Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Người đã về cõi trăm năm

05:01, 09/01/2021

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo- bậc đại thụ sau cùng của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 7/1/2021 tại quê nhà ở Đồng Tháp.

 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là bậc đại thụ mà các thế hệ yêu nhạc dân tộc kính trọng. Trong ảnh: Anh Trương Tài Linh đến chúc tết và đàn cho nhạc sư nghe. Ảnh của Trương Tài Linh
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là bậc đại thụ mà các thế hệ yêu nhạc dân tộc kính trọng. Trong ảnh: Anh Trương Tài Linh đến chúc tết và đàn cho nhạc sư nghe. Ảnh của Trương Tài Linh

(VLO) Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo- bậc đại thụ sau cùng của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 7/1/2021 tại quê nhà ở Đồng Tháp.

104 năm cuộc đời, nhạc sư đã dành gần 1 thế kỷ gắn bó với tiếng đàn dân tộc, góp phần để đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mang hình ảnh, tiếng đàn quê hương tạo dấu ấn ở quốc tế.

Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Ông vừa là nhạc sư, nhạc sĩ tài hoa, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống trong nước và thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới.

5 tuổi, cậu bé Vĩnh Bảo đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Từ năm 1955 đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và là Trưởng Ban Cổ nhạc miền Nam tại Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.

 Ông đã đi diễn thuyết, giới thiệu và trình tấu âm nhạc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa nhạc Nhạc tài tử Nam Bộ tại Pháp. Năm 1970- 1972, ông là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại ĐH Illinois (Mỹ).

Ông đã nhận giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng Phan Chu Trinh, được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Bội tinh nghệ thuật và văn hóa.

Nhạc sư Vĩnh Bảo thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nhật,... Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nhạc sư cao tuổi nhất dạy âm nhạc trực tuyến cho học trò qua internet”.

Những năm tháng cuối đời, nhạc sư Vĩnh Bảo được tỉnh Đồng Tháp mời về tỉnh nhà sinh sống. Ông và cô con gái Thu Anh đã tổ chức những buổi nói chuyện, sinh hoạt đờn ca tài tử tại tư gia. Ông duy trì việc dạy đàn online cho các học sinh ở khắp nơi trên thế giới.

Trước khi lâm trọng bệnh, học trò đến thăm ông vẫn nói chuyện rất rành rẽ về đờn ca tài tử, vẫn cầm đàn hòa tấu đầy say mê với học trò. 

Nhạc sư để lại ấn tượng với mọi người bởi trí tuệ uyên bác, minh mẫn, phong thái duyên dáng, dí dỏm. Dù cao tuổi nhưng ông nhớ rõ ràng từng cảnh vật, từng việc, từng người từ mấy mươi năm trước.

Ông thể hiện ngón đàn điêu luyện trong những đêm trò chuyện về âm nhạc và trong những câu chuyện ông nói không chỉ là âm nhạc, mà luôn lắng đọng tình yêu quê hương, những triết lý cuộc đời.

Ở tuổi 28, nhạc công Trương Tài Linh gắn bó với nhạc cụ dân tộc hơn 10 năm. Với anh, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là bậc đại thụ mà anh kính trọng nhất. Anh mãi mãi không quên buổi sáng mùng 3 đến chúc tết nhạc sư Vĩnh Bảo và đàn cho nhạc sư nghe.

“Lần đó tôi gặp thầy ở Sài Gòn, thầy tài hoa mà khiêm nhường, đôn hậu. Thầy được xem là người đi suốt chiều dài phát triển của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Thầy là người phát triển cây đàn tranh từ 16 dây lên 19, 21 dây.

Nhờ cải tiến đó mà cây đàn tranh khắc phục được những khuyết điểm trước đó của nó. Suốt cuộc đời của thầy luôn cống hiến và phụng sự cho âm nhạc dân tộc, thầy mất đi là một tổn thất rất lớn cho nghệ thuật dân tộc Việt Nam”- anh Trương Tài Linh chia sẻ.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã lan tỏa tinh hoa, cốt cách dân tộc ra khắp bốn phương trời. Nhưng nhiều hơn thế nữa, người nghệ nhân thanh cao còn đem đến cho cuộc đời những “bài học làm người”.

Không thể ngăn dòng chảy thời gian, ông trở về cõi trăm năm nhưng di sản mà ông để lại mãi được ghi dấu và tình yêu, sự kính trọng đối với ông mãi mãi trong tim những người yêu nhạc dân tộc.

PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh