"Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày tôi viết những dòng nhật ký đầu tiên. Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy ố vàng, tôi được sống lại cùng đồng đội trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc".
“Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày tôi viết những dòng nhật ký đầu tiên. Thật bất ngờ khi đọc lại những trang giấy ố vàng, tôi được sống lại cùng đồng đội trong một thời khắc lịch sử đầy thử thách nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc”.
Đọc “nhật ký” mới biết anh là học sinh giỏi văn của tỉnh Hà Tây. Phải cảm ơn những người biên tập sách đã đưa những bức ảnh chụp bản gốc của các trang nhật ký với những dòng chữ nắn nót, ngay hàng thẳng lối…
Cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” được chia làm 3 phần. Phần Một: Học bay. Phần Hai: Chuẩn bị hành trang. Phần Ba: Xung trận.
Ngoài ra còn có thêm ảnh tư liệu, phần “Mục từ” thống kê những phi công tiêm kích Việt Nam và một số phi công Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, những sĩ quan chỉ huy ở cả hai phía…có ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về “những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam”…
Học bay và trở thành phi công MiG-21 (loại máy bay hiện đại nhất của Liên Xô lúc đó) trong 2 năm 9 tháng cũng đã là một chiến công của những chàng lính trẻ Việt Nam.
Về đến Tổ quốc ngày 22/4/1968, Nguyễn Đức Soát cùng lứa phi công MiG-21 khoá 3 gia nhập đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn không quân tiêm kích 921) anh hùng với những anh hùng Nguyễn Hồng Nhị, Phạm Thanh Ngân Nguyễn Văn Cốc…
Từ tháng 4/1968 đến đầu năm 1972 là thời gian Nguyễn Đức Soát cùng đồng đội miệt mài luyện tập, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và tham gia chiến đấu, để vững vàng đi vào những trận chiến quyết liệt trong năm 1972.
Theo ông, thời gian 4 năm này là một trong những nhân tố quyết định những chiến công của lứa phi công khoá 3 trong năm 1972.
Trong thời kỳ này, ông bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của Mỹ, được thưởng một huy hiệu Bác Hồ. Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là việc do ốm mà không được bay trong đội hình MiG tiễn Bác trên quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 9/9/1969.
Trong nhật ký ngày 9/9/1969, Nguyễn Đức Soát viết: “Chiều hôm qua, khi nhìn ảnh Bác trong chiếc huy hiệu Bác tặng, nước mắt mình bỗng giàn giụa. Cháu có lỗi với Bác. Cháu chưa làm được một việc gì lớn để đền ơn Bác…
Nghe những lời Di chúc, những cái gì nhỏ nhen, vụn vặt, cá nhân bỗng như những đám mây mỏng gặp gió lớn thổi bạt đi. Ý nguyện theo Đảng đến cùng của mình lại được tôi luyện thêm một lần nữa”.
Trong cuộc chiến đấu trên không năm 1972, phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát trực tiếp bắn rơi 6 máy bay, với cương vị Đại đội trưởng cùng Đại đội 3 Trung đoàn phi công tiêm kích 927 lập công xuất sắc, bắn rơi 29 máy bay Mỹ các loại.
Qua thực tế chiến đấu, ông đề xuất tổ chức các trận đánh “biên đội 4 máy bay”. Kết thúc các trận không chiến, phi công Nguyễn Đức Soát được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội 3 Trung đoàn tiêm kích 927 được tuyên dương đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ 2.
Điểm độc đáo của “Nhật ký phi công tiêm kích” Nguyễn Đức Soát là việc để bạn đọc dễ tiếp cận các sự kiện.
Trước mỗi giai đoạn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đều viết thêm “lời dẫn”, làm rõ hơn các sự kiện mà trong nhật ký, do là người trong cuộc, ông chỉ ghi tóm tắt. Đồng thời, ông cũng bổ sung một số thông tin sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về những phi công chiến đấu quả cảm mà hành động của họ là những gương sáng để các thế hệ sau noi theo…
Đó là những chỉ huy trực tiếp của phi công Nguyễn Dức Soát: các Anh hùng Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu…
Đó là những đồng đội như các Anh hùng Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Đỗ Văn Lanh, Bùi Đức Nhu, Nguyễn Văn Nghĩa, Hán Vĩnh Tưởng. Và 3 phi công được truy tặng danh hiệu Anh hùng là Vũ Xuân Thiều, Ngô Duy Thư và Hòang Tam Hùng…
Sau ngày toàn thắng, Anh hùng Nguyễn Đức Soát tiếp tục là phi công tiêm kích, bay trên các loại máy bay mới như Su-22, Su-27… và trở thành Tư lệnh quân chúng Phòng không - Không quân, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong lời “Tri ân đồng đội” ở cuối cuốn sách, ông viết: “Suốt đời tôi mãi tri ân những người bạn chiến đấu cùng thời, những người chỉ huy tài ba, những cán bộ làm công tác chính trị, tham mưu, bảo đảm kỹ thuật, hậu cần…
Tất cả đã giúp cho tình yêu bầu trời được trọn vẹn. Suốt đời tôi luôn có khát vọng bầu trời quê mẹ luôn xanh trong và mãi mãi bình yên!”.
Trong những kỷ niệm của các phi công tiêm kích, mặt đất, bầu trời, đặc biệt là những đêm trăng và mảnh trăng luôn là những người bạn thân thiết của họ.
Đọc “Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người đọc thấy những phóng viên buổi phát thanh Quân đội nhân dân, buổi phát thanh Thời sự, các chương trình văn nghệ “Tiếng thơ”, ca nhạc… của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn là bạn đồng hành cổ vũ họ trong cuộc sống ngày thường cũng như trong chiến đấu.
Họ đã được Nguyễn Đức Soát nhắc đến trân trọng trong nhật ký của mình. Đó là điều khích lệ những người làm báo hôm nay hãy sống cuộc sống của “ những người lính Cụ Hồ” để có được những trang viết chân thực, sinh động về quân đội ta trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và cũng phải cảm ơn số phận. Trong suốt thời gian chiến đấu, mỗi lần cất cánh là Nguyễn Đức Soát đều mang theo cuốn nhật ký con con trong túi áo, để nếu ông có hy sinh thì những dòng tâm sự thầm kín của ông sẽ mãi mãi đi cùng ông trong “đại dương thứ năm” của những người lính phi công.
May mắn hôm nay chúng ta được nhìn thấy những dòng chữ rất đẹp đó - nhật ký của một học sinh giỏi Văn quê lụa Hà Tây, một Anh hùng Không quân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát./.
Theo Thanh Vũ/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin