Cụ Đồ Chiểu- nhà thơ làm nhiều thơ văn điếu

08:09, 12/09/2020

Người làm điếu văn bằng thơ ở Việt Nam nhiều nhất là cụ Đồ Chiểu, bài thơ điếu: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THPT. 

Người làm điếu văn bằng thơ ở Việt Nam nhiều nhất là cụ Đồ Chiểu, bài thơ điếu: “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THPT. 

Cụ Đồ Chiểu tên Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822- 3/7/1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Ngữ, Hối Trai, quê làng Tân Thành, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình- Gia Định nay là TP Hồ Chí Minh, mất tại Ba Tri- Bến Tre.

Vì khóc thương thảm thiết khi mẹ mất vào mùa nóng bức mà ông bị mù. Sau khi lấy vợ, ông làm nghề bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ. Tác phẩm nổi tiếng của ông là “Lục Vân Tiên”. Năm 1858, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.

Năm 1859, quê hương bị giặc chiếm, nhà thơ phải về Cần Giuộc. 1861, Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, ông phải “tị địa” sang Ba Tri (lúc bấy giờ thuộc tổng Bảo An, phủ Hoằng Trị, dinh Long Hồ, tức tỉnh Vĩnh Long), sau thuộc tỉnh Bến Tre.

Trước đây, nhà thơ đã sống “hẩm hút” với bà con cô bác ở quê hương, thì bây giờ cuộc sống của ông càng gắn chặt với vận mệnh của dân tộc, Tổ quốc. Nhân dân và sĩ phu khắp nơi đứng lên chống giặc. Phong trào bắt đầu dấy lên ở miền Đông Nam Bộ rồi lan ra cả lục tỉnh, biến thành một cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn.Vì mù, không thể cầm gươm, cầm súng.

Nguyễn Đình Chiểu liên hệ với đốc binh Là, trao đổi thư từ với Trương Định- những người cầm đầu các cuộc khởi nghĩa chống Pháp- và “cây thương phá lỗ” của ông là vần thơ yêu nước gắn chặt với các biến cố lúc bấy giờ là những tác phẩm: “Chạy Tây” (1859), “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (1861), “12 bài thơ điếu Trương Định và Văn tế Trương Định” (1864), “12 bài thơ điếu Phán Tòng” (1868), “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh” (1874)… Ngoài ra ông còn là tác giả của “Thảo thử hịch”, “Thư gửi cho em” và một số bài thơ khác.

Nguyễn Đình Chiểu có uy tín lớn trong nhân dân và sĩ phu. Bọn thực dân và tay sai tìm mọi cách mua chuộc ông như tỏ ý trả lại ruộng đất và trợ cấp cho ông, trả tiền nhuận bút truyện “Lục Vân Tiên”, nhưng ông đều khước từ.

Cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ lắng xuống, thực dân Pháp đánh ra miền Bắc. Năm 1882, Hà Nội bị giặc chiếm, năm 1885 Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất dương, xuống chiếu Cần Vương, tiếng súng chống Pháp rộ lên khắp Trung, Bắc, Nguyễn Đình Chiểu buồn về cảnh nước mất nhà tan, bệnh càng trầm trọng

Nhà thơ qua đời tại Ba Tri. Ngày đưa tang ông, cả một cánh đồng rợp trắng khăn tang của các môn đệ và đồng bào.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước tiêu biểu ở giữa thế kỷ XIX, được nhân dân cả nước mến mộ tài đức. Các học giả, nhà nghiên cứu văn học sau này đều hết lòng ca ngợi ông như Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh.

Đặc biệt cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có bài: “Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” đã đánh giá cao sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu (xem Tạp chí Văn học số 7/1963).

LÊ HỒNG THIỆN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh