Chiến thắng Cái Sơn- mốc son trong tiến trình lịch sử tỉnh Vĩnh Long

01:07, 07/07/2020

Chiếc xe mobilet dừng lại gần cống Cây Sao chỉ hơn một tích tắc rồi vụt đi về hướng Ba Càng. Người liên lạc đứng trên gò tranh truyền thông tin xuống: "Tỉnh trưởng về, trên chiếc xe đoót màu trắng đi đầu".

 

Chiếc xe mobilet dừng lại gần cống Cây Sao chỉ hơn một tích tắc rồi vụt đi về hướng Ba Càng. Người liên lạc đứng trên gò tranh truyền thông tin xuống: “Tỉnh trưởng về, trên chiếc xe đoót màu trắng đi đầu”.

Tổ trung liên được lệnh xuất phát. Từng “bụi cỏ” di động rời công sự ẩn nấp tiến dần ra lộ. Còn lại 7 đồng chí hồi hộp chờ đợi. Chưa có lệnh thì không thể rời công sự ẩn nấp được. Vì từ công sự ra lộ chỉ hơn 70m, đồng ruộng trống trải, cỏ mọc lưa thưa, từ xa dễ dàng quan sát.

Nếu kẻ địch phát hiện được có dấu hiệu khả nghi, địch dừng lại cho bọn lính bảo vệ lên lùng sục thì nguy hiểm vô cùng. Lực lượng ta có 10 đồng chí trong khi địch có cả trung đội đang cơ động bằng xe trên lộ, chúng đang có lợi thế là trang bị mạnh, cơ động nhanh, tầm quan sát rộng.

Kiểu bố trí đội hình này các anh gọi là “chiến thuật đội mồ”, nhưng thực chất là bí mật phục kích. Các anh ém quân từ sáng đến chiều trong công sự có ngụy trang khi thời cơ đến thì “giở nắp mồ” bật lên tiêu diệt địch. Vị trí bố trí mũi chủ yếu này hết sức nguy hiểm. Vì lực lượng bộ đội quá ít, khi nổ súng phải diệt được mục tiêu. Đường rút phải vượt qua mục tiêu rồi vượt lộ, vượt kinh xáng.

Do vậy buộc phải thắng, các mũi khác phải kềm chân được lực lượng chi viện của địch. Vì nếu không thắng, không kềm chân được bọn địch chi viện thì đội hình rút của ta khi vượt lộ, vượt kinh là phơi lưng trước nòng súng địch.

Chiếc xe đi đầu lắc lư khi sụp xuống ổ gà trên lộ ngay cống Cây Sao. Loạt đạn trung liên nổ giòn. Chiếc xe chồm lên rồi chúi đầu bên lề lộ. Đồng chí Tám Chè chỉ huy mũi dõng dạc ra lệnh: “Xung phong!” Đồng loạt 7 đồng chí bật dậy khỏi công sự như những mũi tên lao thẳng vào mục tiêu.

Khưu Văn Ba- Đốc phủ sứ đặc hạng, Tỉnh trưởng Vĩnh Long- cùng 3 tùy tùng vội vã mở cửa xe nhảy xuống mương nước ngay miệng cống Cây Sao tránh đạn.

“Tất cả giơ tay lên! Đầu hàng là sống, chống cự là chết”, khẩu lệnh đanh gọn của các anh bộ đội được phát ra. Ba tên lập cập giơ tay khỏi đầu. Tên cao to, bụng phệ cố bườn chạy. Không thể trì hoãn thời gian, 3 khẩu súng cùng hướng vào một mục tiêu. Khưu Văn Ba bị tiêu diệt. 3 tên tù binh được dẫn giải vượt lộ, vượt kinh rời khỏi trận địa.

Gần như cùng lúc với tiếng nổ ở mũi chủ yếu trên lộ, bộ phận chặn viện thứ nhất do đồng chí Hai Lọ chỉ huy nổ súng vào chiếc xe chở bọn lính hộ tống khi nó chưa kịp chồm lên dốc cầu Rạch Rừng. Từng loạt đạn trung liên đầy uy lực bắn thẳng vào xe bọn lính. Theo quán tính, bọn lính nằm rạp xuống sàn xe tránh đạn. Tài xế gài số, xe chạy giật lùi cố tránh làn đạn càng xa, càng tốt, bỏ mặc quan thầy đang gặp hiểm nguy phía trước.

Nghe tiếng súng nổ ở mũi chủ yếu, ở bộ phận chặn viện 2, đồng chí Ba Thuận ra lệnh nổ súng vào đội hình bọn lính nằm đường đang chốt ở ngã ba Thợ Ty. Bị đánh bất ngờ, bọn này tán loạn lo né tránh, chống trả, không dám “phơi lưng trên lộ” để cứu nguy cho đoàn xe quan thầy.

Sáng hôm sau, khi gia đình của 2 vị trưởng ty và chủ sự hành chánh tìm xuống nơi xảy ra trận đánh để hy vọng tìm xác các người này về chôn cất thì từ hướng nhà thờ Phú Yên, thầy Năm chở 3 người này trên 1 chiếc xuồng cặp vào bên lộ 16 đưa 3 người này lên bờ.

Niềm vui mừng những tưởng trong mơ khiến những giọt nước mắt lăn dài trên má của người thân và của 3 người vừa được cách mạng khoan hồng, tha bổng. Trong lễ tang của Khưu Văn Ba, 3 người này nói lên sự thật về việc được các anh bộ đội cách mạng cứu sống khi lội qua kinh xáng bị “chết hụt”, các anh đã lặn xuống đẩy chân cho họ vào đến bờ an toàn.

Một người trong bọn họ nói: “Tôi tên Trần Văn Trị làm Trưởng ty Thông tin Vĩnh Long, được các anh bộ đội giải phóng miền Nam giải thích chỉ dẫn rõ ràng chủ trương của Đảng Lao động đem lại hạnh phúc cho nhân dân khiến tôi hết sức buồn bực vì đã làm điều tội lỗi, sái với lời đồn đãi tuyên truyền của Mỹ Diệm mà chính tôi đã lầm. Hôm nay, gặp các anh tôi mới thấy rõ bộ đội miền Nam hết sức tử tế, khoan hồng, chỉ muốn giác ngộ cho tôi”.

Tên Khưu Văn Ba bị diệt, bọn tay sai nhũn chí; góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân vùng lên phá khu trù mật của nhân dân Vĩnh Long nói riêng và cả miền Nam nói chung, làm cho địch hoang mang, chùn bước trước hiệu quả chính sách “gom dân tát nước bắt cá” của Diệm; góp phần phá rã chương trình xây dựng khu trù mật. Đến tháng 8/1960, “Tổng thống Việt Nam cộng hòa” Ngô Đình Diệm tuyên bố tạm ngừng xây dựng các khu trù mật.

Chiến công tiêu diệt Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba của Đại đội 256, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, bộ đội cách mạng tỉnh Vĩnh Long ngày 16/6/1960 đã ghi một mốc son trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Vĩnh Long. Tỉnh ủy dựng bia kỷ niệm tại Cái Sơn. Lịch sử địa phương, đơn vị đều ghi rõ chiến thắng này.

Ấy vậy mà Đặng Vương Hưng bịa đặt ra câu chuyện “Quận chúa biệt động ám sát Khưu Văn Ba tại dinh tỉnh trưởng” và được nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành.

Sau khi có phản ứng của các ban ngành, Hội Cựu chiến binh và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, ngày 26/10/2008, Giám đốc NXB Công an nhân dân có công văn xin lỗi Tỉnh ủy Vĩnh Long và bạn đọc cả nước; đồng thời quyết định thu hồi cuốn sách mang tên “Quận chúa biệt động” do có nhiều chi tiết sai sự thật, gây xôn xao dư luận tại tỉnh Vĩnh Long và yêu cầu tác giả và biên tập viên chỉnh sửa lại nội dung cho đúng.

Chuyện tưởng như vậy là xong, nào ngờ thời gian qua có nhiều người “rao bán” quyển sách này dưới hình thức tặng cho ai có nhu cầu và chỉ thu 100.000đ tiền phí chuyển sách. Rõ ràng đây là một hình thức “bán sách lậu”, đánh vào trí tò mò của người đọc, góp phần giúp các thế lực thù địch dựng chuyện xuyên tạc lịch sử.

Ngày 12/6/2020, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức tọa đàm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Cái Sơn, ngày 14/6/2020, Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Cái Sơn tại Khu trù mật Cái Sơn.

Trong các buổi tọa đàm, lễ kỷ niệm, các nhân chứng lịch sử từng tham gia trận đánh năm xưa tiếp tục kể lại chi tiết trận đánh và trưng bày nhiều tư liệu của ta và của địch còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Trung ương II khẳng định chiến công tiêu diệt tên tỉnh trưởng Khưu Văn Ba là của quân và dân Vĩnh Long. Đây là sự thật lịch sử không thể chối cãi và không thể xuyên tạc.

Chiến thắng Cái Sơn là niềm tự hào của quân dân Vĩnh Long, là kinh nghiệm quý báu trong tác chiến và trong xây dựng lực lượng vũ trang hiện nay.

ĐẶNG VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh