Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn dành rất nhiều tình cảm và lòng kính trọng đối với người đã từng chỉ huy mình trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) năm 1940. Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Hồng- nguyên Bí thư Quận ủy Vũng Liêm.
Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn dành rất nhiều tình cảm và lòng kính trọng đối với người đã từng chỉ huy mình trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) năm 1940. Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Hồng- nguyên Bí thư Quận ủy Vũng Liêm.
Khi bà mất (năm 1977), tuy bộn bề rất nhiều công việc nhưng nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã về viếng với dòng chữ trên tràng hoa “Kính viếng người chị, người thầy, người đồng chí mẫu mực”.
Bà Nguyễn Thị Hồng (Hà Thị Lan). |
Một lòng vì Đảng, vì dân
Bà Nguyễn Thị Hồng tên thật là Hà Thị Lan (sinh năm 1915, tại xã Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho- nay là tỉnh Tiền Giang), xuất thân trong gia đình nông dân nghèo.
Năm 1930, bà thoát ly đi hoạt động cách mạng và tham gia gánh hát Đồng Nữ- gánh hát của cách mạng tổ chức, diễn những vở tuồng lịch sử có nội dung yêu nước, cổ vũ nhân dân đứng lên chống ngoại xâm.
Sau đó, bà tham gia rải truyền đơn ở TP Mỹ Tho, làm liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành Sài Gòn. Sau một thời gian hoạt động, bà bị địch bắt nhưng mưu trí trốn thoát rồi về Cà Mau tiếp tục hoạt động.
Tháng 6/1938, bà Nguyễn Thị Hồng được kết nạp vào Đảng và hoạt động ở Hội Tương tế tỉnh Cần Thơ. Đến tháng 9/1939, bà được điều về tỉnh Vĩnh Long, củng cố gây dựng lại cơ sở cách mạng tại Vũng Liêm.
Tháng 6/1940, bà được chỉ định làm Tỉnh ủy viên tỉnh Vĩnh Long, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong số cán bộ nòng cốt lúc này có đồng chí Phan Văn Hòa (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Đêm 22 rạng 23/11/1940, dưới sự chỉ huy của bà, quân và dân huyện Vũng Liêm nổi dậy cướp chính quyền, phá rã toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch ở các xã, đốt dinh quận và làm chủ huyện lỵ trong 8 giờ. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng các nơi trong tỉnh lúc bấy giờ và cả sau này.
Có một chiến công vang dội tại Vĩnh Long năm 1940 do bà Nguyễn Thị Hồng chỉ huy đã phá tan sự kiểm soát gắt gao, đông đảo với nhiều vũ khí hiện đại, lực lượng tinh nhuệ của Pháp và bè lũ tay sai.
Đó là trận Bắc Nước Xoáy làm nức lòng quân dân cả nước. Địa điểm trên nay đã được xây dựng thành Bia Chiến thắng (tọa lạc tại xã Tân An Luông- Vũng Liêm).
Ông Hà Văn Thái (xã Tân An Luông) nhớ lại: “Ngày đó, người dân phấn khởi lắm, kéo nhau về Bắc Nước Xoáy coi giặc chạy có cờ luôn. Nhà nhà reo vang, xóm làng mừng vui không ngủ. Ai ai cũng nôn nóng muốn thấy mặt bà Hồng và ông Chín Hòa hết”.
Cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Sau chiến thắng Bắc Nước Xoáy của ta, địch truy lùng, đàn áp, bắt bớ rất gắt gao. Bà Nguyễn Thị Hồng phải chuyển địa bàn về Rạch Giá và được phân công làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Rạch Giá). Đến tháng 5/1941, bà bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn).
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, bà về Sa Đéc tiếp tục hoạt động. Từ năm 1945 đến năm 1949, bà là Huyện ủy viên huyện Châu Thành (Sa Đéc) rồi Ủy viên BCH phụ nữ Nam Bộ.
Năm 1950, bà được điều về làm Ủy viên BCH Phụ nữ tỉnh Vĩnh Trà cho đến năm 1954. Từ năm 1955- 1957, bà được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, rồi Bí thư Thị ủy Trà Vinh.
Từ năm 1958- 1959, bà là Huyện ủy viên huyện Cầu Kè. Năm 1960, bà được điều sang công tác ở tỉnh Cần Thơ, rồi Khu ủy Khu Tây Nam Bộ cho đến ngày giải phóng.
Tượng bà Nguyễn Thị Hồng đặt tại Công viên Nam Kỳ khởi nghĩa (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). |
Sau năm 1975, bà công tác ở Ban Bảo vệ Đảng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cửu Long. Ngày 2/3/1992, sau thời gian lâm trọng bệnh bà đã từ trần, thọ 77 tuổi.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà đã để lại trong lòng đồng chí, đồng bào một hình ảnh đẹp về một phụ nữ Nam Bộ, một nữ đảng viên dũng cảm, gan dạ, trung kiên và hết lòng vì Đảng, vì dân, vì đồng đội.
Để ghi nhớ và tôn vinh sự cống hiến to lớn của bà, tỉnh Vĩnh Long và huyện Vũng Liêm đã xây dựng tượng đài của bà nhân kỷ niệm 76 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/2016).
Tượng đài được đặt trong khuôn viên rộng thuộc Công viên Nam Kỳ khởi nghĩa với vốn đầu tư trên 550 triệu đồng do Công ty Mỹ thuật Viễn Đông (TP Hồ Chí Minh) thực hiện. Tượng được tạc bằng đá tự nhiên màu đen có xuất xứ từ Ninh Bình.
Về Vũng Liêm bây giờ, du khách sẽ có dịp đến thắp hương và nghe nhiều câu chuyện kể thật hào hùng về một chân dung phụ nữ kiên cường, mưu trí thao lược đã viết nên một huyền thoại trên đất Vũng Liêm nói riêng, Vĩnh Long nói chung mãi mãi tạc vào lịch sử.
Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin