Vĩnh Long luôn có chỗ đứng đặc biệt trong tâm trí tôi- một người không sinh sống ở đây nhưng đã nhiều lần được đặt chân đến. Tôi ấn tượng về cuộc sống sôi động mà bình yên, con người có thể sống nhanh nhưng nghĩa tình, thân ái.
Vĩnh Long luôn có chỗ đứng đặc biệt trong tâm trí tôi- một người không sinh sống ở đây nhưng đã nhiều lần được đặt chân đến. Tôi ấn tượng về cuộc sống sôi động mà bình yên, con người có thể sống nhanh nhưng nghĩa tình, thân ái.
Trong đó phải kể đến tình đoàn kết của các cộng đồng dân cư, dù phong tục, tập quán, văn hóa có khác nhau nhưng đã sống trên mảnh đất Vĩnh Long thì luôn đùm bọc, yêu thương nhau.
Có lần, tôi đến TP Vĩnh Long để tham dự một chương trình giao lưu văn nghệ. Đoàn chúng tôi có hai cô bạn và một anh chàng người Hoa. Vốn nhạy cảm với những vấn đề dân tộc, tôi cố không nhắc gì đến nhưng lạ thay, mấy bạn đó lại rất phóng khoáng, thoải mái.
Không khí hòa đồng, thân ái ấy thật ấn tượng, đem đến cho tôi muôn vàn cảm xúc, hòa vào làm một, tạo thành bức tranh văn hóa sống động. Họ hát vang những bài hát song ngữ tiếng Việt và tiếng Hoa, lời nào cũng hay, tình cảm dạt dào. Có lẽ, cái tính phóng khoáng đó đã được hình thành, vun đắp từ những năm tháng sống ở Vĩnh Long. Đúng, họ vốn là người Vĩnh Long cơ mà.
Tôi đã có thời gian được sinh sống và làm việc trong không khí tràn đầy tình bạn, tràn đầy màu sắc văn hóa ấy. Chính vì thế, chúng tôi mới có chuyện để nói với nhau. “Người Hoa bọn tớ có thể ăn hoành thánh cả tuần”, rồi “Sao cậu không thử há cảo chính hiệu, bảo đảm cậu sẽ thích mê, ra Hà Nội lại nhớ cho coi”.
Đấy, chính sự khác nhau về văn hóa càng tạo cho người ta cảm giác xích lại gần nhau hơn, tha hồ chia sẻ với nhau nhiều hơn. Người Vĩnh Long dễ thương là vậy, đối với bạn bè luôn nhiệt tình hết mình.
Họ nói ra điều đó với lòng tự hào ghê lắm, dù là người dân tộc nào, đến từ đâu nhưng một khi đã lớn lên, đã sinh sống ở Vĩnh Long thì hòa nhập với nhịp sống Vĩnh Long một cách dễ dàng. Đó là điều đặc biệt của vùng đất này. Vĩnh Long càng phát triển thì cuộc sống càng phải tiến lên và con người càng gắn bó bền chặt với
nhau hơn.
Bạn kể với tôi, cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ cũng như ở Vĩnh Long có mặt ở đây từ lâu lắm rồi. Người Hoa ở nước mình vốn có mặt từ thời chúa Nguyễn, do không thần phục nhà Thanh (Trung Hoa) nên đến xin nhập cư vào nước ta. Được chấp thuận, bà con người Hoa cùng với những cộng đồng dân tộc khác hợp sức cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước. Họ luôn coi mình là người Việt Nam.
Ở Vĩnh Long, cộng đồng người Hoa sống chan hòa với các dân tộc anh em, thực hiện phương châm “bình đẳng, đoàn kết, ổn định và phát triển”. Giờ đây Việt Nam là quê hương thứ hai của họ.
Khi tôi viết bài này thì cũng sắp đến Tết Nguyên đán. Ngày đó, cứ tưởng người Hoa đón Tết Nguyên đán giống với dân tộc Kinh, nhưng tôi lại đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Được thấy các bạn làm các lễ đón tết, tôi cảm thấy có thứ gì đó thật thân thương. Nhịp sống xô bồ, ồn ã không làm họ quên tập tục của dân tộc.
Tập quán của người Hoa có những nét rất giống với người Kinh, nhưng họ vẫn duy trì những điểm khác biệt. Cúng ông Táo xong, một bạn đưa tôi quả quýt rồi giải thích ý nghĩa đó là tượng trưng cho “cát”, tức là hy vọng sẽ mang may mắn đến cho gia đình.
Như cậu bạn người Hoa đã khẳng định chắc nịch: “Tớ là người Việt Nam”, cộng đồng người Hoa đã góp phần tạo nên sự phong phú về văn hóa cho đất nước, đóng góp một phần không nhỏ cho kinh tế Vĩnh Long phát triển. Họ cùng đồng bào các dân tộc đã đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Vĩnh Long là vậy, đủ cả các cộng đồng dân cư, và đó là vẻ đẹp của Vĩnh Long.
ĐINH THÀNH TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin