Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã được kiểm soát. Song, nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng vẫn hiện hữu nếu chúng ta lơ là, chủ quan là rất nhiều khả năng dịch bệnh sẽ diễn tiến khó lường.
Để tránh lây chéo bệnh, chúng ta hãy thay đổi bằng cách dùng đũa, muỗng không thuộc về ai, để gắp, múc thức ăn chung vào chén của mình, sau đó dùng muỗng đũa của mình để ăn. |
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã được kiểm soát. Song, nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng vẫn hiện hữu nếu chúng ta lơ là, chủ quan là rất nhiều khả năng dịch bệnh sẽ diễn tiến khó lường.
Trong các cuộc họp, BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 luôn khuyến cáo: Khi mà vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị thì việc tự bảo vệ bản thân mỗi người chính là giải pháp chống dịch COVID- 19 hiệu quả nhất.
Những thói quen không còn phù hợp
Hiện nay COVID-19 lưu hành ở cộng đồng tại một số địa phương. Khi đó, ngoài cộng đồng rất khó nhận biết ai là người lành, ai là người đang mang mầm bệnh. Hãy biến các giải pháp phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong tình hình mới thành những thói quen hàng ngày. Đó là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống và rèn luyện sức khỏe sẽ là “lá chắn” đề kháng vững chắc trước đại dịch COVID-19.
Do vậy, ai cũng nhận thấy giá trị của sức khỏe bằng việc chăm chỉ tập thể dục hơn, ăn uống, sinh hoạt điều độ hơn để tăng đề kháng. Như một thói quen, bất kể ngày đêm nhiều người tự ý thức khi ra đường, đi siêu thị, đến nơi công cộng đều đeo khẩu trang, vừa tự bảo vệ mình vừa bảo vệ những người xung quanh.
“Khi đi siêu thị, tôi chú ý giãn cách, khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 2m, sử dụng khẩu trang. Trong túi xách nhỏ của tôi có chai nước rửa tay sát khuẩn nhanh và thường xuyên rửa vệ sinh tay, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng theo khuyến cáo của ngành y tế để vừa phòng COVID mà đó là thói quen tốt cho sức khỏe, ngừa bệnh truyền nhiễm khác”- cô Nguyễn Thị Hồng Liên (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết.
Mọi người dường như có ý thức và kinh nghiệm hơn để phòng chống dịch hiệu quả. Không gian sống và làm việc không sạch sẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp cũng là cách bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Song, nhiều người sống thiên về tình cảm, nể nang nên ăn uống, họ không cân nhắc, cảnh giác mà ăn chung tập thể. Một số quen ăn uống tình cảm của người Việt mình đã không còn phù hợp và vệ sinh nữa, trong tình hình dịch bệnh lây nhiễm này hãy mạnh dạn từ bỏ tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng và xây dựng nên ứng xử văn hóa mới trong giao tiếp, ăn uống.
Chuyện gắp thức ăn cho nhau, uống chung ly, chấm chung chén nước chấm, đút cho con ăn, nói, cười trong suốt bữa ăn; thậm chí dùng đũa cá nhân xốc thức ăn lên, lựa món ngon mời khách; khuấy gấp ăn chung nồi lẩu;…
Anh Lê Nhật Trường (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) cho biết: “Tôi vừa đến chia buồn gia đình người bạn mất. Một vài người vẫn vô tư dùng 1 cái ly rót rượu mời cả bàn, sau đó mang sang bàn khác mời rượu tiếp! Hình thức uống chung ly với nhiều người như vậy không chỉ giúp COVID-19 có cơ hội lây lan nhanh mà còn có những bệnh khác, những vi rút khác sinh sôi. Mong mọi người có ý thức hơn để phòng dịch hiệu quả”.
Hãy hình thành nếp ứng xử mới
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, chính thói quen này sẽ thông qua đôi đũa truyền vi khuẩn, như các bệnh thương hàn, viêm dạ dày do HP, truyền vi rút như viêm gan siêu vi, tiêu chảy cấp, tay chân miệng, đặc biệt khả năng lây COVID-19.
Để tránh lây chéo qua thói quen dùng đũa cá nhân gắp thức ăn chung, chúng ta hãy thay đổi bằng cách dùng đũa, muỗng công cộng, tức đũa muỗng không thuộc về ai, để gắp, múc thức ăn chung vào chén của mình, sau đó dùng muỗng đũa của mình để ăn.
Đặc biệt, trong thói quen giao tiếp hàng ngày, trên bàn tiệc, trong quán xa mọi người thường có thói quen “chào nhau” bằng ly bia, ly rượu và đa phần là vô tư uống chung ly cho… tình nghĩa. Những lúc như thế này, chúng ta hãy kiên quyết dùng ly riêng, đừng vì cả nể mà bỏ qua nguyên tắc vệ sinh và tạo cơ hội cho sự lây nhiễm các mầm bệnh.
Đó là “nguyên tắc vàng” để tự bảo vệ bản thân, cũng là vì sức khỏe chung của người thân, cộng đồng. Trong tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cũng là “cơ hội tốt” để mọi người hình thành nếp ứng xử mới vừa vệ sinh, khoa học lại vừa văn minh, lịch sự.
Những thói quen mới có thể chưa được mọi người quan tâm, ủng hộ, thậm chí có người còn tỏ thái độ phản đối; nhưng nếu số đông cộng đồng cùng nhau ý thức, lâu dần chúng ta sẽ thấy quen. Ngay từ lúc này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và cùng nhau xây dựng những nguyên tắc ứng xử mới không chỉ vì dịch COVID-19, mà còn vì nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Hình thức dọn mâm cơm trong gia đình người Nhật, chính là “mẫu mực” để chúng ta có thể học tập; khi khẩu phần ăn của mỗi thành viên trên bàn ăn đều được dọn riêng, từ món xào, món chiên, chén súp… và mỗi người đều có bộ đũa của riêng mình. Trong trường hợp có nồi lẩu giữa bàn ăn, thì sẽ có những đôi đũa dài, những cái muỗng to dùng chung để lấy đồ ăn vào chén riêng.
Không chỉ là các dụng cụ ăn uống, mà thói quen ăn nhậu “ầm ào” trong không gian chật chội của phòng kín cũng là “cơ hội tốt” cho sự lây truyền các mầm bệnh.
Hiện nay, đa phần mọi người đều mang khẩu trang mỗi khi ra đường, nhưng vào những bàn tiệc đông người trong các phòng kín máy lạnh ăn uống, thành ra mọi người đã “vô hiệu hóa” cái khẩu trang trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay.
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thay đổi các thói quen xấu, tạo ra chuyển biến tích cực để sống chung an toàn. Lời kêu gọi của Phó Thủ tướng, cần được thực hiện nghiêm ngay lúc này và cần tiếp tục giữ sau khi hết dịch, để hình thành nếp ứng xử mới văn hóa, văn minh hơn.
Theo các chuyên gia, nên giữ cho bàn tay của chúng ta bận rộn như cầm một quả bóng căng, hoặc dây cao su. Nếu bạn đang ngồi ở bàn, tránh đặt khuỷu tay lên bàn. Thay vào đó, đặt đôi bàn tay của bạn bên dưới bàn hoặc ngồi khoanh tay để giảm thói quen đưa bàn tay lên mặt. Chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng vệ sinh như giấy hoặc khăn khi cần đưa tay lên mặt gãi, che khi hắt xì hoặc lau mặt. Điều quan trọng không kém là luôn giữ tay sạch, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để ngừa COVID-19. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin