Cách đây 103 năm, vào đêm (7/11/1917), sau tiếng đại bác từ chiến hạm Rạng Đông (loạt đại bác không nhắm vào Cung điện Mùa Đông mà chỉ dùng tiếng nổ với mục đích làm đối phương hoang mang), lực lượng Cận vệ Đỏ và các thủy thủ ủng hộ cách mạng đã tiến vào đánh chiếm Cung điện Mùa Đông, nơi đặt bản doanh của chính phủ lâm thời tư sản.
“Chiếm cung điện Mùa Đông”- tranh của họa sĩ người Nga Vladimir Serov. |
Cách đây 103 năm, vào đêm (7/11/1917), sau tiếng đại bác từ chiến hạm Rạng Đông (loạt đại bác không nhắm vào Cung điện Mùa Đông mà chỉ dùng tiếng nổ với mục đích làm đối phương hoang mang), lực lượng Cận vệ Đỏ và các thủy thủ ủng hộ cách mạng đã tiến vào đánh chiếm Cung điện Mùa Đông, nơi đặt bản doanh của chính phủ lâm thời tư sản. Quân phòng thủ cung điện chỉ kháng cự lẻ tẻ rồi nhanh chóng tan rã, chính phủ tư sản lâm thời bị phế truất các thành viên của chính phủ này hoặc bị bắt hoặc bỏ trốn.
Dưới sự lãnh đạo của Lênin, giai cấp công nhân, nông dân và binh sĩ giác ngộ đã vũ trang khởi nghĩa làm cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công vang dội, là một sự kiện có tính bản lề trong lịch sử thế giới với tầm ảnh hưởng lan tỏa trong suốt thế kỷ XX. Nước Nga và cả thế giới đã bước sang một kỷ nguyên mới.
Đã có nhiều họa sĩ vẽ về đề tài cuộc cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại, nhưng khi xem bức tranh sơn dầu của họa sĩ người Nga Vladimir Serov tựa đề “Chiếm Cung điện Mùa Đông”, đã để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc. Trong tranh hiện lên khung cảnh Cung điện Mùa Đông sau cuộc tấn công thời điểm những người cộng sản đã làm chủ cung điện.
Tại sảnh chính, xuất hiện hai nhân vật gồm một người lính đứng thẳng vai khoác súng trường, tay mang băng đỏ với trang phục nghiêm chỉnh biểu trưng cho giai cấp công nhân- giai cấp lãnh đạo- đang mồi thuốc cho một người lính trong trang phục của vùng quê biểu trưng cho giai cấp nông dân, họ đã cùng sát cánh bên nhau trong cuộc cách mạng. Ở góc xa là một người trong trang phục lính thủy- những người lính giác ngộ đứng về phía cách mạng giờ đây ngồi thanh thản đọc báo.
Cả ba giai cấp công- nông- binh đều xuất hiện trong tranh. Cái độc đáo của họa sĩ là mô tả chân thực không khí bình lặng tại Cung điện Mùa Đông sau khi lực lượng cách mạng làm chủ. Ta còn thấy trên nền nhà còn rơi vãi những vỏ đạn, những mảng tường vỡ, có cả những vệt máu thấm trên nền gạch thể hiện sự ác liệt mất mát, hy sinh trong chiến đấu.
Nhưng trong khung cảnh cuộc chiến vừa mới trải qua ấy thì các bức tượng, bức phù điêu, cầu thang, hoa văn trang trí trên các đầu cột trong cung điện vẫn nguyên vẹn, thể hiện một nhà nước Xô Viết của giai cấp vô sản dù sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền nhưng luôn quan tâm gìn giữ các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, luôn trân trọng và bảo vệ cái đẹp.
Trần Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin