Một mẻ lò hàng đủ loại: gạch tàu, gạch tiểu, gạch ống, ngói miểng, ngói móc… tất cả theo khuôn nhất định. Xong đem phơi nắng, hong khô trong trại.
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Một mẻ lò hàng đủ loại: gạch tàu, gạch tiểu, gạch ống, ngói miểng, ngói móc… tất cả theo khuôn nhất định. Xong đem phơi nắng, hong khô trong trại.
Lò gạch bên kinh Thầy Cai. |
Thợ vô lò thuộc đẳng cấp cao hơn. Nó đòi hỏi sự khéo léo, giỏi tính toán. Không khéo thì hàng cong vênh, khối lượng không nhiều. Tính toán vụng thì gạch có thể bị sống vì lửa không đưa được hơi nóng vào trong sâu, lâu chín, lại hao chất đốt.
Thợ đốt lò được xếp vào hàng “thượng thừa”. Một mẻ lò thành bại quyết định ở công đoạn này. Thợ non tay thì gạch sống hoặc nứt, vỡ. Gặp thợ như thế chủ lò có nguy cơ phá
sản cao.
Nghề đốt lò hay chụm lò đòi hỏi sự chịu đựng, kiên nhẫn và chấp nhận bệnh tật. Sau khi xếp gạch vào lò, theo lệ, người ta cúng lò. Thường thì cúng heo, gà nhưng cũng có người cúng vịt. Họ cho rằng vịt là loài lưỡng cư, tìm ăn trên bờ dưới nước đều được, những mong hàng đi khắp nơi bán được nhiều. Gà mổ từng hạt, vịt xốc cả miệng…
Hong gạch. |
Tiếp sau lễ cúng, đến công đoạn nhóm lò. Từ lúc lửa bắt đầu cháy, người thợ lò phải chụm liên tục trong khoảng 25- 30 ngày, luôn tập trung chú ý để bảo đảm độ nóng lò ổn định, ngày cũng như đêm. Ăn, ngủ cũng phải bên lò. Sức nóng, bụi trấu làm khô phổi dù uống nhiều nước. Làm nghề chụm lò nhiều năm có người xanh xao, mắt mờ vì khói bụi, nhiều nguy cơ ung thư phổi…
Khi đốt qua giai đoạn 20 ngày thì thợ lò phải thường xuyên thử nhiệt bên trong lò để quyết định giai đoạn thúc. Hồi nhỏ mỗi lần đi chợ, khi ghe ra tới đầu vàm Bà Vú nhìn sang vùng Thanh Đức, Mỹ An thấy khói lên cuồn cuộn, lò này khói trắng, lò kia khói đen, không hiểu vì sao.
Bước vào giai đoạn lò sắp chín, thợ lò tăng nhiệt, duy trì ở mức trên một ngàn độ. Nếu quá lửa sẽ bị nhiều gạch da lu, chín đen, gạch giòn. Giai đoạn này nhiên liệu được đưa vào ở mức tối đa, khói đen dâng lên cuồn cuộn tỏa đi khắp vùng, không gian đậm một mùi khen khét. Mùa gió Nam còn đỡ, khói đưa ra hướng sông. Mùa chướng khói vào nhà, khu dân cư, bụi tro bám vào cây lá, ruộng rẫy tiêu điều. Vùng Mỹ An có thời nghèo khó, canh tác nông nghiệp không phát triển.
Khi lò chín, thợ giảm nhiên liệu, nhiệt độ xuống dần và bít lò, lửa tắt.
Lửa tắt, lò nguội, thợ khui lò. Đầu tiên khui lỗ đông trước, kế đến ống khói, sau cùng là miệng lò. Khui miệng lò, phải khui từ viên một, mỗi ngày khui một ít. Nếu khui nhiều thì gió vào làm gạch nóng bị nổ, nứt. Mất một tuần để khui xong miệng lò.
Lò gạch giờ là phế tích? |
Công đoạn cuối cùng là ra gạch. Những viên gạch còn ấm được chuyền ra ngoài, bắt đầu từ tầng trên cùng, ngược lại quy trình vào lò.
Theo thứ tự, người ta phân ra: gạch ngọn, là gạch già lửa, cứng, giòn có số da lu muốn biến thành sành, gạch này dùng xây móng, chịu nước; gạch lòng tàu, nằm tầng giữa, đây là loại gạch tiêu chuẩn, đẹp, không cong, vênh, thợ xây rất chuộng gạch chân ở tầng cuối cùng, gạch này chịu lực nén từ các tầng trên, ít nhiệt hơn có khi cong, vênh, độ cứng không bằng gạch tầng trên.
Tùy loại mà giá có thể chênh nhau từ 5- 20%. Nhìn chất lượng sản phẩm khi ra lò, chủ biết mẻ hàng này mình lời hay lỗ. Mùa mưa, tận dụng lò còn ấm, người ta cho mẻ mới vào để hong rồi lò tiếp tục tỏa khói, hết trắng lại đen…
Ngày trước, chủ lò sản xuất gạch thành phẩm, việc đưa gạch ra thị trường thì do lái gạch thực hiện. Người có vốn thì đặt cọc, gối đầu, người ít vốn thì lấy gạch bán trước trả sau. Ghe thương hồ dập dìu bến sông, tỏa khắp đồng bằng, về vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Những đại gia lò gạch một thời giờ còn vang danh.
Đầu những năm 80, xu thế làm ăn người ta chú tâm vào ba thứ: buôn gỗ, buôn lậu hàng biên giới và làm gạch.
Thời ấy, người ta chạy vạy, nghe ngóng xem nơi nào phá rừng thì góp vàng đi buôn gỗ. Gỗ từ miền Đông, Tây Nguyên, gỗ từ Campuchia đổ về phá nát quốc lộ bằng những xe tải hạng nặng. Gặp thời, người rủng rỉnh tiền bạc; ngược lại, người phá sản, trốn nợ có khi tù tội. Dù thế nào, sức hút của gỗ vẫn lớn, thời đó cán bộ từ phó ngành trở lên được tiêu chuẩn gỗ cất nhà, là mơ ước của biết bao gia đình.
Việc cấm vận của Mỹ làm thị trường khan hiếm đủ thứ, nông nghiệp thì bế tắc, nhà nhà nghĩ cách đi buôn, buôn gì cũng được miễn có đồng ra đồng vô. Ghe chèo, xuồng máy đổ về miệt Hậu Giang, Rạch Giá, Cà Mau. Dân thường buôn gạo. Người nhà nước thì dùng xe công mua hàng biên giới về bỏ mối kiếm lời. Đồng tiền lạm phát 2 con số một tháng.
Đề tài “Làm gạch” là lời chào cửa miệng của dân vùng Mang Thít, Long Hồ thời đó. Cán bộ công chức cũng lao vào làm gạch. Ai không làm gạch thì bán đất cho lò, sắm ghe chở gạch…
Đôi bờ sông Mỹ An, dọc kinh Thầy Cai, lò quả trứng mọc lên như nấm. Lò lan sang Hòa Tịnh, vào sâu tận Nhơn Phú, Chánh Hội.
Cặp theo sông Măng, mùi trấu khét cũng lồng theo gió. Trên bờ hừng hực lửa, cả vùng như Hỏa Diệm Sơn, mùa nắng nóng bức không chịu nổi, cây héo úa, trồng lúa không chắc hạt. Chỉ kinh Thầy Cai thôi đã có hơn ngàn lò nhả khói ngày đêm, gạch chất đỏ ối hai bên bờ. Dưới sông ghe chèo, ghe máy làm dậy sóng đục ngầu, tro, trấu đóng thành màng trôi theo nước.
Cơn lốc gạch đi qua.
Cuối những năm 90 thế kỷ trước, nghề gạch bắt đầu sựng lại, hạ nhiệt. Làng lò bắt đầu cơn sốt mới: vỡ nợ…
Những đại gia vốn lớn chuyển sang làm gốm mỹ nghệ, người ít vốn hơn thì cầm cự với nghề chờ vận hội. Người thức thời thì đổi mới công nghệ. Số còn lại, lò tắt hẳn cỏ cây phủ kín, máy móc rỉ sét dưới
nắng mưa.
Đứng trước chọn lựa khó khăn: “Tồn tại hay không tồn tại?”. Thị trường bão hòa, các chủ lò phải cạnh tranh với nhau trong khi giá đất nguyên liệu, chất đốt, nhân công đều tăng, thêm nợ ngân hàng đến kỳ đáo hạn… Buông bỏ hay tiếp tục thành nỗi day dứt khôn nguôi. Có những gia đình tan vỡ vì giấc mộng lò.
Những cuộc giải cứu không thành, 10 phần tắt 7, còn 3. Làng gạch không còn nhộn nhịp, dòng kinh xưa như chợ nổi, giờ không tấp nập trên bến dưới thuyền. Thỉnh thoảng mới có ghe chở gạch hướng ra Cổ Chiên, mờ dần theo sóng nước… cô đơn.
[links()]
Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin