Năm 1970 tôi được nhận về công tác ở Ban Binh vận tỉnh. Thời gian này, lúc chưa được phân công đi hoạt động, tôi lấy giấy in truyền đơn, còn một mặt giấy trắng, vẽ hình người này, người kia. Chú Ba- lãnh đạo Ban Binh vận tỉnh- thấy tôi có năng khiếu nên bảo: "Ban sắp xếp cho bây đi học lớp hội họa để về công tác văn phòng". Vậy là từ đó, tôi công tác ở văn phòng, vừa đi học lớp hội họa ở huyện.
[links()]
(Tiếp theo và hết)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Năm 1970 tôi được nhận về công tác ở Ban Binh vận tỉnh. Thời gian này, lúc chưa được phân công đi hoạt động, tôi lấy giấy in truyền đơn, còn một mặt giấy trắng, vẽ hình người này, người kia. Chú Ba- lãnh đạo Ban Binh vận tỉnh- thấy tôi có năng khiếu nên bảo: “Ban sắp xếp cho bây đi học lớp hội họa để về công tác văn phòng”. Vậy là từ đó, tôi công tác ở văn phòng, vừa đi học lớp hội họa ở huyện.
Sau lớp học hội họa, tôi được phân công làm nhiệm vụ kẽ chữ, in ấn truyền đơn, thời điểm đó kéo giấy sáp in theo phương pháp thủ công. Lúc đó, huyện có thực hiện tờ tin nhưng chủ yếu tôi in truyền đơn. Cũng trong năm này, chú họa sĩ Minh Trí- một lãnh đạo ở tỉnh xuống đơn vị xem các tấm ảnh của tôi đã vẽ và gật gù bảo:
- Vẽ nét lắm. Con siêng năng rèn luyện sẽ có thể thành công ở chuyên ngành này.
Rồi chú dặn dò, trao đổi cho tôi một số kinh nghiệm khi vẽ người, vẽ cảnh. Tôi sung sướng được chú khích lệ nên từ đó càng cố gắng miệt mài, say sưa vẽ.
Mười bốn tuổi tham gia kháng chiến, tôi chưa có chế độ sinh hoạt phí, không có mùng ngủ. Đêm đến, tôi được các chị kêu vô mùng cho ngủ ké. Sáng ra, vừa thấy tôi, các anh đã nói:
- Mầy sướng quá hé, tụi tao không có chị nào kêu vô mùng ngủ chung.
Có anh còn hỏi:
- Mầy ngủ chung với các chị… thấy sao, kể nghe coi!
- Thấy gì đâu mà kể. Tui vô mùng thì ngủ thôi.
Nhưng các anh vẫn theo nằn nì hỏi tôi:
- Kể tụi tao nghe đi mà. Mầy vô mùng với các chị, mầy nằm như thế nào?
- Có chị nào gác mầy hông?
- Đã bảo tui vô mùng thì ngủ rồi, có biết gì đâu mà các anh hỏi mãi!
Các anh lại phá lên cười, lắc đầu và bảo:
- Mầy chỉ biết mê ngủ thôi!
Vì chưa có chế độ nên tôi chỉ có 2 bộ quần áo mang theo lúc đi cùng dượng Hai, hôm nào trời mưa, quần áo không khô, tôi phải mặc đồ ẩm. Thế nên hôm đó, địch bắn pháo 155 li từ quận Tam Bình vô xã Ngãi Tứ - thuộc vùng kháng chiến, tôi trèo lên cây, ngóng cổ xem trái sáng rơi chỗ nào để nhặt về may quần áo.
Sáng sớm, tôi rủ một anh cùng bơi xuồng đi nhặt dù trái sáng. Tôi nhặt được 3 cây dù, mỗi cây hơn 3m vuông vải ba- tích, tôi mở một cây, thử cắt chiếc quần đùi nhưng cũng không được, vì cây dù được may lắp ghép từ nhiều mảnh. Còn lại hai cây dù, tôi xếp vào ba lô dùng làm chăn đắp chống lạnh.
Hàng ngày, ngoài giờ học vẽ, các cô chú, anh chị đi công tác bên ngoài; tôi ở cơ quan tích cực tham gia các hoạt động khác với ý thức “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” như dượng Hai tôi đã dạy lúc đưa tôi đi tham gia cách mạng. Tôi ra vườn kiếm củi, hái rau, lúc này do không biết lội nên tôi không dám theo các anh ra sông bắt cá đối, cá bông để cải thiện bữa ăn cho đơn vị… mà chỉ đi tát xẻo bắt cá, mò tôm, cua ốc ở vũng, đập… Có hôm tôi vô xẻo, tận hàng rào nhất của đồn giặc để mò được nhiều tôm, cá. Tôi còn biết làm món ăn mới cho mọi người ngon miệng như: lấy chuối xiêm vừa già dùng muỗng nạo nhừ, rồi giã tép ra nấu canh với chuối và chấy mỡ hành cho vào nồi canh bốc hơi thơm ngát. Đến bữa ăn, nhìn mọi người ngon miệng, lòng tôi rất vui sướng.
Chú Ba khen:
- Thằng nhỏ này giỏi hen! Canh ngon đó bây!
Vài tháng sau đó tôi được bầu làm “Tổ trưởng lao động”. Tôi vui mừng lắm vì mình dù còn nhỏ vẫn làm được việc cho đơn vị. Sống trong cơ quan, tôi nhỏ tuổi nhất lại là lính mới, các chú sợ tôi bị giặc bắt được, tra khảo sẽ khai hết các hầm bí mật nên cứ có tin giặc đi ruồng là buộc tôi phải chạy theo dân trốn tránh. Tôi tự ái lắm! Hôm ấy, có tin lính giặc sắp đi ruồng bố. Tôi không chạy theo dân như những lần trước mà lặng lẽ lấy lôi gài dài theo đường vô vườn đơn vị trú đóng.
Chú Tám nhìn thấy tôi, ngạc nhiên hỏi:
- Sao bây còn ở đây?
Tôi mạnh dạn trả lời:
- Con không chạy theo dân đâu! Con đi làm cách mạng mà mấy chú bảo con chạy theo dân hoài.
Chú Tám nói:
- Bây còn nhỏ, bảo bây chạy theo dân hợp pháp cho khỏe thân mà không chịu đi! Bây ở đây lính đến thì phải làm sao?
Tôi quả quyết:
- Lính đến, con chui xuống đám lục bình “chém dè”!
Chú Tám cười khà bảo:
- Bây bắt đầu có “lửa” rồi đây. Nhưng theo tụi tao gian khổ và nguy hiểm lắm, chết như chơi à nghe.
Tôi mạnh dạn trả lời:
- Con không sợ đâu!
Nhưng chú Tám cũng chỉ là cán bộ, không phải là người quyết định cho tôi ở lại đơn vị hay không! Chú nhìn tôi tiếp tục gài lôi mà lắc đầu, im lặng!
Hôm đó, lính chỉ đi ngang ngoài đồng, chứ không càn vào chân vườn như đơn vị nhận tin. Chú Tám mách lại các chú lãnh đạo về việc của “thằng nhỏ”:
- Tui bất lực với nó! Tui nói mãi nó không chịu chạy theo dân hợp pháp. Mai mà hôm nay lính không đi càn vào nơi ta đóng quân.
Các chú lãnh đạo thấy tôi “lì quá”, không chịu chạy theo dân nữa nên chẳng thể để mặc tôi trốn tránh không an toàn nên đã bố trí cho tôi được ở chung hầm bí mật với chú Tám khi có lính giặc đi càn.
Vậy là từ hôm đó về sau, khi lính đi càn tôi không còn phải chạy theo dân. Tôi sung sướng với suy nghĩ: “Mình đã được ở lại để sẵn sàng cùng đơn vị chiến đấu với kẻ thù, vậy là các chú không còn coi mình là trẻ con nữa”.
Lúc mới vào cơ quan, tôi chưa biết lội sông, vì sợ đỉa nên lúc ở nhà không dám xuống sông tập lội. Anh vệ sĩ của lãnh đạo Ban Binh vận lớn hơn tôi vài tuổi, nói:
- Vào đây mà mày không biết lội làm sao qua sông, làm sao chém vè khi giặc ruồng?- rồi anh dạy- Mày bắt con chuồn chuồn, mà phải là chuồn chuồn trâu cho nó cắn rốn, rồi tập lội sẽ lội được liền.
Buổi chiều hôm đó, tôi thực hành ngay. Trời ạ! Con chuồn chuồn trâu cắn đau mắc chết vậy, còn bị chảy máu, sau đó rốn sưng lên, vài hôm sau thì làm mủ luôn. Nhưng vì có niềm tin sẽ biết lội nhờ chuồn chuồn trâu cắn rốn nên tôi tích cực ôm bập dừa tập lội mỗi ngày. Cuối cùng tôi cũng biết lội. Sau này tôi mới biết là anh vệ sĩ rắn mắt trêu phá tôi chơi, chứ đâu phải chuồn chuồn trâu cắn rốn mới biết lội!
Thời kỳ này, ở vùng cơ quan tôi đứng chân, người dân bỏ vườn tược vô thành sống để tránh đạn bom mà không thu hoạch được gì. Chúng tôi ở ngay vườn trồng mãng cầu xiêm. Các anh dạy tôi kinh nghiệm: “Cứ thấy trái nào đã thẳng da, mầy vặn cuống, rồi lấy lá chuối khô phủ lên để tránh chim ăn, ngày hôm sau sẽ có mãng cầu chín ăn liền”. Tôi làm theo, cơ quan có mãng cầu ăn hàng ngày. Tôi còn hái đem ra đồng cho dân ăn. Bà con rất vui và còn bắt gà, vịt nuôi ngoài đồng gửi cho cơ quan chúng tôi.
Sống với cách mạng trong thời niên thiếu, tôi có những kỷ niệm khó quên. Thời đó, bom đạn tôi không sợ nhưng tôi rất sợ… “ma”. Hôm ấy, trời chạng vạng tối, tôi cùng chú Tư Thuấn đi cắm câu cách đồn địch khoảng 2 cây số. Địch bắn đạn rơi lủm chủm dưới mương. Chú Tư vốn sợ súng đạn nổ, vụt tốc chạy. Tôi cũng chạy theo, nhưng chú chạy nhanh quá, tôi chạy theo không kịp bị bỏ lại phía sau. Đường toàn là lùm bụi, cây cối chằng chịt, tôi sợ “ma” nên vừa chạy vừa khóc hu hu.
Cơ quan thấy tôi sợ “ma” quá, mới giao cho nhiệm vụ chuyển công văn, mà phải đi từ chạng vạng tối đến đêm để bỏ tính nhát ma. Chính vì sợ “ma” nên tôi cũng sợ người chết. Lần đó, đơn vị bộ đội chủ lực đánh với địch ở Giồng Ké hy sinh 9 anh. Cơ quan giao tôi với anh Năm Tài, anh Sáu Thành tắm rửa, tẩn liệm các anh và đưa xuống xuồng cho đơn vị địa phương đưa đi an táng. Chạm vào xác các anh lạnh ngắt, tôi run như cầy sấy nhưng cũng cố gắng làm nhiệm vụ với suy nghĩ: “Các anh cũng là đồng chí của mình mà!” Và vài lần sau nữa, cơ quan tiếp tục phân công tôi tắm rửa xác các anh bộ đội hy sinh, nhờ vậy mà tôi quen dần với việc tiếp xúc xác chết và hết sợ “ma”.
Tôi được cơ quan cho đi học lớp sơ cấp mỹ thuật ở tỉnh. Học chỉ sáu tháng, tôi thành thạo các môn: ký họa và cơ thể học căn bản, từ đó tôi nắm được tỷ lệ vẽ con người. Chú họa sĩ ở đơn vị chỉ dạy tôi tận tình, tôi cũng rất chăm chỉ học tập. Hôm đó, nhìn các tấm ảnh tôi vẽ, chú họa sĩ khen:
- Bây có năng khiếu đó, cố gắng học tập sẽ thành công.
Năm 16 tuổi, tôi mới có chế độ sinh hoạt phí. Tháng đầu tiên nhận 500đ, đó là đồng tiền đầu tiên của bản thân, tôi vui lắm. Tôi hí hửng ra đồng, gửi bà con đi chợ mua một cái mùng, mua vải Po-li và Li-phăng dầu để may một bộ quần áo (loại vải này giặt giũ rất mau khô) và một bịch kẹo.
Cuối năm 1972, tôi đau buồn vì chú Minh Trí- người họa sĩ tôi rất ngưỡng mộ, có lần khích lệ tôi khi về thăm cơ quan- vừa hy sinh. Tôi khóc thầm thương chú và lòng căm thù giặc càng dâng cao. Sau đó, tôi được điều về Ban Tuyên huấn tỉnh công tác. Lúc này, tôi được phân công vẽ tranh đả kích, minh họa nhưng chưa được vẽ bìa. Thuở đó, đơn vị chỉ có 2 họa sĩ, người họa sĩ đàn anh là trưởng nhà in chuyên vẽ bìa. Lần đó, anh được phân công vẽ người chiến sĩ giải phóng quân, anh vẽ và thông qua lãnh đạo Ban Tuyên huấn lúc bấy giờ là đồng chí Sáu Thanh. Ông góp ý đến 3 lần, sửa mãi vẫn không đạt. Anh ấy tự ái bỏ cuộc, đồng chí Sáu Thanh nhớ đến tôi- một họa sĩ còn quá trẻ, chưa lần được vẽ bìa- giao cho nhiệm vụ vẽ thử.
Tôi nhìn ảnh của người anh đồng nghiệp đã vẽ, phát hiện ngay: người chiến sĩ bị già và trông như dị dạng do không đúng tỷ lệ vẽ người nên ảnh mất cân đối. Thế là tôi vẽ lại. Bức ảnh đầu tiên vẽ người được chọn sử dụng làm bìa. Không ngờ đó là cơ hội để từ đó tôi thường được phân công vẽ bìa sách.
Năm 1973, tôi được cho về khu Tây Nam Bộ học chuyên ngành 6 tháng ở Rừng Đước Kinh Sọ Đầu (Cà Mau). Đây là nơi mà thời Pháp thuộc, chúng chặt đầu người ném xuống sông nhiều đến mức người dân cứ mò đụng hoài nên gọi là Kinh Sọ Đầu.
Học xong, khu giữ tôi ở lại làm nhiệm vụ trang trí, phục trang, đạo cụ cho Đoàn ca múa khu Tây Nam Bộ (C7), thuộc Tiểu ban Văn nghệ căn cứ ở Cơi Năm (huyện Trần Văn Thời- Cà Mau), vùng này thuộc rừng U Minh Hạ, quanh năm nước đọng, đầm lầy, đi lại bằng xuồng ba lá. Nơi đây thuộc vùng giải phóng, không có đồn bót, nhân dân sống xen kẽ với các đơn vị cách mạng, máy bay chỉ bay ngang trên cao chứ không dám xuống thấp. Vùng giải phóng cách chợ Cà Mau đi bằng vỏ lãi cả ngày mới đến.
Giữa năm 1975, tôi được lệnh chuyển về tỉnh Trà Vinh. Từ Cà Mau về, qua lộ 4- giáp Sóc Trăng, Rạch Giá rất khó khăn, vì địch bố trí một đại đội lính và 2 chiếc cơ giới tuần tra thường xuyên. Nhờ dân giúp (cơ sở của giao liên), tôi và các anh được rút về tỉnh mới qua lộ 4 an toàn. Tín hiệu của dân: khu vực nhà dân đèn tối thì không được lên lộ, đèn nhà dân thắp sáng trưng mới được lên. Giao liên khi thấy đèn nhà dân sáng, dẫn chúng tôi đi thẳng vào nhà nghe bà má cung cấp thông tin cho biết địch gài mìn ở đâu, gài như thế nào. Giao liên lấy cao su trải lên mặt lộ cho chúng tôi đi qua không để lại dấu chân sình. Khi chúng tôi qua hết, giao liên dẹp tấm cao su.
Ngày 30/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Anh em trong đơn vị ôm chầm lấy nhau. Niềm hạnh phúc lớn lao không sao diễn tả được. Đơn vị rộn rịp chuẩn bị đi tiếp quản theo sự phân công của tổ chức. Sáng ngày 1/5/1975, tôi được phân công cùng các anh ra tiếp quản TX Vĩnh Long. Và chiều 1/5/1975, tôi được phân công về Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh tiếp quản một số trụ sở của địch.
Vài ngày sau ngày giải phóng miền Nam, tôi được lãnh đạo Ban Tuyên huấn gọi lên. Chú Trưởng ban bảo:
- Bây vẽ ảnh Bác Hồ để treo ở Thương xá (chợ Bách hóa) và phục vụ cho mít tinh ở sân vận động vào ngày 19/5.
Chú nói tiếp:
- Vẽ ảnh Bác Hồ với kích cỡ lớn, ngang 3m, cao 4,5m.
Năm đó, tôi vừa 19 tuổi, lần đầu tiên nhận vẽ ảnh Bác Hồ với kích cỡ lớn như vậy, tâm trạng tôi đầy lo lắng, cứ sợ vẽ không đạt yêu cầu. Nhưng với lòng kính yêu Bác Hồ và chấp hành phân công của tổ chức, tôi đã cố gắng hết sức mình, đưa tình cảm vào nét cọ với quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ.
Dáng người nhỏ thấp nên tôi phải bắc thang trèo lên mới vẽ được. Dù có khó khăn nhưng sau 15 ngày thi công, tôi đã vẽ xong 2 tấm ảnh Bác Hồ trên nền thiếc, bằng nước sơn Bạch Tuyết. Nhìn ảnh Bác Hồ, lòng tôi đầy cảm xúc, tôi nhớ đến mong muốn luôn thôi thúc trong tim Bác:“Bác rất muốn vào thăm đồng bào miền Nam”. Khi tôi mời Lãnh đạo Ban Tuyên huấn xem. Các chú xem xong tươi cười vỗ vai tôi nói:
- Khá lắm.
Và các chú cho người đi treo ngay. Ảnh Bác được bố trí đặt ở hai nơi như dự kiến: Thương xá và sân vận động để phục vụ cho cuộc mít tinh lớn của tỉnh tổ chức, nhân dịp sinh nhật Bác Hồ (19/5), cũng là chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhân dân TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long) sống trong vùng kiềm nên mấy ai được thấy ảnh Bác. Nay thấy ảnh Bác Hồ được trang trọng treo lên, nhiều người dân xúm xít lại nhìn ngắm. Có người nói: “Bác trông phúc hậu quá”. Trong lòng tôi thầm nghĩ :“Thưa Bác, Bác đã về với đồng bào miền Nam”.
“Cái duyên” vẽ ảnh Bác Hồ của tôi bắt đầu từ đó. Thực sự tôi nghĩ, lúc đó tôi vẽ cũng chưa sắc nét lắm nhưng thời điểm mới giải phóng, tỉnh chưa có ai vẽ ảnh Bác nên khi tôi vẽ ảnh Bác Hồ đạt yêu cầu, kịp phục vụ nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ. Cơ quan quan tâm cho tôi lên TP Hồ Chí Minh học trường mỹ thuật để sau này về phục vụ tỉnh nhà.
Theo Đảng gần 50 năm, nhìn lại những chặng đường đã đi qua, dù gian khổ, hiểm nguy trong chiến khu hay khó khăn trong những năm tháng sau chiến tranh, tôi vẫn giữ được niềm tin cách mạng. Dưới bóng cờ hồng của Đảng, tôi được rèn luyện thành một thanh niên dũng cảm trong kháng chiến. Cho đến nay tôi là một họa sĩ có tay nghề vững chắc, có lý tưởng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, tất cả là nhờ ơn Đảng đã nâng bước cho tôi trưởng thành.
Nhớ về ngày chiến thắng 30/4/1975, tôi về trong đoàn quân tiếp quản TX Vĩnh Long, lòng tôi vừa phấn khích, vừa rưng rức nhớ người anh đã hy sinh và những đồng đội của tôi đã nằm lại nơi chiến trường. Tôi nghẹn ngào nói thầm: “Anh Tư ơi! Giá mà anh có mặt trong đoàn quân hôm nay thì ba má sẽ được vui trọn vẹn hơn!... Các đồng đội của tôi ơi! Chiến thắng rồi các anh ơi!...”.
Tháng 8/2020
THÚY VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin