Có khi nào buồn quá, hạnh phúc quá mà không biết từ ngữ nào để diễn tả, khả năng phần nhiều bạn sẽ tìm được sự đồng cảm đâu đó trong thơ Nguyễn Thiên Ngân.
Có khi nào buồn quá, hạnh phúc quá mà không biết từ ngữ nào để diễn tả, khả năng phần nhiều bạn sẽ tìm được sự đồng cảm đâu đó trong thơ Nguyễn Thiên Ngân.
Tập thơ nhẹ nhàng và đầy xúc cảm của Nguyễn Thiên Ngân được nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Hiếm có nhà thơ nào được người trẻ ưa thích như Nguyễn Thiên Ngân. Có vài hôm khi mở trang mạng xã hội như Facebook thấy những bạn trẻ chia sẻ tâm sự bằng câu thơ, thì biết ngay Nguyễn Thiên Ngân lại ra tập thơ mới.
Nguyễn Thiên Ngân làm thơ tự nhiên như hơi thở, chỉ hí hoáy cây viết chì và mảnh giấy vụn, như thể vần điệu ở đâu đó sẵn trong người, chỉ nói ra một câu vu vơ thôi mà cũng đã có ý, có nhạc làm người ta thuộc nằm lòng. Chưng cất trải nghiệm sống thành vần điệu, Nguyễn Thiên Ngân thủ thỉ thù thì, nói hộ những buồn, vui, những khấp khởi, lo toan và nguồn năng lượng đặc biệt của tuổi trẻ.
Bắt đầu viết lách từ năm 15 tuổi với những truyện ngắn trên báo Mực Tím, Nguyễn Thiên Ngân đã trở thành cái tên quen thuộc với những bạn trẻ yêu văn thơ. Hơn 30 tuổi, gia tài văn chương của chị đã hơn chục quyển sách với đầy đủ các thể loại truyện ngắn, truyện dài và thơ. Nguyễn Thiên Ngân là chủ nhân của những giải thưởng văn học uy tín như “Chân dung Tuổi mới lớn”, “Văn học tuổi 20”…
Nhẹ nhàng, duyên dáng như “Đường về gió ngược mà thương/ Biết bông hoa trắng trong vườn ngủ chưa?”, Nguyễn Thiên Ngân là một trong những nhà thơ trẻ yêu thơ lục bát. Chất liệu thơ Ngân từ trải nghiệm sống: những đỉnh núi cao, những bãi biển dài, những ga tàu tuổi trẻ, mùi cỏ khô, tiếng chim, tình yêu đầu…
Với những rung cảm đầy tinh tế, Nguyễn Thiên Ngân tìm được sự đồng cảm với những người trẻ, khi chị từng hỏi độc giả rằng: “Có bao giờ bạn ở trong trạng thái này: một giai điệu nào đó gắn liền với một đoạn đời nào đó của bạn. Và nó cứ mãi mãi như thế, dính cứng ngắc như bị dán bằng keo con voi. Bạn nghe giai điệu đó, lập tức đoạn đời đó sẽ trở về bên bạn, nguyên vẹn. Cảnh vật quanh bạn như rùng mình biến đổi. Mùi hương quanh bạn như chuyển mình.
Ngay cả chính bạn cũng gần như choáng váng, như xẹt điện, như sụp đổ, như bất cứ một hiệu ứng chuyển cảnh mạnh mẽ nào đó trong phim ảnh mà chúng ta có thể hình dung. Có bao giờ như thế không?”
Như một hành trình thuận theo quy luật của thời gian, thơ Ngân mang trăn trở của tuổi trẻ hoang mang, nhiều nỗi buồn, nhiều hoài niệm: “Có những ngày chỉ muốn trở về quê/ Nằm nghe gió rít qua hàng song cửa/ Nói với mẹ: Con không đi làm nữa/ Mẹ nuôi con đọc sách hết đời, nghe?” Càng về sau càng có sự lạc quan, bình tĩnh của người đã có nhiều trải nghiệm: “Có người sực tỉnh cơn mơ/ Nằm trong bóng tối im chờ ban mai”.
Tập thơ đầu tiên “Mình phải sống như mùa hè năm ấy” mang lại cảm giác chung là nuối tiếc, buồn đau, thương nhớ về tình yêu đã mất. Sang “Lạ lùng sao, đớn đau này”, “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” thơ thấm đẫm chất tự sự, vẫn là câu chuyện tình yêu nhưng từ ngữ trau chuốt hơn.
Đến tập thơ mới nhất: “Có người sực tỉnh cơn mơ” những nỗi buồn, cô đơn, mất mát, chênh chao được diễn đạt bình dị, mộc mạc và lắng đọng thành sự biết ơn: “Cảm ơn này phút xa xôi/Cho mình học lại bồi hồi nhớ mong/Cảm ơn những phút nát lòng/ Để thôi kỳ vọng, tập không trách mình”.
Người trẻ trong thơ Ngân rất đáng mến, rất dễ yêu, là một người can đảm để bước vào tương lai với trái tim rộng mở và yêu thương tha thiết cuộc đời.
Trên con đường tuổi trẻ đầy những thử nghiệm và sai lầm, những tập thơ Nguyễn Thiên Ngân giống như người bạn đồng hành thinh lặng, truyền cảm hứng để sống thật bình tĩnh, trọn vẹn từng phút giây. Chẳng cần vội vã vì: “Việc của mình là chờ mình lớn lên, chờ mình giỏi hơn, chờ cho những ngày hoang mang ấy qua đi”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin