Còn nhớ, khoảng 30 năm có hơn, con sông cái lớn thuộc cù lao An Bình nó rộng lắm. Mẹ tôi nói hồi trào Pháp tàu lớn hay chạy vào con sông này chở lính đi ruồng bố, bắt lính. Tôi không biết nhưng tin.
(VLO) Còn nhớ, khoảng 30 năm có hơn, con sông cái lớn thuộc cù lao An Bình nó rộng lắm. Mẹ tôi nói hồi trào Pháp tàu lớn hay chạy vào con sông này chở lính đi ruồng bố, bắt lính. Tôi không biết nhưng tin.
Vì đến thời tôi 6-7 tuổi thì còn thấy tàu mũi bằng của Mỹ chạy qua lại theo hướng từ vàm chợ- nơi giáp ranh với sông Đồng Phú lên.
Bình minh trên đồng nước nổi.Ảnh: LÊ VĂN HƯU (TP Vĩnh Long) |
Tàu to lắm, bọn trẻ thích thú chạy ra xem, còn đàn ông thì chạy trốn. Những năm đó, thỉnh thoảng mấy tàu Mỹ chở lính đi ruồng, bao vây kiểu thắt vòng như đuổi chim mùa tháng 5.
Con sông này tôi biết rất rõ vì thời gian chơi dưới sông không ít hơn trên bờ.
Gọi là sông cái vì nó là con sông lớn trải dài từ đầu cồn, một nhánh khác là sông Doi Đồn giáp với xã Đồng Phú, 2 nhánh hợp lại ở ngã ba sông gần nhà có tên Vàm Tắc Lở.
Chẳng rõ vì sao gọi là Tắc Lở- vàm sông Tắc Lở. Đối diện nó là dải đất bồi người ta trồng bần, nơi hợp lưu của 2 nhánh sông gọi là đuôi cồn. Bọn con nít hay chơi ở đấy. Gọi là đáy sông cũng được, bến sông cũng không sai. Bởi từ bến tới đáy nơi nào chúng tôi cũng có mặt- thậm chí cả ngày.
Ở vùng này, mùa nước nổi (gọi là nước nổi chứ không gọi là nước lũ), người dân sau chuyện đồng áng thì quay sang săn chuột, giăng lưới bắt cá, đặt lọp. Một chuyến đi như thế mất buổi, thu hoạch nhiều vô kể.
Tháng 11, tháng Chạp âm lịch thì nước rút. Cả một khúc sông sôi động hẳn lên như họp chợ quê.
Một khúc sông nhìn vào người nào việc nấy. Đàn ông giở chà, đàn bà bắt hến, trẻ con thụt lịch. Chà thường được chất từ từ trước vụ nước nổi. Người ta chặt những nhánh bần già, để cho rụng lá hết sau đó chở đem chất thành đống nơi có nước sâu. Khi cạn, nước chỉ lưng hai phần đống.
Chất chà phải có nghề, nhánh thông ngọn, nặng vừa phải với sức của đàn ông. Khi chất gốc đưa xuống bùn, ngọn hướng về chiều nước lớn hoặc ròng. Ém kỹ bằng những thanh ngang cột vào những nọc cây cặm chặt xuống đất chống trôi khi nước chảy mạnh.
Một đống chà đạt yêu cầu là: lớn vừa phải khoảng 7-10 tay đăng, tương đương 30m2 nước. Không thưa mà cũng không nhặt. Nhặt quá thì ít chỗ cho cá ở, thưa quá thì nước chảy mạnh, cá đi. Chọn chỗ thì chọn nơi thết “yếm”- nơi có dòng nước chảy quần tụ nhiều phiêu sinh vật, nước sâu. Tuy nhiên rất cực khi giở chà. Những chỗ như vậy phải là người giỏi mới làm.
Mùa nước rút, cá từ miệt trên đổ về, từ đồng ruộng ra. Khi nước xuống, đống chà nào cá cũng ục như cơm sôi. Mùa giở chà bắt đầu. Có khi người ta để dành đến tết.
Háo hức nhất là khâu chuẩn bị. Đàn ông 5-7 người cho mỗi đống chà. Sáng sớm hoặc chiều, chọn khi nước vừa ròng thì người ta bắt đầu thả đăng bao chà (sau này có lưới nhẹ hơn). Khi bao chà thì bao từ đầu dòng nước. Khép kín, chôn chân sâu xuống bùn. Khâu này làm không kỹ coi như công cốc. Phía trước đầu đống chà đặt một cái đó có đường kính từ sáu đến bảy tấc, cao khoảng thước tám, hai thước. Khi giở cá động nó sẽ chui vào đấy mà ra không được.
Bao xong giở chà bắt đầu. Những thanh giằng được tháo ra. Khi giở thì bắt đầu từ dưới lên, những nhánh chà được kéo rời và phóng ra ngoài chất thành đống mới, đầu quay ngược lại.
Ăn theo là những chiếc xuồng câu tôm. Trên xuồng ai cũng chuẩn bị cây chĩa 5 hoặc 3 mũi có ngạnh. Khi chà giở quá nửa thì cây chĩa bắt đầu xôm. Họ xôm cá chạch. Khi xôm giở lên thấy chĩa nằng nặng và có cảm giác bị vặn là dính cá chạch. Phải kéo nhẹ kẻo vuột. Những con cá chạch vàng óng, to bằng 2-3 ngón tay, bụng no ưỡn. Loại này mà nướng chấm nước mắm gừng hoặc mắm me thì phải biết. Một đống chà như thế không ai xôm dưới 2 ký.
Một đống chà giở mất non 3 tiếng đồng hồ. Nước tháng mùa đông thì lạnh, dưới nước thì mau đói. Thế thì cứ lặn xuống tay quơ lấy một vài con tôm to cỡ cườm tay, bóc vỏ ăn sống- thịt ngọt ơi là ngọt...
Vừa hết đống chà, nước cũng vừa đứng, chuẩn bị lớn lại. Những tấm đăng khép dần, cá trong đó dày đặc đủ loại. Nổi lên trên là những con cá lìm kìm to hơn chiếc đũa, mũi nhọn hoắc, rồi cá trắng... Lấy cây dầm thọc vào thăm thử, cá chạy đụng kịt kịt. Dưới cùng là tôm chen nhau xào xạo. Vụ này trăm ký có hơn.
Tấm đăng cuối cùng khép lại, miệng đó đống và được kéo lên. 5-7 người ì ạch khiêng đó trút xuống nghe ào một cái, nước bắn tung tóe... Cơ man nào tôm cá. Bọn trẻ đi theo bóc lấy bóc để những con tôm. Nó tưởng tượng những con tôm vàng lựng trong bếp lò thơm phức...
Nước lớn, đống chà mới được ém giằng lại chờ ra Giêng. Ghe cá được đưa về trước để đàn bà chuẩn bị chia phần. Và đặc biệt là chuẩn bị 2 món không thể thiếu: món canh chua và món nướng cho cánh đàn ông.
Những người đàn ông ở lại, giặt sạch đăng, thảy lên ghe chèo về. Gió chướng bắt đầu thổi, mùi bùn từ những tấm đăng xộc vào mũi sao thấy thơm thơm...
LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin