làm căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp, thuộc huyện Châu Phú của Quản cơ Trần Văn Thành với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa- Láng Linh (1867- 1873). “Láng Thé” thì thành tố “thé” không có nghĩa.
Tiếng Khmer gọi “Tonles Kanlen Sè”, phiên âm “Láng Thé”, được giải nghĩa là “sông có nhiều bọ chét cắn ngựa”.
“Láng Thé” là cách hình thành địa danh theo con đường dân gian, theo thói quen của người địa phương, lâu ngày trở thành địa danh hành chánh được thừa nhận trên phương diện quản lý nhà nước. “Láng Tròn” thuộc TX Giá Rai (Bạc Liêu).
“Láng Dài” thuộc huyện Đất Đỏ (Bà Rịa- Vũng Tàu). Đặc trưng hình dạng “tròn” và “dài” được dùng làm thành tố chỉ đặc trưng của láng. Ngoài ra, còn có yếu tố chỉ thực vật như “tranh, sen…”; yếu tố động vật có “le le, cò”, yếu tố tính chất địa hình có “cát, núi”, yếu tố chỉ tính chất của nước gắn với địa hình có “biển, linh…”
“Láng” là từ đơn vì do một hình vị “láng” cấu tạo thành và đây là từ đơn có ý nghĩa từ vựng, còn gọi là thực từ, gồm các loại từ như danh từ chỉ đầm, đìa, cánh đồng thấp, thứ vải có mặt bóng, động từ như làm cho nhẵn bóng bằng cách phủ lên bề mặt một lớp vật liệu.
Thí dụ: đường láng nhựa, mặt sân láng xi măng, nước tràn một ít lên khắp bề mặt, là tính từ chỉ tính chất nhẵn bóng, thí dụ đôi giày da láng. Đây là sự chuyển loại từ. Một từ chuyển loại được quy định bởi 2 yếu tố: yếu tố từ pháp và yếu tố ngữ pháp. Chính trong ngữ cảnh, chúng ta có thể phân biệt một từ nào đó là danh từ hay động từ.
Không thể nói là có “một từ nhiều loại”. Khi có hiện tượng chuyển loại là có những từ đồng âm khác nghĩa nhau. Khi có hiện tượng chuyển loại thì có hiện tượng biến đổi về nghĩa chẳng hạn như danh từ láng chỉ cánh đồng thấp và động từ láng chỉ làm cho nhẵn bóng.
Danh từ láng chuyển sang tính từ như nhẵn bóng, thí dụ như đôi giày da láng. Phương thức tạo từ này gọi là “từ hóa hình vị” là phương thức tác động vào bản thân hình vị “láng” làm cho nó có đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa của từ, biến hình vị “láng” thành từ “láng” mà không thêm bớt gì cả vào hình thức
của nó.
Phần lớn các từ đơn có ý nghĩa từ vựng trong tiếng Việt đều trở thành những đơn vị gốc tạo nên những từ ghép. Thí dụ như động từ “láng cháng”, danh từ như “láng giềng”, tính từ như “láng bóng, láng coóng, láng o, láng uyên”.
Từ láng có thêm phần hậu tố đứng sau gọi là từ ghép vì những từ này do 2 hình vị trở lên cấu tạo thành, có ý nghĩa từ vựng và có khả năng hoạt động độc lập tạo thành, có tính vững chắc về cấu tạo và tính hoàn chỉnh về ngữ nghĩa.
Từ ghép “láng cháng” là động từ, có nghĩa là dừng lại, ghé lại chỗ này một chút rồi đến chỗ kia một chút, thời gian ghé lại ngắn và không có mục đích rõ ràng.
Ở đây mỗi từ là một trường hợp riêng rẽ, không có hình vị chỉ loại lớn chung với từ kia, không phải là một loại nhỏ trong một loại lớn, mặc dù “láng cháng” được hình thành trên quan hệ đẳng lập. Láng cháng là từ ghép biệt lập, là phương ngữ và dùng trong khẩu ngữ.
Từ ghép “láng giềng” là danh từ chỉ người ở nhà bên cạnh trong quan hệ hàng xóm với nhau. Tục ngữ có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” có lẽ ra đời từ tập quán canh tác lúa nước của người Việt (dùng trong ngôn ngữ văn học).
Từ ghép “láng máng” thuộc từ loại tính từ, nói về nhận thức, tiếp thu vấn đề nào đó chỉ được từng phần, rời rạc, không đầy đủ, rõ ràng (dùng trong ngôn ngữ
văn học).
Các từ ghép láng bóng, láng coóng, láng o, láng uyên, láng mướt là tính từ, thuộc phương ngữ Nam Bộ, dùng trong khẩu ngữ.
“Láng bóng” là nhẵn đến mức phản chiếu được ánh sáng, thí dụ giày da láng bóng. Biểu thị thái độ nhã nhặn trong giao tiếp: Anh tư đầu chải dầu láng bóng. “Láng coóng” là bóng láng lên, trông như còn mới tinh, thí dụ chiếc xe này láng coóng.
Có thể dùng để biểu thị thái độ kém trang trọng, thí dụ: ủi đồ láng coóng hoặc dùng để trêu trọc, biểu thị thái độ với đối tượng giao tiếp, thí dụ như một anh nông dân làm ruộng luôn làm ẩu, cấy mà đất còn cỏ, không bằng phẳng mà năm nay dọn đất sạch sẽ: Dọn đất láng coóng ta. Có thể dùng chủ ngữ, thí dụ: Chị Lan ủi đồ láng coóng, anh Minh dọn đất láng coóng.
“Láng uyên” chỉ sự nhẵn, bóng trong trường hợp có dấu tích nhưng dấu tích này không gây biến dạng địa hình của nó, dấu tích chưa làm thay đổi hay mất đi nguyên trạng nó đã làm, gây ra hoặc chỉ hành động, cử chỉ xấu, sai phạm vừa mới khuất mất, vừa qua đi.
Thí dụ: Mặt đất láng uyên đâu có dấu chân, tay gì! “Láng o, láng mướt” có chức năng biểu thái, tỏ thái độ đối với người giao tiếp hoặc thực tế khách quan nói đến.
TRẦN MƯỜI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin