Chuyện lão Phong

08:09, 12/09/2020

Tình cờ gặp Thám, em ruột của Phong, tôi mới biết nhiều hơn về thằng bạn cũ… Thôi cũng mừng cho lão. Xế chiều rồi có người để thương để tựa nhau lúc sức khỏe không còn sung mãn nữa thì quý hóa quá còn gì!

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Tình cờ gặp Thám, em ruột của Phong, tôi mới biết nhiều hơn về thằng bạn cũ… Thôi cũng mừng cho lão. Xế chiều rồi có người để thương để tựa nhau lúc sức khỏe không còn sung mãn nữa thì quý hóa quá còn gì!

Kỷ niệm thời trai mới lớn của tôi với thằng Phong ranh hàng xóm có khá nhiều… Nhớ lại vẫn bồi hồi.

Ba của Phong- ông Năm Liên- trung úy quân cảnh- có chiếc xe Honda 68. Trưa trưa, đường vắng nó mang xe ra tập cho tôi chạy.

Cứ nhấn số là tắt máy bởi không nghĩ chi đến tay côn. Hắn kiên trì chỉ bày cho tôi cả tuần. Và tôi biết chạy xe máy từ ấy, năm 17 tuổi. Sau đó, hễ khách đến nhà là tôi mượn chìa khóa chạy xe. Honda Dame, Suzuki, Bridgestone,… tôi chạy láng.

Hắn nhỏ hơn tôi một tuổi, học sau tôi một lớp mà biết chạy xe, biết cua gái hơn tôi xa. Bà chị tôi đặt biệt hiệu cho nó là “Phong ranh” bởi mười sáu, mười bảy tuổi không lo học đã bày đặt yêu đương.

Tội nghiệp nó, bà chị bắt gặp mấy lần Phong nằm dài trên đi văng nhà tôi, bày tôi viết thư tán gái nên bả ghét. Rồi dọa tôi “mi không lo học, thi rớt tú tài là hốt cứt!”

Không hiểu sao lá thư tán tỉnh nào nó viết cũng lâm li, bi đát, thảm sầu. Giống như nếu bị từ chối lời yêu sẽ bỏ nhà đi bụi không thì bỏ học, bỏ thi tú tài, đăng lính biệt động quân hoặc nhảy dù đi xa thật xa để quên em và em quên... Đại khái là rứa!

Qua nhà nó chơi, tôi thấy tủ sách có một số sách như “Truyện Kiều”, “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh- Hoài Chân, mấy tập thơ của Nguyễn Bính, Đinh Hùng, có cả “Minh tâm bảo giám” rồi nào là truyện của Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca… khá nhiều.

“Chắc hắn đọc nhiều nên nhiễm mới viết thư tình cảm động đến vậy”. Riêng tôi thì cày đêm cày ngày mấy cuốn “Tam quốc chí”, “Thủy hử”, “Đông Chu liệt quốc”,... Nếu như hắn có “ăn cắp” thơ, từ, câu chữ của ai đó đưa vào… tình thư thì tôi bí rị. Sau này tôi cũng chẳng hỏi gì Phong.

Thường thì đợi tới khuya, khi cả nhà ngủ hết là tôi chong đèn “nê ông” đọc lại thư tình do thằng Phong trước đó viết nháp, tôi chỉ nắn nót chép lại. Có thư gửi H., có thư gửi cho Y… tôi để riêng từng phong bì. Có thể do ảnh hưởng ý tứ, ngôn từ của hắn mà sau đó, sau những lần thảm bại vì yêu, tôi bỗng dưng làm thơ tình, viết truyện ngắn gửi đăng báo lia chia.

Còn hắn thì há hốc mồm, trợn tròn hai con mắt vốn đã to như mắt ốc bươu khi đọc mấy bài thơ tôi khoe đăng trên các nhật báo như Hòa Bình, Trắng Đen, Dân Luận, tạp chí Tiền Phong,…

Còn một kỷ niệm này mà bỏ qua không nhắc là… bậy. Lúc bấy giờ tôi học lớp đệ tam (nay là lớp mười) trường Bồ Đề, Phong học đệ tứ (nay là lớp chín) trường Sao Mai. Hôm nọ ở trường, tôi bị thằng Tâm lai từ phía sau đẩy loạng choạng suýt ngã khi từ trên cầu thang bước xuống.

Tôi cự lại, hắn đá rớt sách vở tôi ôm trên tay. Tôi làm thinh cúi lượm. Băng thằng này giờ ra chơi hay chạy quanh sân trường quậy phá, ai chống cự là hắn kéo cả băng năm sáu đứa tóc dài tới hù dọa… Tôi về kể lại với thằng Phong. Hắn nói: “Tao biết thằng Tâm lai ni, cha hắn thợ may, nhà trong xóm bàu.

Để đó tau!” Độ tuần sau, đứng trưa chủ nhật, thằng Phong chạy xe 68 dừng trước nhà kêu tôi: “Mi đi với tao!” Tôi phóc lên xe mà không biết đi đâu. Té ra hắn chở tôi đến nhà thằng “Tâm lai”. Nhà thằng Tâm lai vườn rộng, cây cối um tùm.

Phong dựng xe trước cổng, phăm phăm đi vô: “Tâm lai ơi! Ra đi chơi!” Thằng Tâm lai cao hơn tôi gần một cái đầu, nhíu mắt, nhăn mặt nhìn hai đứa tôi. Đi đến cây dừa hắn dừng lại. Phong bước tới, chửi thề rồi hỏi: “Mày ỷ băng đông ăn hiếp bạn tao hả?”

Thằng Tâm lai vừa trịch quần thách thức là thằng Phong móc từ bụng ra cây colt 45, lên cò, thảy cây súng xuống đất.

Tâm lai mặt chích không còn giọt máu, gần như ngã khuỵu. “Mày mà còn lớ xớ đụng tới bạn tao thì đừng có trách!” Phong lại lận cây súng trước bụng, kéo tay tôi không thèm ngoái lại. “Đi mi!” Tôi không nghĩ thằng Phong chơi cái kiểu cao bồi Texas vậy.

Ai ngờ nó lấy súng ông già nó đi trả thù cho tôi. Lỡ mà hắn bắn thiệt hoặc bị cướp cò thì sao? Tôi nghĩ thế và hỏi sao mi liều vậy.

Hắn cười khoe hàm răng ám khói thuốc lá: “Tao tháo hết đạn ra rồi. Đừng kể cho ai biết nghe. Ông già tao mà ổng biết chắc tao no đòn”. Tôi nhớ thằng Phong có ba việc khó quên. Chơi với bạn hết mình như nó thế là nhất rồi còn gì.

Sau 1975, Phong làm công nhân thủy lợi rồi sau đó nghỉ, chuyển sang làm thủ kho một xí nghiệp mộc. Tôi thì đi dạy học. Có lần gặp lại thì đứa nào cũng đã ở tuổi “Ngũ thập niên tri thiên mệnh”, có gia đình riêng. Tuy ít gặp nhau dù nhà hai đứa cùng xóm, cách nhau con hẻm nhỏ.

Nhưng hễ gặp nhau là vui. Kéo ra quán cà phê ôn chuyện cũ, hỏi chuyện nay. Bẵng đi hơn mười năm, nay gặp Thám, kể chuyện anh ruột mình tôi mới biết tình cảnh của lão xem ra lâm ly như những lá tình thư viết giúp tôi hơn bốn mươi năm về trước…

Gần xí nghiệp mộc là trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Đường dẫn vào trường, quán xá đông đúc. Mấy lần ra quán ăn cơm, Phong để ý rồi thích cô giáo Hồng.

Lão chủ động tán tỉnh. Cô giáo quê tận ngoài Thanh Hóa, cả năm mới về thăm nhà một lần. Chủ nhật thì buồn thê thiết. Khu tập thể giáo viên vắng tênh.

Những lần ấy, có anh cán bộ xí nghiệp mộc thỉnh thoảng xẹt qua phòng nói chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng chở xe máy về trung tâm thành phố, ghé nhà anh chơi cho biết. Thiệt là lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.

Tuy nhiên bà Hạnh- mẹ Phong- bán rau hành ở chợ có tiếng khó tính, trong bụng không thích gì Hồng. Ông Năm Liên thì tôn trọng sự lựa chọn của con trai. Có lúc ông quát bà Hạnh: “Bà đừng có kén cá chọn canh. Người ta giáo viên trường cao đẳng. 

Con trai mình mới học hết lớp mười hai. Thái Bình, Thanh Hóa chi, miễn hai đứa nó thương nhau là được!” Bốn đứa em của Phong thì hết ba đứa đứng về phe mẹ, trừ Thám. Phong có lúc cũng dao động nhưng được cái ông Năm Liên ủng hộ nên anh ngỏ lời cưới Hồng.

Có phải Hồng chờ đợi điều này đã lâu, hơn một năm quen nhau, nên khi Phong đặt vấn đề cô không phải đắn đo. Đám cưới Phong, tôi không về dự được, chỉ gửi quà tặng. Họ có với nhau một thằng con trai. Cái thằng giống Phong y như tạc.

Hồng về làm dâu, ở chung nhà đâu được năm sáu tháng gì đó là cô xin ông bà Năm Liên dọn lên nhà tập thể giáo viên.

Đúng là cô không sống chung với bà Hạnh được. Bà bênh Phong một phép nên tiếng nhẹ, tiếng nặng với Hồng nhiều lần. Mà mỗi lần “đụng độ” với cô con dâu là bà nhái giọng Thanh Hóa nhưng toàn là đẩy âm lên cao vút rồi môi trề ra… thấy bắt ớn.

Hồng ít nói nhưng có nói lại thì bà Hạnh tiếng to hơn. Hàng xóm bắt đầu xì xầm về quan hệ mẹ chồng- nàng dâu… Phong trở nên đằm tính hơn từ khi ông Năm Liên rồi bà Hạnh nối nhau qua đời.

Trường hóa giá căn phòng trong dãy nhà tập thể giáo viên rộng gần trăm mét vuông. Hồng bàn với chồng sang tay ra mua đất làm nhà. Nhà mới khang trang. Hai vợ chồng tiết kiệm đổ tiền vào đó khá nhiều. Mấy cô em gái cho anh trai mượn thêm tiền khi nào có thì trả.

Sướng chết cha luôn. Phong nghỉ hưu sớm, nhận một cục tiền tấp hết vô làm nhà bởi nghĩ sống cái nhà, già cái mồ. Thằng con trai cũng xong đại học. Hồng xin chuyển ra trường phổ thông được một thời gian. Lục đục giữa Phong và Hồng bắt đầu từ đây.

Thầy Phó Hiệu trưởng Vinh góa vợ có nhiều việc làm đặc biệt quan tâm đến cô giáo Hồng. Dạy sư phạm ra dạy phổ thông, đối tượng người học khác, chương trình cũng khác thì hiệu phó phụ trách chuyên môn gần gũi, giúp đỡ cho hòa nhập môi trường mới là đúng quá rồi.

Cái lạ là khi đàn ông khác ngoài chồng thể hiện sự quan tâm đến mình hơn bình thường một chút thì đàn bà, phụ nữ bỗng nảy sinh sự so sánh… Từ so sánh riết rồi chuyển sang… liêu xiêu hồi nào không hay… Tiếng dữ đồn đến tai Phong.

Đừng nói thì thôi mọi việc cứ bình thường yên ắng thế. Còn đã bục vỡ ra rồi thì có nước bão tố với phong ba trong chính ngôi nhà tưởng sẽ rất ấm êm. Phong giận vợ, giấu con, về nhà cha mẹ ở lại nhiều hơn.

Hồng không hề can ngăn chồng hoặc hỏi lý do vì sao anh thường hay vắng nhà. Trong một lần sau đám giỗ của bà Hạnh, mấy anh em Phong có dịp ngồi lại. Người tỏ vẻ bực tức nhất là cô em kế tên Ân: “Anh hỏi thẳng với chỉ là mối quan hệ theo lời đồn giữa chỉ với ông hiệu phó có thật không.

Lớn tuổi, là cô giáo mà không lo giữ tư cách, đạo đức. Hỏi vậy thì dạy dỗ ai?” Cô Vân em thứ hai nói: “Không sống chung được nữa thì chia tay mẹ nó đi.

Anh cứ im im chỉ được dịp lấn tới”. Những lúc bị đấu tố như thế Phong chỉ có đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác và ậm ừ cho qua chuyện. Hai người em còn lại thương anh không ý kiến ý cò gì thêm. “Tôi không thèm nhìn cái bản mặt bả đã mấy tháng nay”- cô Ân lên tiếng như kết thúc… phiên tòa.

Thằng Huy ra trường, xin được việc làm, ở lại Bình Dương. Vậy là ổn. Thầy Vinh thỉnh thoảng đến nhà cô Hồng... Cô Hồng ở có một mình xem ra cũng ổn. Chồng cô bỏ nhà đi bụi tận trên Gia Lai.

Thám- người em trai út có vườn tiêu, có cửa hàng bán phụ tùng xe gắn máy trên ấy đón anh cả Phong lên. Muốn thì ở, không muốn thì về. Gọi là vô tư đi. Nhà em cũng như nhà anh. Phong phụ việc cho em trông coi cửa hàng với vườn tiêu. Tưởng vậy là yên cho Phong nhưng không phải vậy mới nói.

Chị Hương- bạn hàng của Thám- ngót nghét năm mươi, hay đến mua phụ tùng về dưới thị trấn bán lại, bỗng kết cái ông thinh thinh ít nói nhưng hút thuốc lá thì nhiều. Kết hồi nào vậy ta? Có lẽ là từ hôm lão Phong giúp cột bao hàng lên xe là chị… trúng tên luôn!

Chị Hương người gốc Huế, chọn cao nguyên làm quê hương thứ hai, chồng mất đã năm năm. Con gái chị sắp lên xe hoa về nhà chồng.

Rồi chị Hương sẽ phải một mình, thui thủi ra vô trong căn nhà rộng thênh là cái chắc. Lão Phong ngoài sáu mươi một chút bỗng dưng sống lại cái thời trai trẻ. Họ có mấy lần hẹn hò uống cà phê với hát karaoke … Vợ chồng Thám nói vô. Lão cũng muốn xáp tới…

Không biết chuyện tình cảm của Phong ranh bạn tôi và chị Hương sẽ đi đến đâu nhưng nghĩ cũng mừng cho lão cái đã. Cuộc đời lão đến đoạn cuối đường không phải chơ vơ…

LÊ KUNG DIỄM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh