Có người bảo tình yêu là ly rượu đắng mà ai cũng phải một lần nếm trải. Nhưng có lúc, tình yêu là mật ngọt, là chất men say để bao người phải ngất ngây. Chả phải thế mà nhà thơ Xuân Diệu có lần phải nguyện với lòng "Khi chết rồi tôi lại yêu ma" đó sao.
Có người bảo tình yêu là ly rượu đắng mà ai cũng phải một lần nếm trải. Nhưng có lúc, tình yêu là mật ngọt, là chất men say để bao người phải ngất ngây. Chả phải thế mà nhà thơ Xuân Diệu có lần phải nguyện với lòng “Khi chết rồi tôi lại yêu ma” đó sao.
Thứ tình cảm lạ lùng ấy đã một thời làm đảo điên bao chính khách, nhưng cũng có khi nó nhẹ nhàng, dung dị như thơ, như nhạc. Bài thơ “Bên cửa sổ” của Song Hảo cũng từng cuốn hút bao người từ những chất men say ngọt ngào đó.
Được viết theo thể tự do, gồm 4 khổ thơ. Bài thơ có giọng điệu tâm tình ngọt ngào thích hợp cho việc diễn đạt tình yêu của đôi bạn trẻ.
Ra đời vào đầu thập niên 80 khi mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam đang diễn ra ác liệt. Biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam tạm quên đi những thứ tình cảm riêng tư nối bước nhau ra tiền tuyến chiến đấu với quân thù, nên có đôi lúc bài thơ đã gây khó chịu cho những người vốn dĩ nghiêm túc với hoàn cảnh.
Nhưng ít ai nghĩ chính tình cảm riêng tư của lứa đôi lại làm nên sức mạnh của tình yêu quê hương đất nước. Vì thế, một hiện tượng hai người yêu nhau, hôn nhau tưởng chừng như bình thường nhưng được Song Hảo đưa vào thi ca thời kỳ ấy lại là một hiện tượng hiếm gặp.
Mở đầu bài thơ, là những câu thơ giới thiệu về bối cảnh và nhân vật trữ tình:
“Cao cao bên cửa sổ
có hai người hôn nhau
hai người còn rất trẻ
hãy im nghe
rì rầm đường phố
bên cửa sổ
có hai người hôn nhau”.
Có lẽ, bao nhiêu đau thương mất mát đang diễn ra từng ngày ngoài chiến trường ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống nơi hậu phương. Vậy mà, cuộc sống nơi đây vẫn đang diễn ra một cách bình thường. Nơi không gian chung đường phố vẫn “rì rầm”.
Từ láy tượng thanh “rì rầm” gợi tả cuộc sống vốn dĩ rất thanh bình nơi phố thị, không thấy dáng dấp của cuộc chiến tranh đang diễn ra căng thẳng ngoài kia.
Cái thanh bình ấy còn len lỏi vào một không gian khác, không gian riêng tư “Cao cao bên cửa sổ” một hiện tượng thật ý nhị với hai nhân vật trữ tình “có hai người hôn nhau”. Hai đối tượng trữ tình được nhắc tới “còn rất trẻ”.
Cụm từ “còn rất trẻ” vừa mang tính tả thực vừa để tác giả phân bua cho cái điều mà nhất thời trong hoàn cảnh thực tại ít người dám đưa vào thi ca. Họ còn rất trẻ, tất nhiên là có nhiều cái khát khao, ngoài cái khát khao cống hiến cho cái chung, còn khát khao được yêu nhau nữa chứ.
Vì vậy dường như ta bắt gặp nơi không gian riêng tư ấy một nụ hôn đầm thắm, vượt lên trên những cái khắc nghiệt của hoàn cảnh chung mà đất nước đang đối diện, vượt qua những nỗi mong chờ, nhớ nhung, đồng nghĩa với tình yêu cũng rạo rực được diễn đạt khéo léo bởi việc nhắc lại hai lần cụm từ “có hai người hôn nhau”.
Đến khổ thơ thứ 2 và 3 thì không gian, thời gian cụ thể hơn, tạo nên một bối cảnh đầy ấn tượng cho buổi hẹn hò:
“Đêm chín rồi
rất khẽ
trăng ơi ghen nhé
có hai người
yêu nhau
Hoa dạ lý
dâng hương
đêm nay
hoa tinh tường hơn cả
Nhớ nghe hoa
mùi hương thật khẽ”.
Cách diễn đạt độc đáo đầy hình tượng, “đêm” là khái niệm thuộc phạm trù của thời gian, được tác giả dùng kết hợp với từ “chín rồi”, khiến cho cái trừu tượng trở nên cụ thể, có thể nhìn, cảm nhận và hưởng thụ, để diễn đạt một thời gian đẹp mà hai người đang nắm bắt đã trải qua bao ngày thử thách, mong chờ.
Giờ là phút giây thích hợp để họ đến với nhau biểu lộ tình yêu bằng nụ hôn nồng ấm. Cùng với đó là trăng, hoa dạ lý là đối tượng hiện hữu, là nhân chứng cho phút giây hai người “yêu nhau” cũng được nhân hóa như một thực thể con người, khiến cho thiên nhiên thêm gần gũi thơ mộng và đầy chất gợi tình.
Tất cả các đối tượng được nhắc tới đều hết sức lãng mạn, kết hợp với nụ hôn nồng nàn giúp cho tình yêu của đôi bạn trẻ thăng hoa. Trong lời tâm tình ngọt ngào bởi thán từ “nhé”, “ơi”, “nhớ nghe” như một lời nhắn gửi, ta bắt gặp một tâm trạng hạnh phúc ngất ngây trước tình yêu trong sáng.
Đến như trăng một biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên cũng bị thách thức “ghen nhé”, hương hoa dạ lý một mùi hương dịu nhẹ tinh khiết là chủ nhân của thời gian về đêm như cũng nắm bắt được cái đêm đầy gợi tình này chỉ có tình yêu của hai người bạn trẻ đang ngự trị mà có hành động thật lạ “dâng hương” chứ không phải là “đưa hương”, cùng với đêm “rất khẽ” thì mùi hương dạ lý cũng dịu nhẹ bớt đi “mùi hương thật khẽ”. Tất cả như ngưng đọng nhường chỗ cho cái ngất ngây trùm phủ của hương tình.
Cái lý do cho buổi hẹn hò để có được những giây phút lãng mạn bên nhau cũng được làm rõ qua khổ thơ cuối cùng:
“Mặt trận đêm nay
bình yên
anh lính về thăm phố phường
Cô gái vừa tan ca
hai người đến với hoa
hôn nhau
bên cửa
có bao người
đang yêu
hoa nhé đêm nay”
Đọc khổ thơ cuối, ta rất trân trọng thái độ của đôi bạn trẻ biết đặt nhiệm vụ của Tổ quốc lên trên tình cảm riêng tư. Anh lính “về thăm phố” khi “mặt trận bình yên”, còn cô gái thì “vừa tan ca”.
Hai đối tượng cùng đảm nhiệm hai nhiệm vụ chung là bảo vệ và xây dựng đất nước vừa hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Giờ thì họ tranh thủ thời gian ngắn ngủi, quên đi cái tất bật, vất vả, đến với nhau để tận hưởng cái đặc ân của trời đất.
Từ ngữ “hôn nhau” lần thứ ba được nhắc lại như một “nhãn tự” của bài thơ để diễn tả cảm xúc ngập tràn tình cảm chân thành nồng nhiệt nhưng không kém phần lãng mạn “hai người đến với hoa” cũng là đến với cái đẹp lãng mạn ngất ngây, nhưng cũng rất tự nhiên và “có bao người/ đang yêu” cũng có được một đêm nồng nàn như thế.
Đây là tình cảm tự nhiên chính đáng của con người. Vì vậy nó càng thêm cao đẹp khi biết cân nhắc và đặt nó vào trong cùng một trái tim, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng ví von:
“Anh yêu em như yêu đất nước
Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng”.
Bài thơ “Bên cửa sổ” của nhà thơ Song Hảo có hình tượng thơ mới lạ, giọng thơ ngọt ngào khi khoan, khi nhặt nghe như một câu chuyện nhỏ ngọt ngào về tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn mà thời trẻ chắc ai cũng từng ước ao ngự trị.
Vì vậy, bài thơ đã được người đọc Vĩnh Long đón nhận và yêu thích- nhất là các bạn trẻ. Không dừng lại ở đó, bài thơ còn như được chắp thêm đôi cánh đến mọi nẻo đường, đến với từng người đọc yêu thơ trên khắp cả nước khi được nhạc sĩ Xuân Hồng lựa chọn, phổ thành nhạc.
Từng lời thơ ngọt ngào, hay lời nhạc du dương nơi đôi môi những đôi bạn trẻ như nụ hôn nồng nàn từ những năm tháng máu lửa còn vương đọng mãi theo cùng năm tháng.
MINH ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin