Ở một đất nước thường xuyên phải chống giặc ngoại xâm như nước ta, khi rao bán những thùng nước sinh hoạt, người bán không dám nói mình đi "bán nước", mà dùng cụm từ thay thế là "đổi nước".
Ở một đất nước thường xuyên phải chống giặc ngoại xâm như nước ta, khi rao bán những thùng nước sinh hoạt, người bán không dám nói mình đi “bán nước”, mà dùng cụm từ thay thế là “đổi nước”.
Điều này dễ hiểu, bởi hành vi bán nước là vô cùng nhục nhã! Thế nhưng trong những thời điểm dân chúng buộc phải di chuyển để né những trận càn quét của địch người ta lại thường dùng cụm từ “chạy giặc”.
Suy cho cùng, nếu “chạy” là cách để tồn tại cho việc trở lại bám đất ủng hộ kháng chiến rõ ràng là không xấu và những cách “chạy giặc” trên đất cù lao Dài (trong kháng chiến là xã Quới Thiện, nay là 2 xã Quới Thiện và Thanh Bình thuộc huyện Vũng Liêm) trong bài viết này là như thế.
“Chạy giặc” thời chống Pháp
Những người hiện nay trên tuổi “thất thập” ở cù lao Dài đều có nhiều lúc phải “chạy giặc” Pháp (bà con quen gọi là chạy “Tây ruồng”). Trong khoảng thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra thành công tại đây và ở tỉnh nhà cho đến cuối năm 1952, cù lao Dài luôn là vùng “tự do” ta kiểm soát hoàn toàn, địch không đóng được một đồn bót nào và bộ máy tề phải tháo chạy khỏi địa phương.
Được sống trong không khí tự do của vùng kháng chiến, nhưng vì là vùng đất trù phú nên nhân dân nơi đây luôn phải đối phó với các cuộc càn quét cướp bóc của địch và bọn phản động đội lốt các giáo phái theo chân chúng.
Chống lại địch, về mặt quân sự, lực lượng kháng chiến địa phương có tổ chức đội dân quân, nhưng súng đạn thì gần như chưa có gì. Hơn nữa, do địa hình cù lao bị cô lập bởi 2 con sông lớn, ít khi được các đơn vị bộ đội tỉnh và huyện về hỗ trợ nên đội chủ yếu làm nhiệm vụ canh gác và hướng dẫn cho dân chúng lánh nạn khi có giặc càn cùng giữ gìn an ninh tại địa phương.
Chính vì vậy, bọn địch đến đây rất chủ quan, có lần bọn phản động chỉ khoảng một tiểu đội với vài cây súng mà cả xóm trẻ già đều bỏ nhà cùng “chạy”, cũng đã có một số dân quân hy sinh khi làm nhiệm vụ…
Nhớ lại việc này, một số cán bộ lớn tuổi từng công tác tại đây thời đó cho rằng lúc ấy do ta chưa có cách đánh địch thích hợp tại một cù lao có dân đông lại ở tản mác khắp địa bàn nên mô hình ấp chiến đấu không hiệu quả, nhưng nếu như ta biết tự lực làm thuốc nổ, tận dụng sức mạnh của vũ khí thô sơ, làm hầm bí mật để bám trụ và nhất là biết các chiến thuật quân sự đánh du kích như thời đánh Mỹ thì địch không dễ dàng uy hiếp dân như thế.
“Chạy giặc” thời đó ở đây rất đơn giản bởi không có máy bay và pháo binh địch, khi phát hiện giặc thì dân quân ở các điểm canh gác sẽ đánh mõ báo động bằng một hồi mõ dài rồi điểm 3 tiếng được gọi là “một hồi ba dùi”.
Mõ ở các điểm gác là mõ lớn làm bằng một đoạn thân cây mù u khoét rỗng ruột nên tiếng vang rất xa. Khi có tiếng mõ báo động thì nhà nhà chuẩn bị giấu đồ đạc và gói ghém đồ mang theo khi đi lánh giặc (thật ra lúc ấy ngoài một số nhà khá giả, còn phần nhiều là nhà lá, đồ đạc chủ yếu là một ít áo quần, nông cụ, gia súc, gia cầm...).
Nếu sau đó nhận thấy địch không đến thì dân quân sẽ đánh mõ báo tịnh (có người còn nhớ đó là những hồi mõ kéo dài), mọi người sẽ trở lại các hoạt động thường ngày, nhưng nếu nghe họ đánh mõ “hồi một” (một hồi mõ ngắn rồi điểm gọn một tiếng tiếp theo) và qua truyền miệng nơi địch đổ bộ lên cù lao thì các nhà kéo nhau đi lánh giặc.
Nhưng không phải lúc nào các cuộc chạy giặc cũng với các tuần tự như thế, bọn giặc Pháp lắm mưu mô nhiều lần làm cho dân cù lao bất ngờ bằng thủ đoạn ban đêm thả trôi tàu chở quân rồi tấp vào một nơi nào đó đổ quân lên cù lao. Những lần như thế người cù lao bị nhiều thiệt hại, dân quân canh gác hy sinh.
Bọn phản động đội lốt tôn giáo theo giặc cũng học theo cách này, thỉnh thoảng chúng dùng ghe chèo sáng sớm tập kích lên cù lao… Đối phó với những lần bị bất ngờ, khi phát hiện giặc bất cứ ai cũng có thể dùng mọi cách đánh mõ hồi một báo động cho cả làng, nếu không có mõ thì cách hay nhất là dùng cây đánh lên ván ngựa cho tiếng báo động vang xa…
Ở cù lao Dài lúc đó hướng giặc đến thường là từ huyện lỵ Chợ Lách hay thị trấn Cái Mơn, thị trấn Bang Tra ở phía bờ đông, ở bờ tây là từ huyện lỵ Vũng Liêm, người dân chạy giặc thường có khuynh hướng chạy ngược lại hướng chúng đến.
Nắm quy luật này, có lúc vài gia đình bị địch bắt bí tóm được, khi ấy số con nít thì khóc rân trời, người lớn thì rất khổ sở, đàn ông là đối tượng đầu tiên chúng muốn đánh muốn giết tùy lúc, cũng có thể bị bắt đi để làm tiền, số đàn bà con gái lo nhất là bị chúng hãm hiếp, không ít chuyện thương tâm do địch gây ra cho dân thường trên mảnh đất này…
Sau một trận càn của địch, khi nghe được tiếng mõ báo tịnh của dân quân thì ai lại về nhà nấy. Nỗi lo của họ lúc bấy giờ là trong xóm có ai bị giặc bắt đi hoặc bắn chết, nhà nào bị giặc đốt, lúa khoai, gà vịt trong nhà mình có bị chúng cướp đi…
Có lần sau một trận càn, bà con ấp Rạch Vọp thấy trên vách ván một nhà nọ có mấy câu văn vần viết bằng than củi của thằng giặc xỏ lá nào đó, trong đó có câu than thở “Độc lập mới đến, vịt gà hết trơn!” Trẻ con ngày ấy thường không có nỗi lo của cha mẹ khi theo họ chạy giặc nên vẫn nói cười như thường, chúng cũng không quan tâm chuyện các nhà ngói trong làng lần lượt bị giặc dỡ lấy hết các cột kèo chở về quận lỵ Vũng Liêm…
Năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, ký ức của một đứa trẻ mới lên 6 tuổi của người viết vẫn đủ để nhớ về một lần chạy giặc cùng mẹ mình: đêm đó tiếng tàu “lồng cu” (tàu đầu bằng dùng chở quân của giặc, phía sau tàu có một cái lồng tháp cao như tổ chim cu để người lái ngồi trên đó có thể nhìn bao quát) chạy nghe u u trên sông cái hướng đầu cù lao. Gần sáng, tiếng mõ báo động vang lên từng chập khiến mọi người có cảm giác cả đến cây cối cũng đang thắc thỏm!
Các gia đình lo nấu cơm để chuẩn bị cho cuộc chạy giặc sáng ngày hôm sau, trong nhà cha tôi bàn bạc với mẹ chuyện gì đó rồi đi khỏi nhà, ông thường đi như thế vì nhiệm vụ của một cán bộ xã và mẹ tôi luôn là chỗ dựa của chúng tôi ở những lần chạy giặc.
Trời chưa sáng hẳn, tiếng mõ hồi một đã trỗi lên, lúc đầu ở vàm sông sau đó là ở chợ xã. Giặc đến rồi! Mẹ hối chúng tôi rời nhà, tay mẹ bồng đứa em út vai quảy một túi cơm vắt, còn tôi và người anh kế cởi quần ôm ngang ngực chạy theo mẹ băng qua cánh đồng sau nhà lúc đó đang vào mùa nước nổi nước đã lên ngang bụng.
Sáng ra tại một nơi chắc là rất xa nhà, chúng tôi được gặp cha mình với một vài dân quân, khá đông người dân trong xã cũng tụ tập tại đó, sau một lúc những người lớn bàn bạc với nhau, các gia đình tản ra nhiều hướng…
Lần đó, có vài ngôi nhà trong xóm bị giặc đốt cháy, may mắn không có ai bị giặc bắt hay bị giết, bụng đói tôi theo anh lớn sang nhà hàng xóm bị giặc đốt cháy dở mót những củ khoai lang cháy khét…
Từ cuối năm 1952, địch tập trung lực lượng của tỉnh đóng lại nhiều đồn giành lại quyền kiểm soát toàn cù lao Dài. Trước sức mạnh của địch và địa hình cô lập của một cù lao, để bảo toàn lực lượng, phần lớn cán bộ xã phải một lần “chạy giặc” sang vùng tự do của ta đối diện với bờ tây của cù lao thuộc xã Đức Mỹ (huyện Càng Long- Trà Vinh), chỉ để lại một số cán bộ cốt cán bám trong dân làm bàn đạp hàng đêm trở về hoạt động. Ở hoàn cảnh giặc đã ở tại “nhà”, dân cù lao không “chạy” nữa, phải “gồng mình” đối mặt với chúng và bí mật hoạt động ủng hộ kháng chiến!
Phải đến đầu năm 1954 trước khi Hiệp định Genève được ký kết, sau các bước chuẩn bị, số cán bộ này trở về kết hợp với số bám trụ trước đó cùng nhân dân nổi dậy san bằng 5 đồn giặc. Lần này thì giặc phải chạy khỏi 5 ấp, tại cù lao chúng chỉ còn đóng trụ sở của bọn tề xã tại ấp Rạch Vọp và 2 đồn lính ở vàm rạch Thanh Bình và vàm rạch Phước Lý để cố kiểm soát 3 ấp còn lại.
Giai đoạn này, người dân có nhà gần các đồn giặc có một kiểu “chạy giặc” khác là khi bọn lính đồn bung ra lùng sục thì báo động với nhau để người lớn tản ra vùng của ta, nhà chỉ còn người già và trẻ em. Còn lực lượng dân quân thì điều động hướng ngược lại nên địch cũng không dám liều lĩnh ra xa đồn nếu không có lực lượng của trên hỗ trợ.
“Chạy giặc” thời chống Mỹ
Sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, lực lượng ta tập kết ra miền Bắc theo tinh thần hiệp định, nhưng đế quốc Mỹ sớm lộ rõ ý đồ thế chân thực dân Pháp xâm lược nước ta đã cùng các con bài tay sai trong nước không thực hiện hiệp định.
Những năm sau đó, tại cù lao Dài, bọn tề xã theo lệnh cấp trên phân loại các gia đình và trả thù người kháng chiến và gia đình họ qua các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, “đưa Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, nhiều đảng viên và cơ sở ta hy sinh, bị tù đày hay phải “chạy” (điều lắng) đi nơi khác...
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân cù lao Dài vẫn một lòng tin tưởng vào cách mạng. Một số đảng viên và cơ sở cốt cán còn “hợp pháp” được với địch theo sự chỉ đạo của chi bộ đảng khéo léo trà trộn tham gia vào bộ máy tề và các hội đoàn của chúng trong xã, nên trước khi cuộc Đồng khởi nổ ra trên toàn miền Nam vào ngày 14/9/1960, các hoạt động của ta tại xã khiến bọn địch lo sợ.
Để đối phó, địch thực hiện một việc gian ác là “gom khu”: hàng đêm chúng buộc các gia đình có người thân làm cách mạng trong xã phải bỏ nhà vào ngũ trong một khu vực tại chợ ấp Thanh Bình và một khu nhỏ hơn ở chợ ấp Rạch Vọp. Ở ấp Thanh Bình, nam giới từ 18- 45 tuổi cũng bị tình cảnh tương tự, mỗi đêm chúng điểm danh từng người ở từng khu, công việc này do một tên ác ôn là đội Hòa chỉ huy.
Trước tình hình trên, một kiểu chủ động “chạy giặc” khác của các gia đình cách mạng và số thanh niên bị gom khu này được vạch ra dưới sự chỉ đạo của chi bộ xã: Cơ sở mật của ta trong số các thanh niên bị gom khu sẽ diệt đội Hòa, sau đó cùng với người trong các gia đình bị địch gom vào đây nổi lửa đốt hết các ngôi nhà trong khu để tự giải thoát.
Chiều 29/8/1960, kế hoạch hiệp đồng này thành công, đội Hòa bị diệt, còn lính của hắn tháo chạy, toàn bộ các khu nhà dùng gom dân bị đốt cháy trụi. Kế hoạch gom khu của địch trong toàn xã gãy đổ từ hôm đó, nhưng cái giá phải trả cho thắng lợi này là 2 thanh niên bị địch bắn chết trong một cuộc càn “trả thù” vào hôm sau, một số người thuộc gia đình cách mạng bị gom khu tham gia tích cực đốt khu này từ thời điểm đó không còn giữ thế “hợp pháp” được với địch.
Trải qua nhiều bước thăng trầm của các phong trào cách mạng, cuối năm 1963 dân cù lao Dài tiếp tục đuổi giặc chạy khỏi ấp Rạch Vọp và Phước Lý, làm chủ 7 trong 8 ấp của xã.
Cuối năm 1968, tình hình của cù lao lại giống như cuối năm 1952: trong kế hoạch bình định cấp tốc địch tập trung quân đóng đồn lấn chiếm toàn xã, để bảo toàn lực lượng, vẫn bài bản cũ, hầu hết cán bộ của xã lần nữa phải “chạy giặc” sang các vùng giải phóng đối diện hai bên bờ của cù lao, một bộ phận cán bộ cốt cán được chi bộ đảng phân công bám trụ lại trong dân để làm bàn đạp cho các đoàn cán bộ xã hàng đêm trở về cù lao hoạt động và họ vẫn kịp cùng nhân dân nổi lên tự giải phóng hoàn toàn xã nhà cùng thời điểm với toàn miền Nam trong mùa Xuân 1975.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin