Từ điển chính tả bị... sai chính tả

09:08, 30/08/2020

Thời gian gần đây, liên tục có 3 cuốn từ điển tiếng Việt bị thu hồi vì sai sót nghiêm trọng. Từ điển là sách công cụ, dùng để tra cứu, mang tính mẫu mực, điển hình.

 

Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của PGS.TS Hà Quang Năng và ThS. Hà Thị Quế Hương vừa bị yêu cầu thu hồi vào ngày 12/6/2020.
Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của PGS.TS Hà Quang Năng và ThS. Hà Thị Quế Hương vừa bị yêu cầu thu hồi vào ngày 12/6/2020.

Thời gian gần đây, liên tục có 3 cuốn từ điển tiếng Việt bị thu hồi vì sai sót nghiêm trọng. Từ điển là sách công cụ, dùng để tra cứu, mang tính mẫu mực, điển hình.

Phần lớn tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội đều có từ điển chuyên ngành. Tuy nhiên mỗi năm có cả ngàn đầu sách từ điển, sách công cụ được xuất bản và liên tục có những cuốn sách thiếu chính xác thì người đọc không khỏi hoang mang.

Cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên bị thu hồi, tiêu hủy do vi phạm bản quyền. Vụ việc vỡ lỡ khi tác giả Hoàng Tuấn Công chia sẻ trên mạng xã hội việc công trình “Từ điển Tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân- Phê bình và khảo cứu” của ông bị “đạo”.

Theo đó, cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” đã sao chép gần như hoàn toàn rất nhiều lý giải, định nghĩa trong công trình của ông. Sau đó, một người tự nhận là 1 trong 3 tác giả đồng đứng tên trong quyển từ điển đã liên hệ tác giả Hoàng Tuấn Công xin lỗi và đưa ra giải pháp xử lý.

Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của PGS.TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương vừa chính thức được Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội gửi công văn tới đối tác để yêu cầu thu hồi vào ngày 12/6/2020.

Trước đó, cuốn từ điển chính tả này bị chỉ ra hơn 40 lỗi… sai chính tả như: bánh dày (từ đúng là bánh giầy), bơi chải (từ đúng là bơi trải), chầy chật (từ đúng là trầy trật), chỉnh chu (từ đúng là chỉn chu), xung công (từ đúng là sung công), dằng xé (từ đúng là giằng xé), “dày trông mai đợi” (thành ngữ đúng là “rày trông mai đợi”)…

“Từ điển chính tả tiếng Việt” do GS.TS Nguyễn Văn Khang chủ biên cũng bị chỉ ra hơn 160 lỗi sai sót được ông Hoàng Tuấn Công trích dẫn như: Tác giả Nguyễn Văn Khang diễn giải từ “sử” thành các từ: sử kiện, sử nữ, sử tử… và khẳng định không viết “xử”. Trong khi đó, theo thông lệ tiếng Việt sẽ viết là: xử kiện, xử nữ, xử tử. Hoặc với thành ngữ tục ngữ, trong cuốn sách tác giả viết “Trông gà hóa cáo” và “Nghe gà hóa cuốc”…

Trong thực tế câu thành ngữ tục ngữ đúng là “Trông gà hóa cuốc”… Có hàng trăm “lỗi” trong cuốn từ điển của GS. Nguyễn Văn Khang theo cách này, những lỗi mà những người không trong lĩnh vực chuyên môn về ngôn ngữ cũng có thể nhận ra, khiến công chúng bức xúc.

Những cuốn từ điển có vai trò rất quan trọng, khi lưu truyền rộng rãi, nếu lỡ tra cứu và trích dẫn từ thì sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nhiều người, mà còn nhiều thế hệ. Kho tàng từ điển Việt Nam từng ghi nhận rất nhiều nhà từ điển nổi tiếng như Thanh Nghị, Lê Ngọc Trụ, Đào Duy Anh, Lê Văn Đức, Thiều Chửu, Văn Tân, Lê Khả Kế,...

Họ xuất thân từ nhiều nghề, nhiều lĩnh vực nhưng bằng con đường mày mò, tự học, chính họ đã cho ra lò nhiều công trình từ điển còn giá trị mãi với thời gian. Một trong những nguyên tắc của người làm từ điển là phải có tri thức chung về từ điển học. Làm từ điển cần sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc và dày công.

Không thể ngồi một chỗ nghĩ rồi hình dung ra định nghĩa của một từ nào đó mà phải căn cứ vào ngữ liệu, đơn vị từ ngữ nằm trong ngữ cảnh đưa vào cách sử dụng của nó. Phải nghiên cứu, thu thập qua thời gian dài ngoài thực tế cuộc sống.

Cần phải đầu tư lựa chọn quyển từ điển từ nhà xuất bản uy tín bởi quyển từ điển ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều thế hệ. Ảnh minh họa
Cần phải đầu tư lựa chọn quyển từ điển từ nhà xuất bản uy tín bởi quyển từ điển ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều thế hệ. Ảnh minh họa

TS. Nguyễn Hoàng Trung- giảng viên Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh- gợi ý các sinh viên nên chọn mua cuốn “Từ điển tiếng Việt” do GS. Hoàng Phê chủ biên và Viện Ngôn ngữ học xuất bản.

Để hoàn thành cuốn “Từ điển tiếng Việt”, GS. Hoàng Phê phải thắp đèn dầu để biên soạn hàng đêm. Ông bị đau cột sống không thể ngồi nhưng vẫn cố đứng hàng giờ để làm việc và kéo dài 10 năm thực hiện mới hoàn thành. Bên cạnh đó còn có các đội ngũ chuyên gia đầu ngành cộng tác cùng thì mới cho ra được một công trình chất lượng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh