Bước đầu tạo nguồn lực cho "Trường kỳ kháng chiến" ở Vĩnh Long

05:12, 29/12/2020

Bước sang năm 1946, ý đồ tái chiếm để đặt ách đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp đã rõ ràng, đòi hỏi Chính phủ ta phải có một quyết định dứt khoát để xoay chuyển tình thế. 

(VLO) Bước sang năm 1946, ý đồ tái chiếm để đặt ách đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp đã rõ ràng, đòi hỏi Chính phủ ta phải có một quyết định dứt khoát để xoay chuyển tình thế.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước lại bắt đầu!

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo toàn lực lượng tiến công địch song song với đẩy mạnh công tác binh địch vận và diệt ác trừ gian.

Chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn các vùng tự do ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Châu Thành bị địch lấn chiếm được khôi phục. Bước sang năm 1947, Ủy ban Hành chính kháng chiến và Mặt trận Việt Minh tỉnh được củng cố và các đoàn thể kháng chiến đều phát triển mạnh.

Nâng tầm công tác kinh tế tài chính của kháng chiến

Sau một năm nỗ lực đánh địch và phát triển lực lượng, Đảng- quân và dân Vĩnh Long đã đứng vững trên địa bàn của mình, buộc quân địch phải co cụm, kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” tại tỉnh của chúng đã thất bại.

Tại thời điểm đó, nhìn chung phương châm “Trường kỳ kháng chiến” của ta tại tỉnh thực hiện đã có hiệu quả, tuy nhiên vấn đề cốt lõi của nó là lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho dân và cho lực lượng kháng chiến thì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, bởi lực lượng chủ yếu làm ra của cải lại phải cầm súng chiến đấu.

Vì vậy, bước vào giai đoạn tiếp theo cuộc kháng chiến thực sự bước vào trận địa gay go, cán bộ chiến sĩ ta vừa phải vật lộn với sự sống của chính mình, của đồng đội vừa phải đánh giặc bảo vệ đồng bào, bảo vệ quê hương.

Biết được khó khăn đó của cuộc kháng chiến, địch tăng cường cướp phá, dùng quân đội thực hiện “chính sách tam quang” là đốt sạch, giết sạch, phá sạch trong các cuộc càn quét vào vùng của ta.

Đồng thời chúng cũng ra sức kiểm soát chặt các tuyến giao thông thủy bộ chính để ngăn cản các vùng kháng chiến hỗ trợ lẫn nhau.

Để đối phó, Tỉnh ủy Vĩnh Long tiếp tục vận động nhân dân tiến hành kháng chiến theo tinh thần Chỉ thị ngày 22/12/1946 của Trung ương về “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” vận động toàn dân đánh giặc và tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Đặc biệt, trong đợt vận động này đưa công tác kinh tế tài chính (kinh tài) lên ngang tầm với các công tác quan trọng khác và do chính Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo.

Chủ động tạo nguồn lực phục vụ kháng chiến lâu dài

Điểm cốt yếu trong công tác kinh tài giai đoạn này là phát triển kinh tế tự cung tự cấp: đẩy mạnh sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm, công cụ sản xuất và các nhu yếu phẩm khác phục vụ người dân và nuôi quân đánh giặc.

Trước mắt, thực hiện giảm tô 25%, bỏ thuế thân và tạm cấp ruộng đất cho nông dân không đất sản xuất bằng cách tịch thu đất của điền chủ ác bá, vận động các điền chủ yêu nước hiến đất hay trưng mua đất của họ…

Nhờ đó đến năm 1950, ta có trên 30.000ha ruộng cấp cho trên 60.000 nhân khẩu tại địa phương. Nông dân có đất phấn khởi tăng gia sản xuất qua các tổ vần đổi công được tổ chức đều khắp đã đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến. Địa phương đi đầu trong phong trào này là huyện Tam Bình.

Cùng với sản xuất lương thực, qua các đoàn thể kháng chiến vận động các gia đình đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc và thủy sản cho nhu cầu của gia đình và xóm làng.

Ở 3 huyện: Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn, các phong trào này phát triển mạnh, tại mỗi huyện có từ 1- 2 triệu vịt thịt và vịt đẻ. Riêng huyện Tam Bình đến năm 1950 có trên 700 ngàn con heo thịt.

Cùng với chú trọng sản xuất nhiều lương thực thực phẩm, ta vận động các cơ sở tiểu thủ công nghiệp như lò rèn, lò đường, cơ sở đan đát, dệt vải,… làm nhiều mặt hàng phục vụ đời sống người dân.

Ta cũng chủ trương lấy của địch để trang bị cho ta từ vũ khí đến các đồ quân dụng. Chỉ trong năm 1947, quân chủ lực tại tỉnh kết hợp với dân quân du kích đánh thắng nhiều trận như trận đánh ở cống Long An, trận giồng Thanh Bạch, trận Bờ Tràm, trận đánh trên giao thông ở Đông Thành, đặc biệt đã thắng lớn trong chiến dịch Cầu Kè tiêu hao được nhiều sinh lực địch: diệt hàng trăm lính, thu rất nhiều súng đạn và quân trang quân dụng trang bị cho ta…

Về mặt tổ chức công tác kinh tài, những năm đầu của cuộc kháng chiến, ta thành lập Ban Quản thủ làm nhiệm vụ thu đảm phụ và bước đầu thu một số thuế buôn bán và thuế tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, trong việc thu thuế thương mại ở tỉnh lỵ, huyện lỵ và các thị trấn, ta đưa cán bộ vào các chợ để vận động đã được các hộ buôn bán đồng tình ủng hộ.

Bước sang năm 1948, để công tác kinh tài đi vào nề nếp, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Vĩnh Long lập Ty Tài chính và Kho bạc tỉnh.

Để có nguồn thu rõ ràng, tỉnh lập sổ điền viên để xác định diện tích, mức thuế cho các thửa đất; định thuế cho các loại ghe thuyền và xe; thu lúa quản thủ và thu thuế lúa gạo bán ra thành thị...

Nhằm tạo thuận lợi trong trao đổi hàng hóa giữa các vùng, theo chủ trương chung Kho bạc tỉnh phát hành một số tín phiếu lưu hành như đồng tiền Đông Dương, nhiều hộ buôn bán ở tỉnh lỵ và các thị trấn đã ủng hộ mua tín phiếu. Cuối năm 1949, ta phát hành tờ bạc tài chính Việt Nam (“giấy bạc Cụ Hồ”) .

Từ đây, ngành tài chính được xây dựng từ tỉnh đến xã, đã có những chính sách, chủ trương cụ thể hoạt động theo hệ thống chính quyền các cấp và đã tạo được ngân sách phục vụ cho công cuộc kháng chiến tại địa phương.

Theo đó, Ủy ban Hành chính kháng chiến và Quân sự mỗi bộ phận sử dụng 40% ngân sách, 10% dự trữ cho tỉnh, 10% nộp về Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ.

Nhìn chung, trong giai đoạn đầu của công cuộc kháng chiến, Vĩnh Long ngoài chỉ đạo tăng gia sản xuất lương thực thực phẩm và nhiều loại nhu yếu phẩm, tiến hành thu các loại thuế nông nghiệp, thương mại, thuế nhập thị nhưng ta vẫn chủ trương vận động nhân dân đóng góp nhiều nhất sức người sức của để tạo nguồn lực đảm bảo cho công cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi.

Trong đó ngành tài chính buổi đầu từ “xin” dân, “nhờ” dân ủng hộ đóng góp, bước đầu tiến hành thu các sắc thuế và góp phần không nhỏ trong vận động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, lấy của địch đánh địch, nuôi ta.

*Bài có sử dụng tài liệu của quyển “Lịch sử tài chính tỉnh Vĩnh Long (1930- 2000)” do Sở Tài chính Vĩnh Long phát hành năm 2004.

HỒNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh