Nhà văn nghèo nhất, nhiều tác phẩm hay nhất

06:12, 13/12/2020

Có lẽ trong văn học nước ta, từ cổ chí kim chưa có ai mới 27 tuổi mà viết nhiều thể loại nhất, nhiều tác phẩm hay nhất, thậm chí sống khổ nhất, lại chết sớm nhất. Người ấy là nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Có lẽ trong văn học nước ta, từ cổ chí kim chưa có ai mới 27 tuổi mà viết nhiều thể loại nhất, nhiều tác phẩm hay nhất, thậm chí sống khổ nhất, lại chết sớm nhất. Người ấy là nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Vũ Trọng Phụng có bút hiệu là Thiên Hư, quê làng Hảo (xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào- Hưng Yên). Ông ra đời ngày 20/10/1912, mất 14/10/1939.

Trong vòng 10 năm cầm bút ngắn ngủi, ông đã cho ra đời số tác phẩm đồ sộ, đến kỷ lục, phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài, thể loại gồm 8 tiểu thuyết, 1 truyện vừa, 7 tập phóng sự, 6 vở kịch, 29 truyện ngắn, 2 tác phẩm dịch và nhiều bài báo. Nói như thế, không phải cốt số lượng mà hầu như tác phẩm nào cũng gây tiếng vang trong bạn đọc thời đó, cũng như độc giả ngày nay của ông.

Chả có thế mà người ta thường gọi ông là ông “vua phóng sự đất Bắc”, là “Ban dắc của Việt Nam”. Tiêu biểu là các tập tiểu thuyết: “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”, “Cơm thầy cơm cô”, “Làm đĩ”, “Lấy nhau vì tình”, “Trúng số độc đắc”, “Dứt tình”... là viết trong các năm 1933, 1934, 1937, 1938, các phóng sự: “Cạm bẫy người” (1933), “Kỹ nghệ lấy Tây” (1934), “Lục xì” (1937), “Một huyện ăn tết” (1938).

Tất cả các tác phẩm trên, kể cả truyện ngắn, các bài báo, tác phẩm dịch thuật đa phần Vũ Trọng Phụng viết trong thời gian đói khổ và bệnh tật (chủ yếu là bệnh lao phổi nặng).

Về học vấn, Vũ Trọng Phụng cũng chỉ học hết bậc tiểu học, vì nhà nghèo, phải ra Hà Nội làm công nhân nhà in, còn bị đuổi việc, viết văn, làm báo kiếm sống, nuôi mẹ, vì bố mất sớm. Sau này Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng trong một gia đình: chỉ có một mẹ, một vợ và một con gái (Vũ Mỹ Hằng).

Vũ Trọng Phụng tự học, tự viết, trường đời đã dạy cho ông nhiều thay cho sách vở. Ngay từ tác phẩm đầu tay có tên: “Đời cạo giấy”, Vũ Trọng Phụng đã hướng nghiệp theo văn chương. Ông viết liên tục, bằng vốn sống thực tế, ngòi bút chưa bao giờ ráo mực. Và lao động khổ sở, cuộc sống vô vàn khó khăn đã tạo ông thành tài năng.

Về điều này, nhà văn Ngô Tất Tố đã nhận xét rất chính xác về Vũ Trọng Phụng trên các Tạp chí Tao đàn số 12/1939, số đặc biệt khi nhà văn Vũ Trọng Phụng qua đời. “Trong các nhân vật làng văn hiện thời, ông Phụng là người nghèo lắm, khác hẳn những ông Trần Tế Xương và Nguyễn Phúc Đồng. Cái nghèo của Phụng là thứ nghèo gia truyền “không phải nghèo nòi”...

Ở nơi quê quán, ông (tức Vũ Trọng Phụng) không có lấy một tấc đất cắm dùi và đã lâu nay ít khi ông bước chân tới: “Tư tưởng và xã hội của tôi nó đã kết lại từ trong máu”- Có lần ông nói với tôi (tức Ngô Tất Tố) như thế.

Người khác nghe những chuyện đó, có lẽ sẽ là ông xấu số. Nhưng tôi, tôi nhận thấy chính là cái may của ông.

Thật vậy.

Nếu được sinh trưởng vào nhà phú quý, hay được học hành thi đỗ, có việc làm cao lương thì ông cũng đến làm một cậu ấm phá của, hay một ông chủ xe hơi, nhà lầu, xã hội ai còn biết ông là ai, tôi đâu có bạn với ông.

Một điều đáng trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu của mình mà không phiền lụy người nào, khi túng thiếu đến cực điểm cũng vậy” (“Vũ Trọng Phụng một tài năng độc đáo”, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin Hà Nội- 2000)

Vũ Trọng Phụng là nhà văn tài ba, trọng nhân cách, giữ gìn phẩm giá của nhà văn: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Sau này nói về trên đường đi đám tang của Vũ Trọng Phụng, nhà văn Thanh Châu có viết (xem trang 459 sách đã dẫn): “Trên con đường này, mới trong vòng bốn tháng trời, tôi đã đi tiễn hai người về “nơi yên nghỉ cuối cùng”. Hai cái thiên tài lỗi lạc đã để lại nhiều cho đất nước. Tháng 6/1939, Tản Đà chết giữa cảnh nghèo, tháng 10/1939 Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh phổi”.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng chết trẻ, nhưng đúng như Ngô Tất Tố đã viết (trang 416, sách đã dẫn): “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ”...

Đến nay đã có hàng trăm bài và hàng chục cuốn sách nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm của ông đã trở thành truyện phim như “Số đỏ”, được giảng dạy từ bậc trung học đến bậc đại học, nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu về văn chương Vũ Trọng Phụng. Ở một số tỉnh- thành đã đặt tên phố mang tên Vũ Trọng Phụng như phố Vũ Trọng Phụng (ở phường Quảng An, quận Tây Hồ- Hà Nội).

Tại quê hương ông ở TP Hưng Yên, tại phường Hiến Nam có con phố Vũ Trọng Phụng, cận kề với phố Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Hoan- những văn tài nổi trội của Hưng Yên văn hiến.

LÊ HỒNG THIỆN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh