Mờ xa màu ngói Kinh Thầy

01:12, 08/12/2020

Tôi đi trên QL57, điểm phà Đình Khao, rẽ về Đường tỉnh 902 qua địa phận xã Thanh Đức (Long Hồ). Con đường rộng, mặt nhựa láng, hai bên hành lang san sát các công ty, xí nghiệp tạo nên tầm vóc mới của vùng đất ven sông Cổ Chiên. Qua chợ Thanh Đức một đỗi, đến địa phận huyện Mang Thít ở Km4 + 600.

 

Đình An Hương.
Đình An Hương.

Tôi đi trên QL57, điểm phà Đình Khao, rẽ về Đường tỉnh 902 qua địa phận xã Thanh Đức (Long Hồ). Con đường rộng, mặt nhựa láng, hai bên hành lang san sát các công ty, xí nghiệp tạo nên tầm vóc mới của vùng đất ven sông Cổ Chiên. Qua chợ Thanh Đức một đỗi, đến địa phận huyện Mang Thít ở Km4 + 600.

Những năm 80 thế kỷ trước đường này là hương lộ, lởm chởm đá “bốn sáu” (4x6) với đầy “ổ gà”, “ổ trâu”. Học trò muốn đến trường tỉnh là một thử thách lớn. Tôi có cô bạn quê Mỹ An, cô ta đứng đầu sổ vì đến lớp trễ, nhưng rồi cô đã vượt qua khó khăn và trở thành cô giáo dạy trung học.

Trong xu thế phát triển, vùng đất Mang Thít trở mình, đường làng trở thành đường tỉnh, ven đường công ty, xí nghiệp mọc lên. Xen kẽ có những khu đất trống, cỏ mọc đầy, chủ nhân cẩn thận viết chữ to bằng sơn trên tấm tôn: “Đất chưa nhận tiền- chưa nhận quyết định thu hồi đất”.

Tiếp tôi là anh Lê Văn Tâm, tuổi trạc 45- 46 là thủ từ đình An Hương. Gia đình anh mấy đời gắn bó với ngôi đình này. Cụ cố anh là ông Chánh Quờn, con ông Quờn là Lê Văn Ngôn, anh Tâm gọi ông chú, là người đứng ra đắp nền đình An Hương bây giờ.

Sử rằng, sau khi khôi phục đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho đặt phủ Mân Thít, đặt dưới sự quản lý của Điều Bát Nguyễn Văn Tồn. Năm 1827, đổi thành huyện Tuân Ngãi thuộc phủ Lạc Hóa, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, huyện Tuân Ngãi thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sang thời Pháp, huyện giải thể nhập vào hạt thanh tra Lạc Hóa.

Năm 1908, Pháp lập huyện Cái Nhum. Năm 1916, quận Cái Nhum giải thể. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn lập quận Cái Nhum. Năm 1957, giải thể quận Cái Nhum. Năm 1961, quận Cái Nhum được tái lập và đổi thành quận Minh Đức trong cùng năm.

Sau 1975, đổi thành huyện Cái Nhum thuộc tỉnh Cửu Long. Năm 1977, sáp nhập với huyện Châu Thành Tây thành huyện Long Hồ. Năm 1981, lập huyện Mang Thít. Năm 1986, giải thể huyện Mang Thít nhập vào huyện Long Hồ. Năm 1992, tái lập huyện Mang Thít.

Sự tách nhập của một đơn vị hành chính cấp huyện cho thấy đây là vùng đất đa truân với thế cuộc. Thế cuộc đổi dời, nhưng đình An Hương vẫn sừng sững cùng tuế nguyệt.

An Hương khởi thủy từ 2 tên làng: làng An Cát và làng Thanh Hương. Mỗi làng có một đình thần. Các bậc cao niên xét địa thế thuận lợi nên bàn lập đình mới với tên gọi “An Hương”.

Đình An Hương tọa lạc đầu vàm rạch Cái Lóc, mặt tiền hướng Đông. Theo thời gian, lòng rạch xói lở, đình được dời lên vị trí bây giờ, quay nhìn ra sông Cổ Chiên có đường tỉnh đi qua.

Đình vẫn giữ được dáng vẻ xưa với mái ngói âm dương cổ kính nhuốm màu thời gian. Mặt Tây, vách đình không còn, được thay tạm bằng lưới B40, người qua lại nhìn thấy võ ca bên trong. Trước đình, bên tả có miếu Sơn Quân, bên hữu có miếu Dương Hầu.

Theo anh Tào Phú Vinh- một người am hiểu văn hóa địa phương- thì miếu thờ Dương Hầu là điểm đặc biệt chỉ có ở đình An Hương.

Dạo một vòng, tôi có cảm giác đình bị mất đi nhiều thứ. Nơi hậu đình, các cửa thông gió bị bít lại để chống trộm. Chánh điện nhờ khóa cẩn thận còn giữ được một số vật cúng lễ của đình. Bảo vật duy nhất ở đây là hòm sắc. Trong hòm còn lưu giữ 2 sắc thần được ban từ thời vua Tự Đức vào những năm 1852 và 1857.

Trong những vật cũ kỹ xếp bên đình, tôi chú ý đến 2 món: Tán kê cột và nghè.

Những tán kê cột từ nền đình cũ được đào lên với những kích cỡ khác nhau, có thể đây là tán cột quân, sắc đá xanh in hình vết tròn chân cột. Nghè là lọ gốm, thân cao khoảng 3 tấc, miệng rộng 1 tấc. Nghè xếp ở tầng đáy dùng loại lớn hơn. Anh Tâm- thủ từ- đào lên từ mé rạch xói lở trước nền đình cũ.

Ngày trước, thi công móng cột, người ta dùng nghè đổ đầy cát, kè sát vào nhau, lớp đáy có cạnh 1,5m. 5 lớp theo hình tháp chồng lên nhau, cuối cùng là đặt tán cột. “Ngói lợp nghè, lớp sau đè lớp trước” là phỏng theo hình tượng này chăng?

Theo anh Tâm, nghè còn nhiều lắm, có nơi lộ ra trôi theo lòng rạch. Một dự định ấp ủ muốn lưu di vật để bảo tồn như một chút lòng đền đáp công ơn tiền nhân. Nhưng anh còn phải lo cuộc mưu sinh, mọi thứ chờ chút tùy tâm. Tôi thấy dòng chữ anh ghi trên bảng: “Ở đây cần 30 bao xi măng, ai có lòng từ bi…” còn bỏ lửng không biết vì sao.

Đình An Hương như một chứng tích của thế cuộc đổi dời, biết bao thế hệ đến rồi đi. Họ xem Thành Hoàng đình là người bảo trợ trong hành trình dâu bể tìm kế mưu sinh, nên họ chăm sóc đình và lưu truyền cho thế hệ sau tiếp nối. Các lệ cúng đình hàng năm vẫn giữ, có học trò lễ và hát bội ở võ ca.

Khoảng những năm 50 thế kỷ trước có người họ Tào từ Chợ Lớn về cùng gia đình định cư trên vùng đất An Hương, Mỹ An bây giờ. Ông là Tào Văn Mun (thường gọi Mười Trân). Tào Phú Vinh gọi ông là cụ cố. Ông đã gầy dựng 4 lò gạch hiệu Hưng Long nổi tiếng một thời. Cùng thời, còn có lò gạch Quảng Long gần đình An Hương.

Thời ấy, người ta xây kiểu lò đứng, chiều cao khoảng 10m, đường kính chân cũng chừng ấy, độ dày vách từ 8 tấc đến 1,2m, gạch dùng tính bằng muôn cho mỗi lò.

Khi xây, không dùng vôi vữa, xi măng mà dùng loại đất sét tốt làm lỏng với nước để liên kết gạch. Lò có 1 cửa chính, 1 cửa phụ, 3 ống khói. Trên đỉnh là miệng xả hình vòm, còn gọi là lỗ đông, rộng từ 1,5- 2m. Loại lò này nhìn từ xa như một quả trứng khổng lồ.

Người ta đốt lò bằng 2 loại: củi hoặc trấu. Lò đốt bằng củi thì dùng củi cây mắm hoặc cây đước đưa về từ vùng duyên hải. Về sau, nguồn cung ít dần, người ta dùng củi nhãn, mà phải là nhãn long, gỗ chắc thịt tốt lửa, đến từ các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ. Lò dùng trấu thì trong miệng có vỉ gạt bằng sắt.

 

Tán cột đình và nghè.
Tán cột đình và nghè.

Trấu có ở khắp nơi từ các nhà máy chà lúa. Những ghe chài chở trấu từ miệt An Giang, Đồng Tháp về dập dìu trên sông. Nông dân đi chà lúa lấy gạo, chả ai lấy trấu về. Chủ nhà máy chà vựa trấu bán cho lò gạch có thêm một khoản thu dù rẻ. Thời ấy có gì rẻ hơn trấu.

Làm gạch ngói phải đi theo quy trình: đóng gạch, vào lò, nung lửa, ra hàng, xuống bến.

Sự vận hành của dòng sông Cổ Chiên có chút ưu ái cho vùng đất Mang Thít. Phía trên, theo sông Long Hồ, sông Mỹ An, kinh Thầy Cai đưa phù sa tỏa đi khắp vùng đến tận Nhơn Phú, Chánh Hội…

Phía dưới, theo sông Măng, nước dẫn phù sa về vùng Chánh An, len lỏi đến vùng Tân An Hội, Tân Long,… Cũng là phù sa, nhưng chỉ vùng Mỹ An và lân cận mới có sét tốt. Nghề gạch phát triển, trong đó có yếu tố nhờ mỏ đất sét trời cho.

Khi lò gạch mọc lên, nhu cầu đất sét lớn, ban đầu các chủ lò mua hẳn những mảnh ruộng để cung cấp đất sét nguyên liệu. Dần về sau, việc cung cấp đất nguyên liệu phải nhờ vào những nông dân chuyên lấy đất, vận chuyển chuyên nghiệp.

Thời trước, việc trồng lúa chưa áp dụng kỹ thuật, cày trục chủ yếu dùng trâu, trên ruộng nhiều gò, vũng. Muốn đất ruộng bằng phẳng, nông dân đào lớp mặt bán cho lò gạch, ban đầu thì bán chỗ gò nổi, sau cần tiền bán nốt phần còn lại, có nơi đào sâu mấy lớp. Thế là ruộng lúa thành ao sâu. Cả nhà đùm túm đi làm thuê cho chủ lò.

Lấy đất cũng có nghề. Khi chọn xong cuộc đất, người ta làm sạch bề mặt, dùng leng đào lấy lớp trên, đến lớp thứ 2, thứ 3 thì làm dẽ bề mặt, kế đó dùng cây cung được làm bằng tre già hoặc bằng sắt, buộc dây kẽm, cắt đất thành khối vuông khoảng 15kg, đưa xuống ghe đem về bán cho chủ lò. Hồi trước đất bán theo tầm vuông, loại tầm 2,5m.

Người mua đi bán lại chủ yếu lấy công làm lời. Bây giờ, chủ lò mua đất tính bằng ký. Mỗi cục đất theo quy cách, trong nghề gọi là “mê” nặng 12kg, mỗi ký 39đ. Vị chi mỗi mê chưa đầy 500đ. Cứ thế tính tiền.

Theo từng công đoạn, cấp độ tay nghề của thợ phải cao hơn một mức. Thợ đóng gạch thì nam có, nữ có, thậm chí cả trẻ em. Đất được nhào cho dẽ, dẻo quẹo.

Nghề này khá nguy hiểm. Ngày xưa, nhào đất trong thùng gỗ hoặc bể xi măng, sau này cải tiến nhào bằng máy, có 2 trục lăn cuốn vào. Khi đưa đất cho máy ăn, có người sảy chân bị máy cuốn giập giò tới háng. Lại có người tay giập vào tới ngực. Đã nghèo rồi, gặp cảnh này lại nghèo hơn.

(Mời xem tiếp trên VLCN)

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh