Chia tay bác Hai Xương, tôi nôn nao muốn tìm hiểu và khám phá đỉnh Ma Thiên Lãnh.
[links()]
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Chia tay bác Hai Xương, tôi nôn nao muốn tìm hiểu và khám phá đỉnh Ma Thiên Lãnh.
Cụm từ Ma Thiên Lãnh ngày càng thu hút du khách gần xa. Đây là đỉnh núi cao nhất trong số 7 ngọn núi ở Lại Sơn. Không những vậy, Ma Thiên Lãnh còn kích thích tò mò bởi những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai, huyền bí.
Được sự hướng dẫn của một người dân cố cựu ở đây- ông Lê Văn Nam, tôi bắt đầu cuộc hành trình, vượt qua 1.300m đường bộ, với nhiều dốc đứng, để leo chinh phục Ma Thiên Lãnh.
Theo lời ông Nam, trong những năm gần đây người ta dùng đá tảng, gạch- xi măng làm nhiều bậc tam cấp thay cho đường mòn đất trước đây nên việc leo núi dễ dàng hơn.
Đi chừng nửa đoạn đường thì chúng ta gặp tượng Phật ở giữa sườn núi mà người dân gọi là Phật lộ thiên. Các đoàn khách đi ngang qua Ma Thiên Lãnh đều ghé vào thắp hương, cầu nguyện bình an, nghỉ ngơi và ngắm cảnh núi rừng. Cách đó không xa là chùa Phổ Tịnh- một ngôi chùa nhỏ được xây dựng vào năm 1970.
Với những người hay đi rừng chuyên nghiệp thì chỉ mất 20- 25 phút, nhưng đoàn chúng tôi thì mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến được gần Ma Thiên Lãnh. Và, để lên tới Ma Thiên Lãnh, con đường duy nhất là phải chui qua một hang động.
Chính hang động này ngày trước đã có vài người đến mai danh, ẩn tích tu luyện và gần đây xuất hiện những câu chuyện huyền bí, liêu trai chốn núi rừng hoang dã. Có vị tu luyện ở đây suốt 4 năm trời tách biệt với con người chỉ ăn trái cây và rau rừng, làm bạn với muôn thú mà vui sống.
Về sau không biết ông đã đi đâu, về đâu? Theo quan sát của tôi thì nơi này không còn vết tích gì của chốn tu hành nữa. Bởi ngoài việc chỉ có vài dòng chữ viết trên vách đá, nổi bật nhất là câu: “Ông Nguyễn Văn Thủ, pháp danh Như Ý, viên tịch ngày… tháng… năm” mà ai đó vừa lấy sơn đỏ viết lại, còn mới nguyên.
Ở độ cao 450m so với mặt nước biển, 1.300m đường bộ chông chênh triền dốc, đây là đỉnh cao nhất trong quần thể 7 ngọn núi ở hòn Sơn.
Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn xung quanh để chiêm ngưỡng phong cảnh non nước hữu tình. Một bên là trời biển mênh mông với làng bè cá lớn nhất hòn Sơn. Một bên là núi rừng xanh thẫm hòa quyện trong làn mây bay lãng đãng...
Ma Thiên Lãnh là một khối đá khổng lồ nhưng đứng trên đỉnh núi cao gần sát mé biển về phía Bắc. Phía Nam là một thung lũng sâu và rộng, còn dưới chân có nhiều hang hốc ăn thông với nhau.
Chính vì vậy mà nơi đây có một địa thế vô cùng nguy hiểm. Tương truyền rằng, ở đây có một hang động rất thần bí, dây leo mọc rất nhiều từ miệng hang thòng xuống dưới.
Người ta có thể đeo dây rừng để xuống hang, nhưng khi đã xuống hang rồi thì bị lạc đường không thể trở lên được. Đã có vài người gan dạ xuống hang nhưng không một ai trở về. Vì vậy cho đến nay không ai biết ở dưới hang có những gì và cũng không còn ai dám mạo hiểm xuống hang này nữa.
Ngày nay, Ma Thiên Lãnh không còn là chốn rừng thiêng, hoang vắng, nhưng những câu chuyện mang màu sắc liêu trai vẫn còn truyền miệng trong dân gian.
Bất cứ ai đến hòn Sơn cũng muốn chinh phục đỉnh núi và muốn tìm hiểu về những câu chuyện huyền bí nơi này, nhất là 2 năm trở lại đây khi xây dựng biển đảo du lịch, mỗi ngày có hàng chục đoàn khách lên Ma Thiên Lãnh.
***
Trở xuống núi, tôi gặp lại ông Lê Văn Nam- người chỉ đường ban sáng, đang cùng với cậu con trai vá lưới đăng bắt ốc hương.
- Ông theo nghề này bao nhiêu năm?
- “Hai mấy năm” rồi.
- Nghề cha truyền con nối hay sao?
- Từ đời cha đến đời tôi...
Sang qua tìm hiểu về nghề đánh bắt hải sản, tôi biết: Nghề đánh bắt hải sản được xem là nghề đem lại thu nhập chính cho ngư dân nơi đây. Họ thường đánh bắt ở các ngư trường như khu vực đảo Nam Du, đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hay vùng biển Cà Mau.
Chủ tàu thường có nhiều bạn ghe đi cùng, vừa để phụ giúp việc đánh bắt, vừa để sẻ chia cho vơi bớt nỗi niềm cô đơn giữa biển cả mênh mông. Hải sản đánh bắt được sẽ được lái quen các chợ lân cận thu mua rồi đem đi tiêu thụ.
Tháng 9 tháng 10 hoặc ra Giêng là những thời điểm trúng mùa nhất trong năm. Người dân vùng biển tôn vinh cá Ông thành một vị thần thiêng liêng làm chỗ dựa tinh thần cho họ mỗi khi gặp sóng to, gió lớn hay những khi bị hiểm nguy đe dọa.
Những ngày lễ nghinh ông dù tàu ở bất cứ nơi đâu cũng quay về đất liền làm lễ tạ ơn. Đây là nét văn hóa tâm linh đã tồn tại từ lâu ở vùng biển hòn Sơn.
***
Chiều xuống. Du khách vẫn dập dềnh trên làng bè cá. Nhiều tàu đò chở du khách đi trải nghiệm vô cùng thú vị. Một người trong đoàn ra tay làm tín hiệu cho anh tài công trẻ cặp bến một nhà bè tương đối quy mô ở đây.
Anh Lê Thanh Vũ- chủ bè cá- cho biết: Làng bè này hình thành chừng chục năm trở lại đây. Người dân chủ yếu nuôi 3 loại cá là cá bốp, cá bống mú và cá chuộn.
Hợp tác xã lồng bè được thành lập vào năm 2012. Được biết, nuôi cá lồng bè là cách thức để gia tăng nguồn lợi thủy sản, tạo thêm thu nhập cho người dân. Để khuyến khích phát triển nghề này, ban đầu UBND xã Lại Sơn đã hỗ trợ con giống cho bà con.
Cá bốp thường được nuôi trong khoảng thời gian 8 tháng, đạt trọng lượng từ 6- 10kg thì có thể xuất bè. Loại cá này khá dễ nuôi, sức đề kháng tốt, lớn nhanh và ít hao phí.
Giá bán cũng ổn định nên được bà con ưa chuộng. Cá bống mú khó nuôi hơn vì giống cá này khá nhạy cảm, đòi hỏi sự chăm sóc rất cẩn thận. Dù vậy, loại cá này có giá khá cao, được hướng tới thị trường xuất khẩu. Bống mú sao và bống mú trân châu được ưa chuộng nhất.
Sau thời gian nuôi 12- 18 tháng thì có thể xuất bè. Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên là các loài cá nhỏ do các tàu đánh bắt ngoài khơi mang về, chi phí nuôi cá được giảm đáng kể.
Riêng cá chuộn- loại cá cùng họ cá chim trắng thì dễ nuôi, thịt cá lại thơm, ngon, được du khách ưa chuộng. Nuôi cá lồng bè là nghề đang ăn nên làm ra nơi đây. Cuộc sống của bà con nhờ vậy cũng khấm khá hơn.
... Trong khi chờ cá nướng chín, ai cũng tranh thủ “chộp hình”. Thái Hồng thì “tự sướng” và ngạo nghễ trên làng bè, giữa trời biển bao la;
Song Hảo thì quên đi cái “cao cao bên cửa sổ” mà mải mê những chùm nắng cuối cùng vắt vẻo trên làng bè; còn những tay máy chuyên nghiệp cừ khôi thì săn đón từng giọt nắng ửng trên tóc, trên môi của những phụ nữ… đến khi nghe mùi thơm của con cá chuộn nướng tỏa ra, thì họ mới sực tỉnh. “Ồ, đây là đặc sản hòn Sơn”…
Như vậy là thêm một ngày của chúng tôi đã trôi qua, với những trải nghiệm vô cùng thú vị…
***
Ngày nay, Hòn Sơn trù phú hơn rất nhiều so với trước. Chợ trung tâm tấp nập, người mua bán, hàng hóa không thiếu thứ gì so với đất liền. Quán xá, nhà nghỉ mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ du khách. Cầu cảng, bến tàu, đường bê tông quanh đảo được xây dựng.
Điện lưới quốc gia đã được kéo về. Tuy nhiên, Hòn Sơn vẫn chưa bị tác động nhiều bởi sự cải tạo của con người. Hầu như vẫn còn nguyên vẹn dáng vẻ hoang sơ với những phong cảnh hữu tình, bãi biển thơ mộng đây là một trong những điểm du lịch sinh thái biển khá lý tưởng khi đến với vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Đêm xa quê nghe tiếng sóng rì rầm, chợt nao lòng với câu hát tài tử mượt mà: … “Đẹp lắm phải không anh, hòn Sơn thu mình giữa trùng dương rêu phong đảo ngọc, kỳ bí dấu chân người xưa khai hoang mở cõi để lại cháu con biển đảo thân thương lả lướt mây… trời”!… (Tác giả NNƯT Vũ Linh Tâm).
Có dịp lắng nghe tâm sự của người xứ biển, chúng tôi hiểu thêm nỗi cơ cực, vất vả của các thế hệ sống nhờ biển. Càng thêm yêu quý cách sống phóng khoáng, nghĩa tình; sự ưu đãi chân thành của những cư dân nơi đây đối với những người khách phương xa như chúng tôi.
Dẫu không ít lần đối mặt với những cơn thịnh nộ của biển cả, sóng gió giữa trùng khơi, người dân xã đảo vẫn vững dạ sống an nhiên với cuộc đời, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
Một ngày mới lại bắt đầu ở hòn Sơn.
Rồi vài ngày tới đây, tàu cao tốc sẽ quay lại Rạch Giá như đã mua vé, chúng tôi sẽ có một ngày tạm biệt hòn Sơn để trở về đất liền, mang theo bao kỷ niệm đẹp về hòn đảo nhỏ cuối trời Tây Nam của Tổ quốc. Với biết bao xúc cảm về một hòn Sơn hiền hòa, những người dân chất phác mang đến nhiều lưu luyến.
NGUYỄN TRỌNG DŨNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin