Hai đạo diễn trẻ Việt cùng tham gia Liên hoan phim ngắn tại Mỹ 2020

07:10, 15/10/2020

Hai bộ phim mang phong cách trái ngược nhau cùng tham gia Liên hoan phim LA Shorts 2020 (Mỹ) và sẽ được mở chiếu miễn phí cho đến hết tháng 10 năm nay.

Hai bộ phim mang phong cách trái ngược nhau cùng tham gia Liên hoan phim LA Shorts 2020 (Mỹ) và sẽ được mở chiếu miễn phí cho đến hết tháng 10 năm nay.

"À La Carte" và "Vô thường" là hai đại diện Việt Nam tham gia Liên hoan phim LA Short 2020. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Cùng tham gia hạng mục dành cho phim chính kịch, “À La Carte” và “Impermanence” (tựa Việt: “Vô thường”) nằm trong số 300 phim ngắn đủ điều kiện tham gia Liên hoan phim LA Shorts năm nay. Khán giả quốc tế có thể theo dõi phim miễn phí trên Youtube cho tới hết ngày 31/10.

Hai bộ phim đều để lại ấn tượng với không chỉ người xem đại trà mà còn cả những người thuộc giới phê bình như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

“Hai phim hai phong cách khá trái ngược và đều rất mạnh về visual storytelling (kể chuyện bằng hình ảnh). Xem phim của hai bạn, thấy có niềm tin rằng điện ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều tiếng nói mới đột phá và thú vị,” anh chia sẻ.

Poster
Poster "À La Carte" (Ảnh: Đoàn làm phim)

“À La Carte” (sơ dịch: “Gọi món”) lấy bối cảnh những năm 1940 khi miền Bắc nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, bất cứ ai kháng cự đều phải chịu tra tấn hoặc nặng nhất là xử tử.

Phim xoay quanh tình huống một cô gái trẻ (Quỳnh Kool thủ vai) cố gắng cứu gia đình mình khỏi sự trừng phạt của viên tướng Pháp bằng cách nấu và phục vụ cho hắn món phở truyền thống.

Bộ phim chỉ dài gần 6 phút với màu sắc ngả vàng nghệ thuật, nội dung là một lát cắt tình huống ngắn nhưng để lại nhiều cảm xúc qua từng cảnh. Phim không có lời thoại nào, chỉ có thứ âm nhạc nặng nề mà viên quan Pháp nghe qua chiếc máy hát loa kèn đồng (máy hát đĩa than) của mình và tiếng khóc lóc, rên rỉ, gào thét, tiếng nấc của những người dân sắp và đã bị xử chết.

Qua phỏng vấn hậu trường, nữ diễn viên Quỳnh Kool cũng nhận xét đây là một vai diễn nặng ký với cô vì kịch bản không có câu thoại nào, nhưng cô vẫn phải thể hiện được sự nặng nề, rồi các tâm trạng từ lo lắng sợ hãi đến đầy hận thù, oán hận ở cuối phim.

Cũng qua nhân vật của cô, đạo diễn trẻ Jay Đỗ muốn thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nết na, duyên dáng nhưng không hề chịu khuất phục trước hoàn cảnh khốn khó của xã hội.

“Bà của mình đã từng sống trong thời kỳ đó suốt những năm tuổi 20, mình nhận thấy phụ nữ Việt Nam luôn kiên cường, mạnh mẽ. Trong họ vẫn tồn tại ngọn lửa chiến đấu với cuộc đời, điều mình mong rằng có thể miêu tả qua ánh mắt của nhân vật cô gái trong phim.”

Một cảnh trong
Một cảnh trong "Vô thường" (Ảnh: Đoàn làm phim)

Trong khi đó, “Impermanence” (hay “Vô thường”) lại dài tới 20 phút với rất nhiều thoại, rất Sài Gòn và rất… vô thường.

Bộ phim dài 20 phút, xây dựng câu chuyện xoay quanh một kẻ đánh thuê tên Tuy bị gán tội giết người và trở thành kẻ thế mạng cho ông chủ của mình. Sau khi biết tin cảnh sát sắp tới bắt mình, Tuy nhanh chóng chạy trốn nhưng một biến cố đã xảy ra khiến hắn gặp tai nạn và bị áp giải về đồn.

Cho tới lúc đó, chỉ duy nhất một người có cảm giác mong manh về thủ phạm thật sự phía sau cái chết của nạn nhân xấu số.

Chia sẻ về tên phim cũng như tình huống anh đặt ra cho nhân vật chính, đạo diễn trẻ Phạm Gia Quý cho biết: “Tôi muốn truyền tải một sự khó lường trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Các sự việc đan xen với nhau như được sắp đặt lại cảm giác thật ngẫu nhiên, những thứ ấy chính là: Vô thường.”

Khán giả xem phim đều cảm thấy thích thú và đánh giá cao lời thoại, thái độ, diễn xuất và không khí đậm chất đời thường trên vỉa hè Sài Gòn. Bên cạnh đó, âm thanh trong phim cũng đã góp một phần quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí ấy khi mô tả chân thực chất đường phố của Việt Nam.

Một trong những yếu tố ấn tượng nhất phim là những cảnh hành động, rượt đuổi rất thật, ít thấy trong điện ảnh hay truyền hình Việt Nam trước đây. Đạo diễn Phạm Gia Quý và đạo diễn hình ảnh của phim đã vẽ nên một cảnh rượt đuổi đúng như tưởng tượng của hai người khi còn ở theo học ngành điện ảnh ở Mỹ.

Mỗi năm, Liên hoan phim ngắn LA Shorts đều nhận về 300 phim tranh giải từ các nhà làm phim chuyên nghiệp lẫn nhà làm phim độc lập, nhà làm phim nghiệp dư.

Do dịch bệnh, đây là năm đầu tiên Liên hoan phim này tổ chức ở hình thức online và mở xem tự do cho khán giả quốc tế cho đến hết ngày 31/10. Đây là liên hoan phim duy nhất có 7 hạng mục giải thưởng được Giải thưởng Viện hàn lâm công nhận. Các bộ phim đạt giải tại LA Shorts sẽ có khả năng nhận đề cử Oscar trong tương lai./.

Theo Minh Anh (Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh