Thay đổi tích cực từ thói quen đọc sách

05:07, 20/07/2020

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT: "Những cuốn sách hay có thể thay đổi cuộc đời của người đọc…" Dù hôm nay mạng xã hội hay các phương tiện giải trí hiện đại phát triển mạnh mẽ, sách vẫn luôn có những cách thức đặc biệt để chạm tới từng độc giả. 

 

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Ngọc Bích trao giải nhất câu chuyện sáng tác khuyến đọc cho Võ Trần Ngọc Minh.
Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Ngọc Bích trao giải nhất câu chuyện sáng tác khuyến đọc cho Võ Trần Ngọc Minh.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT: “Những cuốn sách hay có thể thay đổi cuộc đời của người đọc…” Dù hôm nay mạng xã hội hay các phương tiện giải trí hiện đại phát triển mạnh mẽ, sách vẫn luôn có những cách thức đặc biệt để chạm tới từng độc giả.

Nhiều phong trào, cuộc thi khuyến đọc được phát động để việc làm bạn với con chữ trở thành thói quen, dần thay đổi cuộc sống của chúng ta theo hướng tích cực hơn.

Lan tỏa tình yêu đọc sách

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy phong trào đọc sách trong học sinh như: xây dựng thư viện đạt chuẩn tiên tiến, tổ chức cuộc thi bé kể chuyện, kể chuyện theo sách, em yêu lịch sử Việt Nam, sáng tác văn thơ tuổi học trò…

Những phong trào đã mang lại hiệu quả tích cực giúp các em học sinh có nhiều kiến thức, kỹ năng thông qua việc đọc sách.

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT chia sẻ: “Phải làm sao để hình thành, nuôi dưỡng và tạo sự say mê để các em bước chân vào thư viện, bởi khởi nguồn để hình thành văn hóa đọc của các em học sinh là vào thư viện.

Khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục được các em bước qua bậc thềm dẫn vào thư viện chính là chúng ta thay đổi các em theo một cách tốt đẹp hơn”.

Bé Nguyễn Hoàng Thuy Trúc- lớp 4/4, Trường Tiểu học Lưu Văn Liệt (Tam Bình) là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi viết chữ đẹp, kể chuyện theo sách, đại sứ văn hóa đọc.

Mẹ của Thuy Trúc- cô Nguyễn Thị Thanh Mai- cho biết: “Những người thân trong gia đình có trách nhiệm tạo hứng thú để bé thích đọc sách.

Nếu con học tốt có thể thưởng bằng những quyển sách, truyện tranh mới. Chị Hai của bé học lớp 8 cũng thích đọc sách, hay mượn ở thư viện trường về để 2 chị em đọc chung, bàn luận sôi nổi, càng hứng thú thì bé sẽ tự có ý thức đọc mà người lớn không cần nhắc nhở nữa”.

“Để yêu thích đọc sách thì chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của sách”- em Võ Trần Ngọc Minh- Trường THCS Nguyễn Trường Tộ- giành giải nhất khi viết câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất vòng sơ khảo cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2020” đã nói.

Ngọc Minh chia sẻ: “Khi đọc sách, em cải thiện khả năng viết, rút kinh nghiệm trong dùng từ, dùng câu chữ sao cho thật hàm súc, truyền đạt đến người đọc sâu sắc. Yêu, trân trọng và đọc sách nhiều hơn vì kiến thức học được từ sách sẽ là nền tảng, bàn đạp vững chắc cho tương lai. Tin vào khả năng của mình nhiều hơn, em cố gắng học tập, rèn luyện mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.

Để mỗi người là một “đại sứ văn hóa đọc”

Những năm qua, nhiều phong trào, cuộc thi khuyến đọc được phát động đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc lan tỏa tình yêu đọc sách. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” vừa được tổ chức lần thứ 2 đã thu hút gần 1.500 bài dự thi từ khắp các trường học trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, so với năm 2019, số bài dự thi năm 2020 tăng cả về số lượng và chất lượng.

Những tác phẩm đạt giải là những bài thi có những chia sẻ thể hiện tốt nhất sự yêu thích đọc sách, hiểu được lợi ích của việc đọc sách và có nhiều ý tưởng sáng tạo, giải pháp khả thi trong việc khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Những chia sẻ đầy xúc động, chân thành trong các bài dự thi cho thấy sách vẫn là người bạn đồng hành thân thiết cùng học sinh, sinh viên dù trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.

Trong 2 năm liên tiếp, Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) là trường có nhiều thí sinh tham gia và đạt giải nhiều nhất. Thầy Tăng Xuân Khánh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thông- chia sẻ, CLB đọc sách của trường có nhiều nỗ lực để đem sách đến gần với các em học sinh.

Vào khung giờ chính khóa mỗi tháng 1 tiết do giáo viên Ngữ văn đảm nhiệm là tiết dạy đọc sách để tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp xúc với sách và được hướng dẫn đọc sách. Không gian đọc của CLB thường xuyên nhận được sách tặng và sách luân chuyển của thư viện tỉnh.

CLB vận động xây dựng được cho mỗi lớp 1 kệ sách với số lượng 50 cuốn sách. CLB tổ chức cho học sinh giới thiệu sách dưới cờ, tổ chức giao lưu cùng đại sứ đọc, giao lưu ở thư viện tư nhân, tặng sách cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi…

Từ hàng ngàn bài dự thi mong muốn trở thành “Ðại sứ văn hóa đọc”, mới thấy được sức lan tỏa đằng sau những trang sách. Các em đọc sách hay, chia sẻ cảm nhận về sách, về cuộc đời mình và bàn chuyện chấn hưng văn hóa đọc.

Ông Lê Thanh Hiền nhấn mạnh, thông qua cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa đọc trong việc tiếp cận thông tin và tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Câu chuyện từ những trang sách rồi sẽ chắp cánh ước mơ cho các em. Đọc sách không phải công việc hay nghĩa vụ, nó là một sở thích nên được hình thành và duy trì trong suốt những năm tháng cuộc đời. Sự đồng hành, nâng đỡ về tinh thần của những cuốn sách là nguồn động viên hướng đến một lối sống lành mạnh, tích cực hơn mỗi ngày.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh