Có thể nói trong số những họa sĩ ở Vĩnh Long thì họa sĩ Đặng Can là một họa sĩ được nhiều người biết đến. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.
“Thông điệp xanh”- tranh Đặng Can. |
Có thể nói trong số những họa sĩ ở Vĩnh Long thì họa sĩ Đặng Can là một họa sĩ được nhiều người biết đến. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.
Nếu lên Internet gõ từ “Dang Can” thì sẽ thấy xuất hiện dòng chữ tiếng Anh như vầy: The Vietnamese painter Dang Van Can was born 1957 in An Duc commune, Long Ho district (tạm dịch họa sĩ Việt Nam Đặng Văn Can, sinh năm 1957, tại xã An Đức, huyện Long Hồ). Xã An Đức ngày nay không còn trên bản đồ hành chính, hỏi ra nơi anh sinh ra bây giờ thuộc Khóm 6, thị trấn Long Hồ.
Họa sĩ Đặng Can cho biết anh là con trai thứ tư trong gia đình có 5 anh em, nhưng chỉ riêng anh là có năng khiếu hội họa. Sau ngày miền Nam giải phóng, với tố chất mà bà con thường gọi là có “hoa tay”, anh được nhận vào công tác tại Tổ Hội họa thuộc Phòng Văn hóa- Thông tin TX Vĩnh Long.
Thời điểm này, công việc chủ yếu của anh và đồng nghiệp là vẽ tranh cổ động, kẽ khẩu hiệu tuyên truyền, cái nghề mà bà con thường gọi vui là leo trèo, cắt dán, bưng bê, kê dọn…
Thỉnh thoảng, anh còn nhận vẽ minh họa cho một số tờ báo trong tỉnh. Sau những khóa bồi dưỡng kiến thức cơ bản về hội họa, anh nhanh chóng nắm bắt những nguyên lý trong sáng tác tranh.
Và từ khi về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long vào năm 1984, chính nơi đây đã tạo điều kiện cho Đặng Can phát huy sở trường. Anh là một trong những hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động mỹ thuật và mang về nhiều giải thưởng.
Tranh của anh có mặt trong Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng như các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Ngắm tranh Đặng Can, người xem cảm nhận về một họa sĩ sử dụng gam màu huyền diệu, lung linh, toát lên vẻ đẹp dịu dàng, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của miền quê sông nước, với những bờ tre, bụi chuối, mái tranh, những thiếu nữ xinh xắn trong chiếc áo dài, áo bà ba, nón lá,...
Khi hỏi về một bức tranh tựa đề “Thông điệp xanh”, có bố cục khá lạ mắt, anh thố lộ về nguồn cảm hứng để vẽ nên bức tranh này: Vào một buổi chiều nhập nhoạng tối, trên đường chạy xe về nhà, anh phát hiện phía trước là 2 cô công nhân vệ sinh vào giờ tan ca, họ chở nhau trên chiếc xe đạp để về nhà. 2 cô gái sau khi làm xong nhiệm vụ làm đẹp cho phố phường đang hồn nhiên nói cười ríu rít trên đường về đã để lại trong anh một ấn tượng khó phai.
Thế là sau đó bức tranh sơn dầu khổ lớn tựa đề “Thông điệp xanh” được hoàn thành, gửi gắm đến người xem về một xã hội xanh tươi giàu đẹp, đời sống những người dân lao động được nâng lên. Bức tranh đã đạt giải ba tại Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII- ĐBSCL năm 2007.
Họa sĩ Đặng Can. |
Đến nay, bước vào tuổi 64, nhưng nguồn cảm hứng sáng tác trong anh vẫn đang thời sung sức. Ngoài căn nhà ở Phường 3 (TP Vĩnh Long), anh còn thuê phòng trọ ở vùng ngoại ô nhằm có không gian riêng để dễ bề sáng tác. Với 2 chất liệu quen thuộc là sơn dầu và acrylic, anh tiếp tục cho ra đời những tác phẩm gần gũi với cuộc sống thường nhật như phiên chợ quê, làng chài, thu hoạch lúa, làm muối, làm vườn, chân dung thiếu nữ…
Trong các chuyến đi thực tế do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, anh đều có tranh triển lãm về đề tài biển đảo, lực lượng vũ trang, xây dựng nông thôn mới,… Đến nay, anh đã có trên chục giải thưởng tại Triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL, 3 lần tổ chức triển lãm cá nhân.
Vốn bản tính hiền lành, dễ gần nên mỗi lần bạn bè có dịp ngồi với nhau, cứ “a lô” là Đặng Can có mặt. Ai biết tính ý thì chuẩn bị cho anh xị rượu, bởi anh không thích bia bọt. Khi đã vừa ngà ngà ,chỉ cần một người gợi ý nhắc đến từ khóa “ông cò” (ý nhắc đến vai ông Cò Quận 9 trong vở cải lương “Tuyệt tình ca” của soạn giả Hoa Phượng- Ngọc Điệp) thì Đặng Can bắt đầu ngứa ngáy tay chân, khó chịu trong người. Với chất giọng hao hao giống Út Trà Ôn, anh cất tiếng hát không đàn: “…
Mỗi lần thấy bông ô môi mới điểm hồng trong gió chướng/ Mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang/ Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long, đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An/ Là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa/ Nhớ tới dáng người vợ trẻ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời khỏi tỉnh Long… Hồ…”.
Khi đã vui thì chuyện nghề, chuyện đời cứ thế mà tuôn chảy...
Có lần trong cuộc vui, một người bạn hỏi anh đã vẽ bao nhiêu tranh? Đặng Can chỉ cười trừ, tính anh vẫn vậy. Một người bạn liền trả lời thay: Chắc cũng trên một ngàn bức tranh! Anh cũng cười và gật đầu như xác nhận.
Anh cho biết tranh vẽ xong là gửi đi bán, có lần một doanh nghiệp đặt anh vẽ đến 20 bức tranh phong cảnh, tiền bán tranh thì vợ giữ dùm. Một anh bạn chợt có nhận xét tranh Đặng Can mang “hơi hướm bolero” thì anh lập tức phản ứng: “Bolero là nhạc, còn tranh là tranh, có giỏi mấy ông vẽ được như tui đi!” Nói là nói vậy, nhưng câu phát biểu này dường như có gì đó mang tính chủ quan, bởi vẽ giống như tranh Đặng Can đã có người làm được rồi.
Qua theo dõi những bức tranh rao bán trên mạng, được quảng cáo là tranh của chính tác giả, nhưng nếu quan sát kỹ thì đó là tranh giả, tranh sao chép từ tranh của anh. Ngày nay, với phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, họ chỉ cần chụp tranh rồi in trên vải bố, sau đó chỉ cần mướn “họa sĩ vườn” tô màu theo mẫu là có một bức tranh y chang bản gốc. Nghe nói đến đây, anh thở dài ngao ngán không muốn nhắc đến chuyện vi phạm bản quyền.
Khi nhắc đến chuyện vài năm gần đây họa sĩ Vĩnh Long không còn đạt giải cao tại các cuộc triển lãm mỹ thuật của khu vực, anh cũng có chút suy tư trăn trở. Theo anh, trước tiên giới họa sĩ tỉnh nhà phải tự nhìn lại chính mình, cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục những hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống.
Tránh tình trạng trong tác phẩm thể hiện nội dung ý tưởng không rõ nét, và mong rằng cơ quan chủ quản quan tâm tổ chức các chuyến thực tế, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, phát triển đội ngũ hội viên- nhất là hội viên trẻ. Đồng thời đảm bảo kinh phí cho các hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ nói chung, giới họa sĩ nói riêng. Xác định việc đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển.
Ngắm tranh Đặng Can với gam màu huyền huyền, ảo ảo, gắn chặt với quê hương sông nước đồng bằng nơi anh sinh ra và lớn lên, càng cho ta thêm yêu mến vẻ đẹp quê hương thanh bình qua từng nét cọ. Thôi đành tạm mượn mấy câu thơ để thay lời kết:
Một chút lam huyền một bóng cây
Một nhánh sông xa dáng áo dài
Thấp thoáng con thuyền neo bến đợi
Gửi cả tình quê theo áng mây!
Bài, ảnh: TRẦN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin