Rượu cần Tây Nguyên

05:09, 15/09/2020

Uống rượu cần vốn là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý.

 

Uống rượu cần ở Tây Nguyên.
Uống rượu cần ở Tây Nguyên.

Uống rượu cần vốn là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý.

Nhiều người dân Tây Nguyên vẫn thường bảo nhau rằng: “Nếu như không có món rượu cần quả thật khó nói về một dịp hội ngộ bè bạn hoặc đám cưới, đám giỗ... của người dân vùng Tây Nguyên”.

Cách thức làm rượu cần ở mỗi dân tộc cũng khác nhau. Nhiều dân tộc Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng loại nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, sau đó mang phơi trên nong cho nguội rồi trộn thêm ít men vào ủ kín.

Men rượu thường được làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô sau đó đem giã nhuyễn thành bột, trộn chung với gạo.

Tiếp theo, người ta sẽ cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cỡ cái chén, lại mang đi ủ kín cho đến khi lên mốc trắng. Khi đã lên men, lại trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ dàng hơn.

Tất cả được cho vào một cái chóe ghè đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp chồng lên nhau: cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta sẽ bịt miệng chóe bằng lá chuối khô.

Rượu ủ từ 3 ngày trở lên là có thể mang ra dùng được, song nếu ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Việc trộn trấu vào đòi hỏi cũng cần người có kinh nghiệm, tay nghề vì trấu có tác dụng khi cắm cần vào chóe rượu, cần rượu sẽ không bị tắc.

Rượu cần thật ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật ong, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính tay, có mùi thơm ngây ngấy, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng. Cạnh đó, rượu ngon nhất thiết phải đặt trong chóe quý.

 Khác với người M’nông chỉ dùng ít loại chóe, thường là màu đen toàn thân bóng lộn và có dáng thấp; người Ê Đê có nhiều loại chóe khác nhau về màu sắc và kích thước.

Theo đó, những chiếc chóe Tuk và chóe Tang được xem quý giá hơn cả, đặc biệt là loại có màu trắng và màu xanh, thường có từ 3- 6 tai và chóe càng to càng được xem là vô cùng quý giá…

Trước khi uống rượu cần, những người dân Xê Đăng thường có tục lệ như sau: chủ nhà sẽ mang đặt một bộ gan lòng gà đã luộc chín, xắt miếng nhỏ vừa ăn lên tai chóe rồi lâm râm khấn nguyện xin phép thần linh cho phép mọi người được uống rượu.

Già làng luôn là người được quyền uống chén đầu tiên. Nếu có khách lạ từ xa mới đến chơi, người đó sẽ được mời cầm cần đầu tiên, nhưng nếu khách tinh ý thì nên chuyển qua mời già làng hay người chủ nhà uống trước.

Với người H’rê, khi mọi người đã ngồi quanh chóe rượu, chủ nhà thường có thói quen đứng dậy, rút một cọng tranh trên mái nhà cắm vào chóe rượu, tượng trưng việc mời Giàng (Trời) và tổ tiên uống trước, sau đó mới cho đổ thêm nước vào.

Nếu chủ nhà đổ nước đầy miệng chóe, đó là cách tỏ ý kính trọng khách, nhưng nếu chỉ đổ lưng chừng, thì khách được xem như chỉ ở mức bình thường. Khách không nên sơ ý vơ luôn chiếc cần của chủ để uống, bởi việc này biểu thị hành động không biết tôn trọng chủ nhà. 

Thường, trong mỗi cuộc rượu, sẽ có một “gai pe” (người điều hành) được cử ra. Chiếc cần phải được liên tục chuyển từ người này sang người khác. Những ai không biết uống rượu nên dùng ngón tay cái bịt đầu cần lại.

Bài, ảnh: NGUYỄN SINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh