Mã não không chỉ là vật trang sức của người Cơ Tu

08:09, 02/09/2020

Đến các bản làng người Cơ Tu, nhất là vào mùa lễ hội hay tết đến xuân về, ngoài mặc trang phục đẹp mắt ra, đa số phụ nữ Cơ Tu đều có đeo những vòng kiềng bằng bạc, chuỗi hạt cườm, những phụ nữ đứng tuổi thì có đeo vài chuỗi mã não (C'rôn) màu huyết dụ hay vàng cam rực rỡ.

 

Đến các bản làng người Cơ Tu, nhất là vào mùa lễ hội hay tết đến xuân về, ngoài mặc trang phục đẹp mắt ra, đa số phụ nữ Cơ Tu đều có đeo những vòng kiềng bằng bạc, chuỗi hạt cườm, những phụ nữ đứng tuổi thì có đeo vài chuỗi mã não (C’rôn) màu huyết dụ hay vàng cam rực rỡ.

 

Các sơn nữ duyên dáng với các vòng mã não đẹp.
Các sơn nữ duyên dáng với các vòng mã não đẹp.

Già làng Đinh Văn Bớt (74 tuổi, trú thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang- Quảng Nam) cho hay, tại các vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống vẫn còn rất nhiều cụ có những chuỗi mã não được lưu truyền từ đời này sang đời khác, những chuỗi mã não cổ quý hiếm này có thể sánh ngang với loại chóe xưa, tương đương 5- 7 con trâu.

Ngày trước, trai Cơ Tu nghèo, không có mã não thì rất khó lấy vợ. Do không có mã não nên tạm thời những thanh niên Cơ Tu nghèo phải lấy những phụ nữ góa chồng, tuổi cao gấp 3- 4 lần của mình.

Sau 4- 5 năm, người thanh niên kia làm ăn có của cải thì cưới vợ trẻ hơn. Và món quà đầu tiên để làm sính lễ với cha mẹ vợ cũng là những vòng mã não. Ngược lại, một người đàn ông Cơ Tu giàu có, có thể cưới con gái Cơ Tu khoảng 15 tuổi. Phụ nữ Cơ Tu đeo càng nhiều chuỗi mã não thì chứng tỏ càng giàu có, quyền lực, đại diện cho giới thượng lưu.

Già Y Kông (92 tuổi, trú thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang) cho biết: “Người Cơ Tu ở vùng núi phía Tây Quảng Nam, từ em bé đến những người khi bước sang tuổi trung niên cho đến những người già Cơ Tu cao tuổi, hầu hết đều trang bị cho mình những chuỗi hạt cườm nhiều màu hoặc chuỗi mã não có độ tinh xảo khác nhau.

Chuỗi mã não là một loại trang sức chủ đạo, không thể thiếu trong trang phục hàng ngày, nhất là vào dịp tết, lễ cưới, hỏi, lễ hội...

Những chuỗi trang sức bằng những hạt mã não nhỏ hình tròn, lục giác hay bầu dục. Xen kẽ giữa các hạt mã não là những nanh heo rừng, lông gáy heo rừng, vuốt con gấu, hình nhân gỗ làm bằng gỗ quý… C’rôn càng đẹp, nanh heo càng dài… là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, địa vị của họ trong cộng đồng…”.

“Người Cơ Tu rất quý mã não. Trai Cơ Tu thường tặng người yêu những hạt mã não. Không những thế, của hồi môn cha mẹ cho con gái Cơ Tu về nhà chồng cũng bằng mã não, tùy theo khả năng từng gia đình mà cho nhiều hay ít.

Ngày xưa, mỗi hạt mã não được trao đổi ngang với một con trâu, con bò. Còn ngày nay, chỉ có 50.000- 100.000đ cũng mua được một chuỗi mã não bằng nhựa tổng hợp 10 hạt cũng rất đẹp, tất nhiên là không đẹp và quý như những hạt mã não của người Cơ Tu ngày xưa còn lại. Đối với đồng bào Cơ Tu, mã não là vật trang sức quý giá nhất trong các đồ trang sức, là biểu tượng của sự giàu có, no ấm.

Do đó, mã não cũng là sính lễ không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của đồng bào. Cùng với hạt cườm ngũ sắc, mã não là thứ trang sức trên cổ được ưa dùng nhất của nam nữ Cơ Tu…”- già Phạm Văn Crới (66 tuổi, trú tại thôn Éo, xã Ba, huyện Đông Giang) cho hay.

Già làng Alăng Phương (68 tuổi, trú tại thôn Pa Zíh, xã Ating, huyện Đông Giang) nói: Những hạt cườm và hạt mã não của các vòng này có độ bền cao, dù đã qua bao đời sử dụng nhưng hạt vòng vẫn đẹp, bền, không để lại vết xước, đốt không cháy, đập không vỡ, không phai nhạt màu sắc.

Vòng đeo cổ của người Cơ Tu được xâu bằng nhiều hạt cườm tròn, xen kẽ với các hạt mã não tròn dẹt hoặc hình thoi, hình vuông. Khi đeo vòng, bao giờ người Cơ Tu cũng mặc thổ cẩm và thường đeo thêm kiềng bạc to, tròn. Mã não được xem như là vật thiêng giúp tà ma, bệnh tật tránh xa, là cái để làm đẹp, tránh gió độc, bảo vệ sức khỏe.

Mã não còn tượng trưng cho cái đẹp nên nó là đối tượng được đồng bào Cơ Tu khắc họa sinh động trong nghệ thuật trang trí dân gian.

Hoa văn trên trang phục thổ cẩm, nhà gươl, cột lễ đâm trâu (xnuar) và một số vật dụng khác, hình mã não là mô típ khá phổ biến, hoa văn mã não được thể hiện một cách sáng tạo, đan xen, hòa quyện với mô típ hoa văn khác như hoa văn chày cối, hoa văn ngọn chông, hoa văn hàng rào... tạo nên nét đặc biệt trong truyền thống dân tộc.

Theo phong tục cổ truyền của người Cơ Tu, khi con sinh ra dù gái hay trai đều lấy theo họ cha và được thừa hưởng gia tài khi cha mẹ mất hoặc cha đi lấy vợ khác. Người Cơ Tu khi qua đời, có tục lệ chia của như coòng, mã não… lại cho các con trong gia đình, số đồ trang sức còn lại cũng được chôn theo cùng người chết. Vì thế, những chuỗi mã não ngày xưa đến nay còn rất hiếm.

Mã não không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc trang sức cho cộng đồng mà còn là một tài sản văn hóa vật thể chung của dân tộc Cơ Tu, cần được đánh giá, bảo tồn, lưu giữ.

Bài, ảnh: Tiên Sa

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh