Tôi đặt mua quyển "Hai- mươi- bảy" của Đặng Huỳnh Mai Anh mà lòng nhấp nhỏm vì thời điểm ra mắt sách ngay lúc dịch COVID-19 bùng phát, cách ly toàn xã hội và mọi sinh hoạt đời thường dường như "đóng băng". Càng khó khăn thì hạnh phúc sẽ vỡ òa khi được ôm trọn vào lòng những "tử tế" từ một tác giả… tử tế.
“Hai- mươi- bảy” là quyển sách thứ 3 của “nhà khoa học dữ liệu” Mai Anh. |
Tôi đặt mua quyển “Hai- mươi- bảy” của Đặng Huỳnh Mai Anh mà lòng nhấp nhỏm vì thời điểm ra mắt sách ngay lúc dịch COVID-19 bùng phát, cách ly toàn xã hội và mọi sinh hoạt đời thường dường như “đóng băng”. Càng khó khăn thì hạnh phúc sẽ vỡ òa khi được ôm trọn vào lòng những “tử tế” từ một tác giả… tử tế.
Ấn tượng đầu tiên về quyển “Hai- mươi- bảy” là phải thốt lên “mùi giấy ôi chao sao mà thơm thế”. Tự tay tác giả Mai Anh vẽ bìa sách, vẽ bookmark (đánh dấu sách) và xịt nước hoa vào đó. Dù để một thời gian dài trên kệ sách, mùi hương vẫn còn và lưu luyến mãi trong tâm trí của người đọc.
Đặng Huỳnh Mai Anh là gương mặt khá quen thuộc đối với những ai quan tâm đến lĩnh vực môi trường. Cô là đại sứ môi trường toàn cầu năm 2012 và là đại diện của Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới tại Anh.
Theo đuổi chương trình học ở Pháp và làm việc qua nhiều quốc gia, châu lục khác nhau, góc nhìn của Đặng Huỳnh Mai Anh vô cùng đặc biệt bởi con người của nhà khoa học dữ liệu và con người của văn chương trong cô luôn song hành.
Mai Anh viết quyển “Hai- mươi- bảy” khi cô 27 tuổi, đã dịch chuyển qua 4 quốc gia, dành nhiều đêm ngồi một mình ở nhiều thành phố. “Hai- mươi- bảy” không có nhiều hoa mỹ trong câu từ.
Chất liệu chủ đạo là nỗi cô đơn đan dệt cùng những giằng co về thực tại, về kiếp người, kiếp đời, ít nhiều đều có sự nối kết với con số 27. 27 đôi khi là một ngày nhất định, một độ tuổi nhất định, nhưng cũng có khi lại là một cột mốc phiếm định, một quãng lưng chừng giữa kiếp đời đằng đẵng của mỗi con người.
Loay hoay với 1 trong 3 khía cạnh: sự nghiệp, tài chính và mối quan hệ, 27 tuổi là quãng người ta bắt đầu gầy dựng sự nghiệp, là những lần đầu tiên chứng kiến những sự va vấp, sứt mẻ, là khi lung lạc, cô đơn hay thậm chí bắt đầu nghĩ suy tới cái chết.
“Hai- mươi- bảy” mang một màu sắc rất mới, rất lạ. Những trang viết giàu sức nặng của “Hai- mươi- bảy” được bắt đầu từ “nhị- phân”, câu chuyện về sự tranh đấu giữa con số và con chữ, về mâu thuẫn giữa đam mê và thực tế, giữa ước mơ và miếng ăn.
Ngay cả bìa sách, tác giả chọn sắc trắng- đen tương phản, vì vậy “Hai- mươi- bảy” không được ủ ấp bởi chất ngọt của tình yêu, mà sắc lạnh tính thời sự như sự ngột ngạt, tù túng của đời sống hiện đại, nỗi cô độc và sự hiện diện trần trụi của con người giữa thời đại công nghệ lên ngôi hay sự xói mòn của các giá trị đạo đức…
Mỗi người sẽ trở nên khác nhau ở thời điểm lựa chọn con người mình muốn trở thành. Trong khoảnh khắc nào đó, tôi ngộ nhận mình là một nhân vật trong câu chuyện của tác giả và luôn lặp lại trong đầu câu nhắc nhở “hãy bình thản và làm thí nghiệm cho cuộc đời”, sống tử tế rồi sẽ rút ra vài thứ có giá trị cho mình, là nền tảng để bước qua tuổi 30 được vững chắc và sáng suốt hơn.
Khi tay gập lại, cuốn sách để lại nhiều hậu vị, đẹp hơn cả mùi nước hoa trên trang giấy mà Mai Anh để lại một cách tinh tế. Không gì đặc biệt như mùi hương.
Chúng để lại ấn tượng kỳ lạ về ký ức. Xin được mượn câu thơ kết quyển sách của Mai Anh: Dù tuổi 27 của bạn trôi qua thế nào thì “Nắng đã lên sáng rồi/ Có chú gà trống chọi/ Đập cánh gáy vang/ Ò ó o o o”. Còn chờ gì mà không sống trọn vẹn mỗi khoảnh khắc được sống…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin