Bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa - Nhật ký thời chiến Việt Nam

09:07, 05/07/2020

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt Sỹ 27/7, ngày 5/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", Câu lạc bộ "Trái tim người lính" phối hợp cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp mặt tác giả, nhân chứng lịch sử và giới thiệu bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam".

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt Sỹ 27/7, ngày 5/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, Câu lạc bộ “Trái tim người lính” phối hợp cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp mặt tác giả, nhân chứng lịch sử và giới thiệu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.

Giao lưu cùng nhà văn, cựu chiến binh Đại tá Đặng Vương Hưng và gia đình các nhân chứng lịch sử bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Giao lưu cùng nhà văn, cựu chiến binh Đại tá Đặng Vương Hưng và gia đình các nhân chứng lịch sử bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.

Đây là bộ sách đầu tiên tập hợp nhiều tác phẩm nhật ký do các chiến sỹ viết trong thời chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có nhiều nhật ký đầy khói bom, máu lửa chiến trường của các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Theo nhà văn, cựu chiến binh Đại tá Đặng Vương Hưng, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi Hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm, mà còn có nhật ký “Gửi lại mai sau” của liệt sỹ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Hải Trường (tức Nguyễn Minh Sơn); “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn… Đặc biệt là “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong;“Nhật ký chiến trường" của liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, hay “Nhật ký Vượt Trường Sơn” của Tiến sỹ Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, Tiến sỹ Phạm Việt Long.

Bộ sách còn giới thiệu những bài viết hiếm hoi mang chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sỹ Trần Minh Tiến; hoặc nhật ký “Tài hoa ra trận” đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sỹ Hoàng Thượng Lân...

Đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ, nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì được viết ở đây là sự thật, dù có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật!

“Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…”, Đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ.   

Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày, tháng của các chiến sỹ, bạn đọc có thể hình dung cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường; tái hiện phần nào cảnh sống, sinh hoạt của những người dân khu Bốn - vùng tuyến lửa - nói riêng và miền Bắc nói chung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ là những người con của Tổ quốc trong những ngày đạn bom và máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, là ước vọng đoàn tụ với gia đình.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Đại tá Nguyễn Kim Thọ, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng khẳng định, bộ sách “Nhật ký chiến tranh Việt Nam” mang một giá trị to lớn mà ngay lúc này chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Tuy nhiên, nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất.

"Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ở chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về", Đại tá Nguyễn Kim Thọ bùi ngùi chia sẻ. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho ban biên soạn, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình.... 

Đánh giá về bộ sách này, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.

Cùng dòng suy tưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) cho rằng: “Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký Thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau". 

Phải mất 16 năm (2004 - 2020), Ban biên soạn bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam” cùng các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dầy hơn 1.000 trang, khổ 16x24 cm sẽ là tư liệu quý cho thế hệ mai sau.

Theo  Thanh Vũ (TTXVN)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh