Đôi nét tính bản địa trong ca dao Vĩnh Long

12:11, 15/11/2020

Tổ quốc ta liền một dải, người người đều là con Lạc cháu Hồng "con một cha, nhà một nóc". Trong quá trình mở cõi xuống phía Nam, ông cha ta vẫn giữ nghề nông làm căn bản, bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc. Do đó không có ca dao riêng biệt của từng miền mà chỉ là ca dao của người Việt ở miền Bắc, người Việt ở miền Trung và người Việt ở miền Nam.

Tổ quốc ta liền một dải, người người đều là con Lạc cháu Hồng “con một cha, nhà một nóc”. Trong quá trình mở cõi xuống phía Nam, ông cha ta vẫn giữ nghề nông làm căn bản, bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc. Do đó không có ca dao riêng biệt của từng miền mà chỉ là ca dao của người Việt ở miền Bắc, người Việt ở miền Trung và người Việt ở miền Nam.

Tuy nhiên mỗi vùng miền có sự khác nhau về phong thổ, hoàn cảnh sống, tạo nên tiếng nói, phương cách hành xử, hình thành sắc thái riêng gọi là địa phương tính, tính bản địa.

Ở miền Bắc, khí hậu chí tuyến gió mùa mỗi năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông tương đối rõ rệt. Sản xuất phải theo thời vụ “giêng túc lục tiêu”. Tháng giêng trồng tre, tháng 6 trồng chuối, cây mới dễ sống xanh tốt.

Hay:

“Lúa chiêm nấp ở đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm mở cờ mà lên”

Lúa chiêm cấy về tháng Chạp cuối năm trước, tháng một đầu năm sau, đến tháng 2 tháng 3 có mưa rào sấm chớp lúa tốt hẹn mùa bội thu.

Ở miền Trung, ca dao hay nói tới rừng núi, biển cả:

“Rủ nhau xuống biển mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau” (1)

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm” cát đá, khô hạn, người lao động sống vất vả thì:

“Lên non đốn củi, đụng chỗ đốn rồi

Xuống sông gánh nước, đụng chỗ cát bồi khe khô”

Ở Vĩnh Long- vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long- thì ca dao nói nhiều tới cảnh quan sông nước, phương tiện qua lại xuồng ghe:

“Đất cù lao lắm gai nhiều bến

Đò Cái Thia ghé bến Bà Cò

Đến thăm em đừng sợ thiếu đò

Em đây chỉ sợ anh đắn đo trong lòng”

Khác với miền Bắc, miền Trung, ở Vĩnh Long được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, đi sâu vào nông thôn, đâu đâu ta cũng thấy sản vật dồi dào:

“Quê em Bưng Sẩm đẹp giầu

Chim đầy đồng, cá lội đầy bưng

Củ co, bông súng, rau rừng

Quê hương mến khách tao phùng là đây”

Hay:

“Đất Trà Ôn tiếng đồn con cá cháy

Đất Vĩnh Trị nổi tiếng nem ngon

Gạo Ba Kè vừa dẻo vừa thơm

Anh về ở đất Sài Côn

Nhiều năm vẫn nhớ rượu ngon Lộc Hòa”

Sách Đại Nam Nhất thống chí của Sử Quán Triều Nguyễn ghi nhận ở Vĩnh Long: “Người dân làm ruộng đánh bắt cá đều nhằm nuôi lợi tự nhiên mà làm ăn, dùng ít sức mà được lợi nhiều”. Công việc khai khẩn đất hoang ngày càng có hiệu quả, thức ăn được dồi dào phong phú hơn.

Người Pháp đã ví ở Nam Kỳ như ở trong cái ao nuôi cá và người dân quê tìm thấy cá không khó khăn gì cho bữa ăn hàng ngày. Về ăn uống, người Vĩnh Long ít dùng thịt (đại gia súc) mà thường dùng “cây nhà, lá vườn” chế biến đa dạng thức, vừa bổ dưỡng vừa đạm bạc, gọi là văn hóa thực vật.

Khi tiến vào lập nghiệp ở Vĩnh Long, người Việt không tập trung vào một địa điểm và dựng lên một làng có lũy tre xanh bao bọc như ở miền Bắc nữa, mà làng mới chạy dài theo triền sông, kinh, rạch, đường mòn rồi đến nhà, phía sau là vườn ruộng chỉ có ngã ba, ngã tư nhà cửa mới đông đúc hơn và trở thành chợ.

Ca dao có câu:

“Chọn bạn mà chơi

Chọn nơi mà ở”

Nước là nhu cầu hàng đầu của sản xuất đời sống, địa hình sông nước, giao thông thủy tiện lợi hơn, do đó ngay từ những ngày đầu mở cõi, lưu dân Vĩnh Long đã chọn lập làng ven sông. Con người đã tạo nên một môi trường sinh thái có sự hài hòa phù hợp cuộc sống của mình với thiên nhiên:

“Nhất canh trì

Nhì canh viên

Tam canh điền”

Được thiên nhiên ưu đãi “làm chơi, ăn thật”, sống no đủ sung túc người tới trước rộng lòng đón nhận người tới sau:

“Nước sông sao lại chảy hoài

Thương người xa xứ từ ngoài tới đây

Tới đây thì ở lại đây

Chung tay mở cõi, bắt tay vào mùa”

Người Việt có lệ kết hôn với người khác họ:

“Quạ kêu nam đáo nữ phòng

Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương

Chỉ điều ai khéo vấn vương

Mỗi người mỗi xứ mà thương trọn đời”

Đôi trai gái yêu nhau lại được gia đình chấp nhận:

“Đến đây thì ở lại đây

Cùng con gái lão xum vầy thất gia”

“Được lời như cởi tấm lòng” có chàng trai xa xứ nào lại bỏ lỡ cơ hội. Tục ngữ có câu: “Chọn dâu dễ, chọn rể khó

Dâu là con, rể là khách”

Do đời sống kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, coi rể là người ngoài, là kẻ ăn người ở “ăn xó bếp, chết gầm chạn” nên mới có chàng rể than thân:

“Anh đi làm rể ba năm

Toàn ăn cơm hớt với cằm cá trê

Ba năm mãn hạn anh về

Cơm hớt cho chó, cằm trê cho mèo” ‚(2)

Ở Vĩnh Long, chàng rể được nhà vợ thương mến đón nhận “Đến đây thì ở lại đây” và đáp lại là rể tốt với cha mẹ vợ:

“Thà tôi mặc vải bô vải bố

Không để cha mẹ vợ tôi vận bố tời

Ổng mang nó nặng

Rệp cắn ổng kêu trời suốt đêm”

Hay:

“Thà tôi mặc rách để cha mẹ mặc lành

Công cha mẹ sinh thành mới có vợ tôi”

Cả gia đình làm ăn vui vẻ sống hòa thuận:

“Cha chài, mẹ lưới, con đăng

Rể mê làm ruộng, dâu hăng làm vườn”

Ca dao miền Bắc thường phản ánh nội tâm lời lẽ bóng bẩy, trau chuốt:

“Ngày ngày ra ngõ ngóng trông

Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người”

Trai gái tỏ tình ướm hỏi xa xôi bóng gió:

“Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”

Còn ở Vĩnh Long, người con gái thật thà chất phác bày tỏ tiếng lòng:

“Anh kia gánh lúa một mình

Cho em gánh với hai mình cho vui

Anh còn gánh nữa hay thôi

Cho em gánh với làm đôi bạn tình”

Hay:

“Thương anh không chút bạc tiền

Hôn anh một chút chết liền cũng vui”

Tình yêu không kể đường xa, không kể giàu nghèo:

“Không thương dẫu có đeo vàng

Bằng thương chiếc áo vá quàng cũng thương”

Tuy hồn nhiên bạo dạn nhưng người con gái Vĩnh Long vẫn rất tinh tế giữ gìn nữ tính của người con gái Việt Nam:

“Giả đò mua khế bán chanh

Giả đi đòi nợ thăm anh đỡ buồn”

Hay:

“Trển xuống đây năm bảy cánh đồng

Muốn ghé thăm anh một chút

Sợ cô bác nói gái tìm chồng hổ ngươi”

Hay:

“Anh thương em đừng buông mắt liếc

Đừng quẹt ngón tay

Người ta đông như hội, cứ ngó ngay mà nhìn”

Hồn nhiên nhưng không dễ dãi, nhẹ dạ, thẳng thắn, giữ mình, không nghe lời rủ rê của kẻ mình không yêu:

“Gió đưa con buồn ngủ lên bờ

Thuyền em có rộng cho anh ngủ nhờ một đêm

Gió đưa con buồn ngủ xuống sông

Dù thuyền có rộng đừng mong ngủ nhờ”

Người Vĩnh Long có sao nói vậy, không chịu giấu giếm vòng vo:

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Có thương nói thiệt để sầu làm chi”

Hay:

“Anh có thương em thì thương cho trót

Có trúc trắc thì trục trặc cho luôn

Đừng làm theo thói ghe buôn

Nay về mai ở cho buồn dạ em”

Về tình yêu chung thủy thì:

“Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm sông hương mặc người”

Hay:

“Thân em như tấm lụa đào

Dám đâu xé lỡ vuông nào cho ai”

Hoặc:

“Chừng nào giấm ngọt chanh thanh

Thì em mới dám bỏ anh đi lấy chồng”

Tình yêu mãnh liệt vượt qua mọi cản trở khó khăn:

“Em thương anh công khai không còn sợ lộ

Dầu dao kề cổ

Dầu cha mẹ đánh trăm roi

Chết thì chịu chết lìa đôi không lìa”

Yêu chồng, chiều chồng, hết mực:

“Đốt than nướng cá cho vàng

Lấy tiền mua riệu (rượu) cho chàng nhậu chơi”

Tình yêu của người con gái Vĩnh Long không phải bồng bột sôi nổi nhất thời “Gái thương chồng đang đông buổi chợ” mà bền chặt trọn đời:

“Con cá làm ra con mắm

Vợ chồng già thương lắm mình ơi”

Yêu nhau đời đời kiếp kiếp. Kiếp này lỡ dở hẹn đến kiếp sau:

“Sống dương gian không nắm được tay chàng

Thác xuống âm phủ em dở nắp hàng cho anh vô”

Yêu chồng nhất thời có khi còn hơn cả cha mẹ:

“Đêm nằm trong nóp dưới trăng

Thương cha nhớ mẹ không bằng nhớ anh”

Hay:

“Mẹ, cha bú mớm nâng niu

Tội trời em chịu không yêu bằng chồng”

Tuy vậy người con gái Vĩnh Long vẫn luôn “giữ tròn đạo hiếu”:

“Công cha nghĩa mẹ chưa đền

Lẽ nào ôm gối cuốn mền theo anh”

Điều dễ nhận thấy sự khác nhau giữa các vùng miền là ngôn từ giọng nói. Ngoài tiếng nói chữ viết chung, người Việt ở Vĩnh Long còn nói “nghìn” là “ngàn”:

“Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Thuyền còn gọi là ghe, thuyền nhỏ gọi là xuồng:

“Bà Phong, Bà Phận, Ông Kớ, Ông Nam

Dưới sông cá bạc tôm vàng

Xuồng ghe tấp nập bạn hàng tới mua”

Nhiều nơi nói không theo viết:

“Con tâu tắng buộc gốc cây te tui”

Trong khi ở Vĩnh Long phát âm chữ “s” và “tr” rất chuẩn.

Phúc còn được nói là phước:

“Có phước lấy được vợ già

Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh

Vô phước lấy phải trẻ ranh

Nó ăn nó phá tanh bành nó đi”

Quả còn gọi là trái, miền gọi là miệt:

“Vĩnh Long sông nước miệt vườn

Quanh năm cây trái phố phường vàng mơ”

Hoa còn gọi là bông, nhất nói là nhứt:

“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ” (3)

Vân, vân và v.v…

Tóm lại, trải qua quá trình khai hoang mở cõi, cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình phù hợp với hoàn cảnh mới. Người Vĩnh Long đã phát triển thêm tiếng nói, sáng tác ca dao diễn đạt tâm hồn mình, góp phần đáng kể vào kho tàng văn học Việt Nam ngày thêm phong phú.

 

(1) Nam Trần Tuấn Khải- thơ

(2)  Vương Trọng- sưu tầm ở tỉnh Hải Dương

(3) Bảo Định Giang- thơ

TRƯƠNG CÔNG GIANG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh